LO HÃI
[VI] LO HÃI
[FR] Angoisse,
[EN] Anxiété Anxiey, Angst (Đức)
[VI] Đón chờ và suy nghĩ về một điều gì có thể đến mà không chắc có thể đối phó được là lo. Nếu là một sự việc cụ thể đã từng nguy hiểm thì là lo sợ. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi tâm lý bị rối loạn, một triệu chứng thường gặp là mối lo, nhưng cụ thể không thật rõ là lo về cái gì, sợ về cái gì, đó là hãi. Mối lo hãi đi đôi với những triệu chứng thực thể: đau ngực, cảm giác nuốt không vào, khó thở, có khi toát mồ hôi, chân tay run. Có thể nói đây là triệu chứng thường gặp nhất trong tâm bệnh lý kết hợp với những triệu chứng khác; có những trường hợp lo hãi là triệu chứng độc nhất, kéo dài, đó là chứng bệnh gọi là névrose d' angoisse, tạm dịch là nhiễu chứng lo hãi. Lo hãi có thể đến đột xuất, có tính nghiêm trọng kèm theo cảm giác sắp chết với những rối loạn về hô hấp, tim mạch và tiêu hóa. Nhiều bệnh thực thể cũng thường gây ra mối lo hãi: bệnh mạch vành, Parkinson, động kinh, hạ đường huyết… Theo Ranke, mối lo hãi đầu tiên là lúc lọt lòng, đột xuất từ tình trạng cộng sinh trong lòng mẹ nay phải thích nghi nhanh chóng trong môi trường mới; nhiều học giả không chấp nhận thuyết ấy. Theo phân tâm học, lo hãi bắt nguồn từ thời tấm bé. Bắt đầu khi em bé có cảm giác “mất mẹ”; rồi đến lo hãi mất tình yêu của bố mẹ; rồi đến lo hãi vì bản thân nhiều khi căm ghét bố mẹ, có ý hành hung bố mẹ những không dám thực hiện. Cũng theo thuyết phân tâm, một mối lo hãi thường gặp ở trẻ em là lo bị thiến (con trai thì lo rằng sẽ bị cắt mất dương vật, con gái nghĩ rằng mình đã bị cắt). Dĩ nhiên, các mối lo hãi ở trẻ em đều là vô thức, nhưng nếu không hiểu thì nhiều ứng xử của trẻ em cũng khó mà lý giải. Thông thường, lo hãi của bố mẹ cũng gây lo hãi cho trẻ em. Về sau, khi lớn lên trong cuộc sống gặp những xung đột không giải quyết, những mối lo hãi thời tấm bé, ẩn náu trong vô thức xuất hiện lại với những hình thái khác. Ở trẻ em, lo hãi có thể biểu hiện với những triệu chứng như ám sợ (x. từ này), những cơn hờn giận hay cuồng động, nhưng cơn hoảng sợ ban đêm… Chúng tôi không bàn đến mối lo hãi mà một số triết gia cho là một thuộc tính của bản chất con người (angoisse métaphysique).