CƠ BẮP
[VI] CƠ BẮP
[FR] Muscle
[EN]
[VI] Cơ bắp chiếm khoảng 30-40% trọng lượng toàn thân. Cơ bắp có thể: hoặc động, hoặc căng lên, hoặc dãn mềm. Căng lên một bộ phận nào đó là để giữ một tư thế (posture) nhất định, như đứng nghiêm, giữ thẳng đầu, ngồi, nghiêng người. Để thực hiện một vận động, bao giờ toàn thân cũng phải giữ một tư thế nhất định, tức các bộ phận đặc biệt thân lưng và hai chi trên và chi dưới ở vào những vị trí nhất định, mà “thế” là tương quan giữa ba bộ phận ấy, đồng thời cũng là tương quan giữa cơ thể và đối tượng, như công cụ lao động, hoặc đối thủ trong khiêu vũ hay chiến đấu. Căng lên ít hay nhiều là chức năng trương lực của cơ (tonus). Trong vận động tư thế phải biến đổi tùy theo hoàn cảnh, ví như đi lên dốc; những cảm giác xuất phát từ những cơ, khớp, da, tiền đình được chuyển về não, tạo ra những mạch phản hồi (feed – back) giúp cho điều chỉnh tư thế, nhờ đó vận động thích nghi với những biến động trong môi trường. Ngoài việc thích nghi với sự vật chung quanh, vận động cũng là phương tiện diễn đạt cảm xúc quan hệ giữa người và người. Nhờ kích thích bằng điện từng điểm một, người ta đã xác định được bộ phận não chỉ huy các cơ bắp: đó là nếp trán đi lên, dọc theo rãnh Sylvius (circonvolution frontale ascendante) từ đó xuất phát những xung động dẫn đến những nơ ron vận động. Trước đó, có sự phối hợp giữa vỏ não và tiểu não cùng với một số trung khu ở tầng hạ não. Đặc biệt thể lưới (formation réticulée) đóng một vai trò quan trọng trong chức năng trương lực cơ, và tình trạng căng hay mềm của cơ gắn liền với tình trạng tỉnh thức, chú ý. Trên vỏ não, chiếm một diện tích rộng lớn những cơ chỉ huy vận động của bàn tay, và những cơ được vận dụng trong lúc phát âm và những cơ ở mặt. Tiểu não đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tư thế, tổn thương tiểu não gây rối loạn về giữ thăng bằng. X. vận động
CƠ BẮP
[VI] CƠ BẮP (Điều khiển)
[FR]
[EN]
[VI] Trong vận động, một đơn vị chức năng gồm một nơ ron vận động kết với một sợi cơ bắp, xung động phát từ nơ ron làm các sợi co rút. Các cơ thực hiện những vận động tế nhị như ở con mắt gồm ít sợi cơ (3 sợi); còn ở hai đầu (cánh tay) mỗi đơn vị gồm 200 sợi. Chỉ riêng ở tủy sống, có 20 vạn nơ ron điều khiển các cơ ở thân và các chi. Tùy nhu cầu hoạt động, nhiều hay ít đơn vị làm việc; phối hợp hoạt động của tất cả các đơn vị là một qui trình hết sức phức tạp. Những bộ phận thần kinh hữu quan tiếp nhận nhiều thông tin khi mỗi sợi cơ hoạt động , chuyển về giúp cho các trung khu thần kinh điều khiển vận động sao cho thích nghi với đối tượng. Thực ra mỗi sợi cơ nối kết với hai nơ ron vận động, một là alpha truyền lệnh vận động, hai là gamma tiếp nhận cảm giác cơ bị kéo dài hay co lại trong vận động rồi truyền về “cấp trên”. Chính vận động đến mức nào lại kiềm chế vận động ấy lại (mạch phản hồi), như vậy vận động không vượt quá mức mà cơ thể chấp nhận. Một số nơ ron nối kết với nhau thành những đơn vị cơ sở tựa như các mô-đun của máy tính, hoạt động theo những chương trình do bẩm sinh, hoặc do rèn luyện mà hình thành. Khi vấp phải những trở ngại bất ngờ, thì điều chỉnh lại, đây là kiểu mạch khép, còn nếu chương trình được thực hiện không biến đổi thì gọi là theo kiểu mạch mở. Những chương trình được khởi động hoặc do một kích động từ ngoài, hoặc do trương lực cơ tăng, hoặc do ý muốn. Cơ sở sinh lý thần kinh của ý muốn vận động chưa được xác minh là như thế nào. Những “cấp trên” trong bộ não có thể điều khiển toàn bộ chương trình, thống hợp thành những hoạt động phức tạp; các chương trình cũng có thể hình thành do một sự tập luyện tạo ra mối liên kết giữa các nơ-ron.