Hành động giao tiếp hay tương giao [Đức: Kommunikatives Handeln; Anh: Communicative action]
Tương tác có ý nghĩa giữa người với người. Đây là chủ đề trọng yếu trong nhiều tác phẩm ở thời kỳ trưởng thành của Habermas, và đặc biệt trong tác phẩm The Theory of Communicative Action (1984a, 1987)/ Lý thuyết về hành động giao tiếp. Việc nghiên cứu về hành động giao tiếp thoạt đầu được thảo luận trong những bài tiểu luận như ‘What is Universal Pragmatics? (1979a, tr. 1–68/ Thuyết dụng hành phổ quát là gì?, và tập Những bài giảng ‘Gauss’ năm 1971 (2001c, tr. 1–104).
Với Habermas, hành động giao tiếp đòi hỏi sự thiết lập hoặc duy trì mối quan hệ xã hội giữa hai hay nhiều cá nhân. Vì những hành động như thế là đầy ý nghĩa, chúng sẽ liên quan đến một số loại viện dẫn tới ngôn ngữ thường ngày. Ở dạng thức đơn giản nhất của nó, đây sẽ là hành động bị ẩn dưới ngôn ngữ thường ngày, chẳng hạn như đang nói hoặc viết điều gì đó. Ở mức độ tinh tế hơn, hành động này có thể là cử chỉ mang ý nghĩa (chẳng hạn như một cái nắm chặt tay hay một nụ hôn gió). Trong đó, tất cả hành động như vậy đều là một nỗ lực để thiết lập sự giao tiếp giữa hai hay nhiều người, nếu nó thất bại, người này hay người khác trong số những người liên quan sẽ nhờ đến ngôn ngữ nhiều hơn để tạo ra ý nghĩa (tức là, để tìm kiếm ý nghĩa) của điều đang diễn ra (ví dụ, bằng việc hỏi một cách rõ ràng, ‘Có phải tôi đã làm bạn khó chịu?’, hoặc bằng việc dành phần còn lại của ngày hôm đó băn khoăn xem liệu có phải bạn đang yêu).
Điều còn có thể ghi chú từ những ví dụ này là hành động giao tiếp không chỉ để trao đổi thông tin. Với Habermas, vấn đề của nhiều triết thuyết cũ về ngôn ngữ và giao tiếp là chúng chỉ tập trung duy nhất vào chức năng trao đổi thông tin của giao tiếp, vì thế trong khi phát triển một ‘học thuyết về hành động giao tiếp’, ông mong muốn học thuyết có thể giải thích thực tế là ta thực hiện nhiều tác vụ khác nhau khi giao tiếp (xem thuyết dụng hành phổ quát/ universal pragmatics). Hành động giao tiếp có thể là cách thực hiện điều gì đó trong đời sống, như dọa nạt, yêu cầu hay hứa hẹn (xem speech act/hành động phát ngôn). Do đó, Habermas xác định ba chức năng mà hành động giao tiếp có thể thực hiện. Tất nhiên, hành động giao tiếp có thể được sử dụng để truyền đạt thông tin. Nó còn có thể được sử dụng để thiết lập các mối quan hệ xã hội với những người khác (ví dụ, thông qua một lời hứa đơn giản, hoặc bằng lời của vị linh mục làm lễ cưới ‘Ta tuyên bố các con là vợ chồng’, hoặc một linh mục nói ‘Ta ban phép rửa cho con nhân danh Chúa…’). Cuối cùng, hành động giao tiếp có thể được sử dụng để diễn đạt những ý kiến hay cảm xúc của một người (ý kiến hay cảm xúc có thể diễn đạt một cách thẳng thừng, bằng việc nói ‘tôi mệt’ hoặc thông qua những cử chỉ phóng đại như ngáp dài và vươn vai, hoặc tinh tế hơn bằng việc làm thơ hay vẽ tranh, hoặc ngay cả bằng việc sử dụng tiếng xứ Wales hơn là tiếng Anh để nói bất cứ thứ gì bằng bất cứ cách nào, và qua đó diễn tả cảm thức của một người về bản ngã đồng nhất và cảm giác gần gũi cộng đồng).
Phân tích này có thể được đẩy xa hơn. Ở chức năng căn bản nhất của nó, khi tôi thực hiện hành động có tính giao tiếp tôi giả định trước rằng những người khác sẽ hiểu những gì tôi đang làm. Đầu tiên, họ chia sẻ cùng một thứ ngôn ngữ mà tôi nói. Chẳng hạn, họ là những người bạn nói tiếng xứ Wales. Thứ hai, họ hiểu biết về thế giới bên ngoài theo cùng lối giống như tôi hiểu. Vì vậy, khi tôi nói với họ rằng, một buổi sáng đẹp trời (‘Mae’n hyryd y bore ma’), viii họ sẽ biết rằng mặt trời đang chiếu sáng và trời thì ấm áp. Thứ ba, chúng tôi cùng chia sẻ những chuẩn mực và tập quán xã hội như nhau (vì vậy khi tôi tiếp tục và nói trực tiếp với họ theo lối xưng ‘you’ thân tình, họ sẽ không mếch lòng vì sự thân thiết quá mức của tôi). Cuối cùng, họ sẽ hiểu cách tự biểu đạt bản thân của tôi và hiểu tôi khi tôi nói đùa hay châm biếm. Vấn đề là hiểu biết thông thường như thế không được đảm bảo. Sự giao tiếp vì thế có thể bị đổ vỡ. Để sửa chữa những hiểu lầm và nhầm lẫn như vậy, tôi sẽ chuyển sang ngôn ngữ thường ngày và hành động có ý nghĩa hơn. Ví dụ, tôi nhắc lại bằng tiếng Anh; tôi mở rộng các rèm cửa để ánh sáng mặt trời chiếu vào; tôi xin lỗi và tiếp tục một cách trang trọng; tôi giải thích rằng tôi chỉ nói đùa. Hành động giao tiếp, do đó, bao trùm cả hai thứ mà Habermas gọi là ‘hành động của sự đồng thuận’, ở đây những giả định chung được thừa nhận, và ‘hành động được định hướng để đạt tới sự thấu hiểu’, ở đây tôi cố gắng thiết lập nền tảng chung (Habermas, 1979a, tr. 209).
Hành động giao tiếp được phân biệt với hành động chiến lược/strategic action trong đó loại sau không tiền giả định sự cần thiết thiết lập bất cứ sự hiểu biết được chia sẻ nào. Trong hành động chiến lược, một người đơn giản có thể tìm cách điều khiển hoặc gây ảnh hưởng lên người khác, mà không nhất thiết người thứ hai cần hiểu những gì đang diễn ra hoặc đồng tình với nó.
Xem thêm: Honneth & Joas, 1991.