Lực/Sức mạnh ngôn trung [Đức: Illokutionäre Macht; Anh: Illocutionary force]
Lực/sức mạnh của phát ngôn để tạo nên quan hệ xã hội giữa người nói và người nghe (Habermas, 1976e). Ý tưởng về lực ngôn trung được đề xuất lần đầu tiên bởi triết gia phân tích J. L. Austin khi ông phân biệt những gì ông gọi là các hành động phát ngôn/speech acts với các phát ngôn tri nhận (cognitive). Nói cách khác, Austin cho rằng có hai hình thức nói. Ở các phát ngôn tri nhận, người nói đơn giản khẳng định sự kiện hay ý kiến nào đó về thế giới (chẳng hạn, ‘Thủ đô của nước Pháp là Paris’; ‘Tôi bị đau đầu’). Ở hình thức kia, người nói làm một điều gì đó thông qua việc nói (chẳng hạn, ‘Ta tuyên bố hai con là vợ chồng’; ‘Tôi tuyên án bị cáo ba năm lao động khổ sai’; ‘Tôi hứa sẽ gặp bạn lúc 9 giờ’). Nhóm thứ hai này chính là nhóm các hành động phát ngôn có lực ngôn trung.
Habermas, tiếp sau triết gia John Searle, phát triển kiến giải độc đáo của Austin khi cho rằng mọi phát ngôn có cả nội dung tri nhận (hay ‘mệnh đề’) lẫn lực ngôn trung (xem cấu trúc kép của ngôn ngữ/double structure of language). Khi tôi nói rằng: ‘Thủ đô của nước Pháp là Paris’ thì nội dung tri nhận chắc chắn là chủ đạo, nhưng tôi vẫn can dự vào một mối quan hệ xã hội với người nghe tôi. Chẳng hạn, có thể tôi đang dạy địa lý hay trả lời câu hỏi đố vui. Nếu tôi nói: “Tại sao chúng ta không nghỉ cuối tuần ở Paris nhỉ?”, thì thành phần ngôn trung của lời nói sẽ là chủ đạo. Tôi đang hỏi bạn, và có thể tôi có liên quan tới việc sắp xếp một kỳ nghỉ cho chúng ta. Tuy nhiên, trong cách đặt ra câu hỏi này, tôi giả định rằng thực sự có một nơi là Paris. Theo cách nói của Habermas thì trong các phát biểu tôi khẳng định tri thức của mình về thế giới, còn trong câu hỏi tôi chỉ đề cập đến nó. Nhưng điều đó vẫn quan trọng, và lời gợi ý, lời hứa hay yêu cầu có thể thất bại bởi vì các tiền giả định về thế giới là sai lầm (chẳng hạn, ‘Hãy bay đến Paris cuối tuần tới.’ ‘Chúng ta không thể; mọi chuyến bay đều đã kín chỗ’).
Nếu phát ngôn có thể bị thách thức ở ngay nền tảng của những gì giả định về thế giới thì nó cũng có thể bị thách thức ở cả nền tảng lực ngôn trung của nó. Tôi khẳng định rằng Paris là thủ đô của nước Pháp, và một sinh viên khó ưa ngồi ở cuối lớp học địa lý đòi biết chuyện tôi có quyền gì để dạy anh ta về nước Pháp—tôi đã từng đến Pháp chưa? Tôi hứa sẽ cho bạn mượn cuốn Knowledge and Human Interests /Tri thức và những lợi ích hay các mối quan tâm của con người, nhưng bạn phản đối rằng bản sách đó không phải của tôi, và tôi không có quyền cho bất cứ ai khác mượn. (Về thách thức với các phát ngôn, xem yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim). Những ví dụ này chỉ ra rằng, trong khi tạo nên phát ngôn, những người mà tôi đang nói với phải tôn trọng thẩm quyền tạo ra phát ngôn của tôi (để thực thi hành động mà nó đòi hỏi). Chỉ khi đó phát ngôn mới thành công với mục tiêu dẫn đến quan hệ xã hội đặc trưng giữa người nói và cử tọa, và điều quan trọng để làm được như vậy là dựa trên nền tảng của sự đồng thuận tự do của mọi đối tượng tham gia (chứ không phải vì họ bị người nói đe dọa, cưỡng chế hay lừa dối).