Phán đoán phân đôi [Đức: disjunktives Urteil; Anh: disjunctive judgement]
Xem thêm: Loại suy, Cộng đồng tương tác, Phán đoán, Tương quan, Bảng các phán đoán/Bảng các phạm trù,
Phán đoán phân đôi là phán đoán thứ ba trong các phán đoán về tưong quan được trình bày trong “Bảng các phán đoán” của PPLTTT (A70/71) - xem bảng 1 trong CÁC PHẠM TRÙ. Nó được định nghĩa như là chứa đựng “mối quan hệ giữa hai hay nhiều mệnh đề trái ngược nhau, nhưng không phải là mối quan hệ về hệ quả mà chứa đựng mối quan hệ của sự đối lập logic, trong chừng mực lĩnh vực của mệnh đề này loại trừ lĩnh vực của mệnh đề kia, nhưng đồng thời cũng bao hàm mối quan hệ của cộng đồng tương tác, trong chừng mực mọi mệnh đề gộp chung lại sẽ lấp đầy lĩnh vực của nhận thức” (PPLTTT A 73/B 99). Hình thức này của phán đoán có đặc tính là “một cộng đồng tương tác nào đó của các nhận thức, thể hiện ở chỗ các nhận thức ấy vừa loại trừ lẫn nhau, nhưng qua đó vừa xác định nhận thức đúng đắn trong cái toàn bộ” (A74/B99). Ví dụ về một phán đoán như thế là: “Thế giới tồn tại hoặc là do một ngẫu nhiên mù quáng, hoặc là do sự tất yếu nội tại, hoặc là do một nguyên nhân từ bên ngoài”. Phán đoán này là phán đoán phân đôi, vì tất cả những mệnh đề này gộp lại tạo nên toàn bộ lĩnh vực của nhận thức có thể có về sự tồn tại của thế giới, thế nhưng các mệnh đề này lại loại trừ lẫn nhau.
Kant dùng bảng các phán đoán để rút ra các phạm trù, từ các phạm trù này ông tiến xa hơn rút ra các sơ đồ (các niệm thức) và các nguyên tắc. Phán đoán phân đôi, theo đó mang lại phạm trù thứ ba về tương quan, cụ thể là cộng đồng tương tác, sơ đồ về “sự tác động qua lại” và nguyên tắc của loại suy thứ ba của kinh nghiệm, là nguyên tắc phát biểu rằng những bản thể cùng-tồn tại bị chi phối bởi quy luật của sự tác động qua lại hay cộng đồng tương tác.
Mai Thị Thùy Chang dịch