Tri thức/Cái biết [Đức: Wissen; Anh: knowledge]
Xem thêm: Nhận thức, Niềm tin, Cho-là-đúng, Tư kiến, Tư tưởng,
Tri thức, niềm tin và tư kiến cùng góp phần tạo nên ba cấp bậc cho việc xem một phán đoán là đúng. Việc cho-là-đúng của niềm tin là không đầy đủ về mặt khách quan, nhưng lại đầy đủ về mặt chủ quan và đem lại sự xác tín. Việc cho-là-đúng của tư kiến lại không đầy đủ trên cả hai phương diện này, trong khi việc cho-là-đúng của tri thức thì đầy đủ cả về mặt khách quan lẫn chủ quan, và đưa lại sự xác tín lẫn sự chắc chắn (PPLTTT, A 822 /B 850). Mỗi cấp bậc của việc cho-là-đúng có đối tượng tương thích và tình thái phán đoán của riêng nó. Đối tượng của tri thức “phù hợp với các quan niệm mà tính thực tại khách quan của chúng có thể được chứng minh” và là “những sự kiện” (res facti) (PPNLPĐ §91). Chúng bao gồm “các đặc tính toán học của các đại lượng hình học” và ý niệm thực hành về sự tự do, nói cách khác, là “sự vật hay thuộc tính của sự vật có thể được kinh nghiệm kiểm chứng” (sđd). Tình thái phán đoán của tri thức là tất yếu, nghĩa là “phổ quát và tất yếu khách quan” (có giá trị cho tất cả).
Châu Văn Ninh dịch