Lực [Latinh: vis; Đức: Kraft; Anh: force]
Xem thêm: Hiện thực, Vật thể, Chất liệu, Vận động, Sức mạnh, Lực đẩy,
Khái niệm này nảy sinh từ sự phản tư triết học và khoa học về các nguyên nhân vận động của các vật thể vật chất. Định nghĩa phổ biến hiện nay là một định nghĩa thuộc khoa học tự nhiên, xem lực như một hành động làm biến đổi trạng thái đứng yên hay vận động đều của một vật thể. Trong thế kỷ XVII, XVIII, khái niệm về lực được định nghĩa rất tồi trên phương diện khoa học và triết học (trong chừng mực hai lối tiếp cận này là riêng biệt), dẫn đến sự lẫn lộn đáng kể mà bản thân Kant cũng đã tham dự vào. Một trong những lẫn lộn nền tảng nảy sinh từ sự phân biệt giữa lực quán tính và lực tác động. Cái trước, trong thuật ngữ của Descartes, là lực giữ cho vật thể đứng yên, cái sau là lực mà nhờ đó một vật thể bắt đầu và giữ nguyên vận động (xem Descartes, 1981, tr. 79). Qua việc quan niệm lực quán tính như “bẩm sinh” và lực tác động như bị gây ra bởi nguyên nhân bên ngoài, một số triết gia, kể cả Leibniz và Kant, đã tiếp tục xem xét lực trong thuật ngữ truyền thống kiểu Aristoteles như một nguyên tắc hay nguyên nhân của sự chuyển động. Điều này khiến cho quanh sự phân biệt giữa những cái được biết như hai “ngoại lực” - lực vật thể và lực bề mặt - càng lẫn lộn hơn nữa. Các lực vật thể như trọng lực hoạt động xuyên suốt các vật thể vật chất, trong khi các lực bề mặt được áp dụng bởi [sự tác động của] vật thể rắn này với vật thể rắn khác. Sự mở rộng không chính đáng mô hình về các lực bề mặt vào nghiên cứu lực như một tổng thể là cơ sở cho sự phân biệt trung tâm của Kant giữa lực hút và lực đẩy.
Phản tư triết học về khái niệm về lực vẫn được theo đuổi trong suốt sự nghiệp của Kant. Tác phẩm đầu tiên của ông, cuốn LS (1747), định nghĩa “lực bản chất” không phải như vis motrix [lực quán tính] mà như vis activa [lực tác động] - như lực tác động chứ không phải lực vận động. Quan niệm của Kant về lực bản chất, nổi rõ trong §3, nối kết lực quán tính và lực tác động. “Lực bản chất” nói ở đây không thể được nhận thức một cách toán học (dựa theo “thước đo Descartes”) vì nhận thức như thế bị hạn chế vào các biểu hiện bên ngoài của sự chuyển động. Muốn lĩnh hội đầy đủ nó thì cần phải có nhận thức siêu hình học không bị giới hạn vào sự chuyển động bên ngoài mà còn mở rộng đến vis active [lực tác động] bên trong, lực này là một đặc điểm của cả bản thể vật chất lẫn bản thể trí tuệ. Bước đi sau cho phép Kant trong §6 mở rộng dãy khái niệm về lực từ vật lý học đến tâm lý học, sử dụng nó để “giải quyết” khó khăn của phái Descartes về mối quan hệ hồn-xác.
Mặc dù, Kant đưa ra nhiều ví dụ của siêu hình học về lực này trong các trước tác tiền-phê phán của mình, nhưng ông vẫn nhận thức rõ những nguy cơ của nó. Trong GM, Kant cho rằng các lực nền tảng này nếu không được rút ra từ kinh nghiệm thì “hoàn toàn võ đoán” và cảnh cáo việc sáng chế ra “các lực nền tảng” thay vì nối kết “các lực mà người ta đã biết thông qua kinh nghiệm theo một cách thức thích hợp với các hiện tượng” (tr. 371, tr. 357). Quan niệm này được tăng cường trong LA, trong đó Kant chỉ trích loại siêu hình học về lực đã được minh họa trong cuốn LS của chính ông: “quá nhiều sự sáng chế vô vọng, chúng có thể ra đời từ bất kỳ đầu óc nào có tính “kiến trúc”, hay nói khác đi, từ bất kỳ đầu óc nào ưa chuộng ảo ảnh” (§28). Sự phát triển này tương ứng với việc Kant định nghĩa lại siêu hình học như “một khoa học về các ranh giới của lý tính con người” (GM, tr. 368, tr. 354) và báo hiệu sự nghiên cứu có tính phê phán ở thời kỳ sau của ông về lực.
Tuy nhiên, dù có sự phát triển này, nghiên cứu của Kant về lực vẫn không hoàn toàn thoát khỏi những giới hạn ban đầu của nó. Ngay trong ĐTLVL (1756), trong bối cảnh các bàn luận về lực quán tính, Kant đã đưa ra một sự phân biệt giữa lực hút và lực đẩy (tr. 484, tr. 62). Sự phân biệt này khái quát hóa tác động của lực bề mặt thành “lực tác động” bên trong và được Kant mở rộng từ lĩnh vực vật lý học sang các hiện tượng luân lý và chính trị. Quan niệm về sự quy định qua lại giữa lực hút và lực đẩy mang lại một sự tương tự hữu ích qua đó giải thích vô số các hiện tượng, từ tính bất khả xuyên thấu của vật chất đến “tính hợp quần mà không hợp quẩn” [asocial sociability] trong triết học thực hành của Kant.
Trong PPLTTT, lực, cùng với hành động, được mô tả như một khái niệm phái sinh của tính nhân quả, một khái niệm [phạm trù] mà giác tính dùng để suy tưởng về vật thể (A 20/ B 35), nhất là về “các hiện tượng tiếp diễn nào đó (như những chuyển động) cho thấy sự có mặt của các lực ấy” (A 207/ B 252). Tuy nhiên, tự chúng, các lực là “không thể nào tìm hiểu được” đối với chúng ta và không có sẵn để quan sát (A 614/ B 642). Kant khẳng định lập trường này trong SHHT, trừ việc ở đây ông thừa nhận sự hiện hữu của hai “lực nên tảng” là lực hút và lực đẩy. Các lực nền tảng nằm tại gốc rễ của khái niệm về vật chất, nhưng tự chúng lại không thể được lĩnh hội hoặc được cấu tạo để trình bày trong một trực quan khả hữu. Điều này có nghĩa là, chúng không thể được mang lại bằng một phân tích toán học (SHHT, tr. 524, tr. 78). Tuy nhiên, sau này, trong OP, Kant cố gắng nối kết các lực thường nghiệm vốn cấu thành vật lý học thành một sự thống nhất thuần lý và có hệ thống. Như là “Sự chuyển tiếp từ Các nguyên tắc Siêu hĩnh học sang các nguyên tắc Vật lý học của Tự nhiên”, điều này rút ra một hệ thống tiên nghiệm của các lực khả hữu từ bảng các phạm trù và các đặc tính chung của vật chất; sự hợp nhất giữa lực và vật chất được hoàn tất bởi khái niệm về ether.
Việc Kant dựa trên ether trong nghiên cứu cuối cùng của ông về vật lý học triết học cho thấy các giới hạn của khái niệm của ông về lực. Tuy nhiên, sự đối lập cơ bản của các lực nền tảng là lực hút và lực đẩy có vẻ đã lôi cuốn Kant vì các lý do triết học hơn là khoa học, và được sử dụng vì một lý do tương tự trong triết học tự nhiên của Schelling (1813) và của Schopenhauer (1813). Hegel đã phân tích phê phán cấu trúc đối lập của khái niệm về lực (Hegel, 1812, tr. 518-523), nhưng sau ông, các phân tích triết học và khoa học tự nhiên về lực đã thực sự chia tay nhau.
Hoàng Phú Phương dịch