Lương tâm [Hy Lạp: syneidesis; Latinh: conscientia; Đức: Gewissen; Anh: conscience]
Xem thêm: Ý thức, Sợ hãi, Tự do, Thượng đế, Phán đoán, Định đề, Sự trừng phạt,
Về nguồn gốc, lương tâm là một thuật ngữ đạo đức học Hy Lạp có nghĩa là “nhận thức kết hợp” [syneidesis]. Sau đó nó được phát triển có hệ thống như là bộ phận của học thuyết Kitô giáo của Thánh Paulus trong Kinh Thánh Tân Ước (xem, Acts 24:16). Đó là một cảm thức hay sự xác tín rằng một tư tưởng hay một hành vi là đúng đắn vì được thoát thai từ “tiếng nói của Thượng để’. Kant dùng khái niệm này theo nghĩa gần với Calvin và giáo phái Calvin hơn với Luther và các nhà Pietist. Luther và các nhà Pietist xem lương tâm là trạng thái giày vò sẽ được ân sủng của Thượng đế cứu chữa. Các nhà Pietist, chẳng hạn như Arndt, xem trạng thái được ân sủng là ở chỗ thụ động khước từ thế gian (Arndt, 1605, tr. 122) và xem niềm vui của lương tâm là được nảy sinh từ sự sùng mộ nội tâm. Ngược lại, Calvin xem lương tâm là một phương diện quan trọng của sự tự do Kitô giáo. Calvin phân biệt giữa “tòa án bên ngoài” của thế gian với “tòa án bên trong của lương tâm” không phải để biện minh cho việc rút lui khỏi thế giới mà để sống một cuộc sống chính trực ở trong thế giới. Calvin định nghĩa lương tâm là “nhận thức hay tri thức” “được thêm vào” “một cảm thức về sự công bằng thần thánh như là nhân chứng”; lương tâm “[là nhân chứng] đứng giữa Thượng đế và con người, không dung thứ con người lấp liếm đi những gì họ biết trong chính mình” (Calvin, 1962, tập II, tr. 141).
Trong TG, ĐĐH, SHHĐL, các bàn thảo của Kant về lương tâm đều đi theo [quan điểm của] Calvin, xem lương tâm là một tòa án hay phiên tòa nội tâm. Trong văn bản đầu tiên Kant định nghĩa lương tâm là “một trạng thái của ý thức vốn tự thân là nghĩa vụ” (TG, tr. 185, tr. 173), và qua đó Kant muốn nói rằng nó là “quan năng luân lý của sự phán đoán tự phán xét chính mình”. Nó không phán đoán các hành động như thể chúng là các trường hợp thuộc về pháp luật, mà là lý tính tự phán xét chính nó đối với việc “liệu nó có thực sự đảm bảo rằng sự đánh giá về các hành động (về việc chúng là đúng hay sai) với tất cả sự cẩn thận hay không, và nó mời gọi con người tự mình làm nhân chứng ủng hộ hay chống lại chính mình, xem sự xét đoán cẩn thận này có thực sự xảy ra hay không” (TG, tr. 186, tr. 174). Trong ĐĐH, sự tự-phán xét này được mô tả như là việc đưa ra bản án: lương tâm “phán quyết một lời tuyên án pháp lý, và, giống như một thẩm phán là người chỉ có thể trừng phạt hay tha bổng chứ không thể ban thưởng, cũng vậy lương tâm chúng ta hoặc tha bổng hoặc tuyên bố chúng ta có tội và đáng nhận hình phạt” (ĐĐH, tr. 130). Bằng cách thức khá chính thống, Kant xem lương tâm là “cái biểu tượng bên trong chúng ta về chiếc ghế quan tòa thần thánh: nó cân đo những tâm thế và hành động của chúng ta theo các thang bậc của một luật vốn có tính thiêng liêng và thuần túy; chúng ta không đánh lừa được nó, và sau cùng, chúng ta không thể trốn thoát khỏi nó bởi vì, như Đấng phổ hiện thần thánh, nó luôn ở cùng với chúng ta” (ĐĐH, tr. 133).
Các công việc của tòa án nội tâm của lương tâm được mô tả đầy đủ nhất trong SHHĐL. Chính nhờ “phiên tòa nội tâm” này mà mọi người “nhận thấy chính mình bị quan sát và bị đe dọa, và nói chung, cảm thấy sợ hãi” (SHHĐL, tr. 438, tr. 223). Trước khi một hành vi được tiến hành, lương tâm đưa ra một cảnh báo, nhưng sau khi hành vi được hoàn thành thì “bên nguyên sẽ phải ra trình diện trước lương tâm” cùng với ban bào chữa. Sự tranh tụng này không được hòa giải một cách thân tình, và tòa án lương tâm phải đưa ra bản án, tha bổng hoặc kết tội. Một sự tha bổng không đem lại phần thưởng hay niềm vui thích (như cách hiểu của các nhà Pietist) nào hết mà chỉ giải phóng khỏi sự lo âu, giày vò. Trong một suy tư đáng chú ý của chính Kant về sự tương tự về mặt pháp lý, Kant cho rằng sự hiện hữu của lương tâm có thể được sử dụng để nâng đỡ định đề [của lý tính thuần túy thực hành] về sự tồn tại của Thượng đế như là một “hữu thể luân lý toàn năng” (SHHĐL, tr. 439, tr. 234).
Mai Sơn dịch