Thượng Đế/Thiên Chúa [Đức: Gott; Anh: God]
Xem thêm: Loại suy/Tương tự, Nhà thờ, Lòng tin, Định đề, Biện thần luận, Thần học,
Cách hiểu triết học của Kant về Thượng đế vẫn nhất quán xuyên suốt sự nghiệp học thuật của ông. Cách hiểu này được phát biểu rõ trong câu cuối quyển HHTĐ, ở đó ông tổng kết một sự xét lại có phê phán về những luận cứ chứng minh cho sự hiện hữu của Thượng đế bằng sự phủ nhận: “Trong khi ta tin rằng Thượng đế hiện hữu là tuyệt đối tất yếu; [thì] việc chứng minh sự hiện hữu của Ngài lại không tất yếu” (tr. 163, tr. 201). Cảm tưởng này là dư âm của nhận định được Kant nêu lên trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai của PPLTTT, ở đó ông thừa nhận rằng trong các vấn đề về Thượng đế, sự tự do và sự bất tử, ông đành “phải dẹp bỏ nhận thức [sai lầm] để nhường chỗ cho lòng tin” (PPLTTT B 30). Các trước tác của ông về vấn đề Thượng đế đều hoàn toàn thấm nhuần sự căng bức giữa lòng tin vào Thượng đế và tri thức chứng minh về sự hiện hữu của ngài. Các trước tác này có thể được chia thành năm nhóm riêng biệt.
Trong nhóm thứ nhất, gồm các trước tác thần học: HHTĐ, “Ý thể của lý tính thuần tuý” trong PPLTTT và THTN, Kant làm xói mòn những luận cứ chứng minh bản thể học, vũ trụ học và thần học vật lý hay mục đích luận về sự hiện hữu của Thượng đế của môn thần học triết học truyền thống. Trong các văn bản này, ông đối lập các kỳ vọng với tri thức tư biện về Thượng đế của “những kẻ mơ mộng xây dựng lâu đài” của lý tính (GM tr. 324, tr. 329) như Christian Wolff, người hệ thống hóa thần học triết học. Trong nhóm thứ hai, gồm cuốn GM, ĐHTD và TG, ông điều chỉnh sự cân bằng bằng cách đặt đối lập các kỳ vọng với kinh nghiệm trực quan trực tiếp về Thượng đế vốn vẫn còn được duy trì nổi những người cuồng tín về lòng tin như: Swedenborg, Hamann và Jacobi. Trong khi các triết gia tin rằng những luận cứ chứng minh của họ đã mang lại cho họ tri thức về Thượng đế, thì những người cuồng tín lại tin rằng những sự loại suy nhân hình luận thô thiển mang lại cho họ một kinh nghiệm huyền học về tính thần thánh. Từ thế đứng của sự phê phán của mình về thần học triết học, Kant giới hạn nhận thức về Thượng đế vào sự loại suy và sự sử dụng nó như một ý niệm điều hành; sự hạn chế này cùng với sự phê phán của ông về kinh nghiệm huyền học về Thượng đế được kết hợp lại để xác lập những thông số của nhóm trước tác thứ ba, gồm PPLTTT, TG và trên hết là PPLTTH. Nhóm này xác định vị trí đúng của Thượng đế là nằm trong kinh nghiệm thực hành, và khảo sát nghĩa luân lý về Thượng đế như một “định đề của lý tính thuần tuý” (PPLTTH tr. 133, tr. 137 và tiếp) cần thiết để đảm bảo sự tôn kính đối với quy luật. Nhóm các trước tác thứ tư, chủ yếu là cuốn TG, phân tích thiết chế của nhà thờ, trong khi một nhóm các trước tác thứ năm và khá mổ hồ, gồm PPNLPĐ, LSPQ, HBVC, và BTL, tập trung vào vai trò của Thượng đế trong lịch sử, với sự quy chiếu đặc biệt đến biện thần luận và sự thiên hựu.
Trong năm nhóm trước tác này, những nhóm có ảnh hưởng nhất là nhóm thứ nhất và thứ ba. Mối quan hệ giữa sự phê phán thần học và luận cứ ủng hộ cho lòng tin thực hành đã kích thích nhiều thế hệ của những nhà lý giải. Thêm vào đó, rất nhiều công trình đã được thực hiện dựa trên chi tiết của sự phê phán về ba sự chứng minh thần học/triết học cho sự hiện hữu của Thượng đế. Việc đột ngột gia tăng gần đây mối quan tâm đến triết học của Kant về lịch sử càng làm tăng thêm sự nhạy cảm xoay quanh chủ đề về thiên hựu, và quan hệ giữa quan niệm này về Thượng đế với sự phê phán về thần học và lòng tin luân lý. Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn diện về toàn bộ quan niệm của Kant về Thượng đế, một nghiên cứu hẳn sẽ phải bao quát cả năm nhóm văn bản ấy, vẫn còn chưa được thực hiện.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch