Hiện thực (tính) [Hy Lạp: energeia; Latinh: actus; Đức: Wirklichkeit; Anh: actuality]
Xem thêm: Hành động, Tồn tại, Hiện hữu, Khả thể, Định đề của Tư duy thường nghiệm, Nguyên tắc (những),
Ta có thể làm rõ việc sử dụng thuật ngữ hiện thực [tính] (actuality) của Kant trong định đề thứ hai của tư duy thường nghiệm bằng cách so sánh với thuật ngữ energeia vừa có nghĩa là hành động vừa có nghĩa là hiện thực của Aristoteles. Thuật ngữ hiện thực thường chỉ đến energeia được dùng chung với dynamis, một thuật ngữ được phiên dịch một cách nước đôi như khả thể hay như tính tiềm năng. Energeia có nghĩa là đem dynamis vào trong hoạt động, nhưng không cần đòi hỏi rằng dynamis phải được suy tưởng một cách hữu thể học hay nhận thức luận như đi trước energeia. [Vì] việc đưa ra một yêu sách như vậy hẳn sẽ đưa đến việc bắt cả hai thuật ngữ ấy phụ thuộc vào những sự quy định về mặt phạm trù của tồn tại. Điều này là không thể chấp nhận được, bởi energeia và dynamis đều có tính cách tiền-phạm trù; thật thế, đối với Aristoteles, chúng thậm chí còn làm phát sinh những phạm trù về chất, lượng, tình trạng và vị trí (Aristoteles, 1941, 20la, 10). Vì lý do này, tưong quan giữa chúng không thể được phát biểu bằng phạm trù, mà chỉ có thể bằng sự loại suy (xem Aristoteles, 1941, 1048a và 1065b).
Cho dù Kant xác định vị trí theo kiểu phạm trù cho nguyên tắc về tính hiện thực, dựa vào phạm trù tình thái thứ hai là hiện hữu/không hiện hữu, thì nó vẫn mang nhiều đặc trưng của quan điểm ban đầu của Aristoteles, nhưng đã được truyền thống Kitô giáo chế ngự. Luận cứ của Aristoteles về tính vĩnh cửu của vật chất và thế giới đã đặt ra những khó khăn rõ rệt cho học thuyết Kitô giáo về sự sáng tạo từ hư vô [ex nihilo] (xem “The condemnation of 1277” [Sự kết án năm 1277} trong Hyman và Walsh, 1984). Một giải pháp được những nhà kinh viện ưa thích là buộc sự khảo sát vũ trụ học về tính hiện thực (vốn có nguồn gốc trong những nỗ lực của Aristoteles muốn giải thích sự thay đổi - kinesis - trong quyển Physics) phụ thuộc vào một khảo sát có tính cách thần học-bản thể học (onto-theological). Vì thế, nổi Aquinas, Thượng đế tự-hiện thực hóa mà không cần phải có tính tiềm năng, trong khi thế giới nhận được cả tính tiềm năng lẫn tính hiện thực của nó từ Thượng đế như từ Đấng Sáng tạo (Aquinas, 1975, Quyển I, Chưong 16). Bằng cách này, hiện thực được xếp chồng lên vấn đề về sự hiện hữu của Thượng đế và thế giới; sự hiện hữu, hay việc biến một thế giới khả hữu thành hiện thực, được xem như một thuộc tính. Đối với Kant, truyền thống tư tưởng này được minh họa qua triết học của Christian Wolff, người đã bao hàm cả sự hiện hữu vào bên trong định nghĩa thuần lý về một tồn tại khả hữu.
Kant kiên quyết phản đối lập trường này trong suốt sự nghiệp của ông; nó khơi dậy sự phát triển của nhiều lập trường đặc trưng của ông, chẳng hạn như học thuyết về trực quan. Trong HHTĐ, ông đưa ra yêu sách đáng tuyên dương chống lại Wolff rằng “bản thân sự hiện hữu không thể là một thuộc tính” (tr. 74, 120) và ông lập luận rằng cái hiện thực và cái khả hữu là dị biệt nhau về loại (genre). Việc thêm thuộc tính “hiện hữu” như một cái bổ sung vào cho một tồn tại khả hữu không đủ để biến tồn tại ấy thành hiện thực. Ở giai đoạn này trong lập luận của mình, Kant đã phát triển một sự phân biệt tinh vi giữa sự hiện hữu được thiết định “trong” một tồn tại khả hữu với sự hiện hữu được thiết định “thông qua” tồn tại ấy (tr. 75, 121). Tuy nhiên, trong “Những Định đê của Tư duy thường nghiệm nói chung” của PPLTTT, Kant thay đổi tận gốc sự đối lập truyền thống giữa khả thể với hiện thực bằng cách phân biệt cái gì có thể có trên phương diện logic và cái gì tuân theo các mô thức của trực quan trên phương diện hiện thực.
Những định đề đặt ra những điều kiện cho sự sử dụng thường nghiệm các khái niệm tình thái về khả thể, hiện thực và tất yếu. Định đề thứ hai định nghĩa cái hiện thực như là “cái gì nối kết với các điêu kiện chất thể của kỉnh nghiệm (của cảm giác)” (PPLTTT A 218/ B 266). Tuy nhiên, hiện thực không được bảo đảm chỉ nhờ bởi cảm giác đơn thuần, không được nối kết, mà thông qua một “cảm giác vê cái mà ta có ỷ thức” hay tri giác. Tuy nhiên, tự nó, tri giác bị chi phối bởi những loại suy của kinh nghiệm, thế nên hiện thực cần phải tuân theo những quy tắc chi phối một kinh nghiệm khả hữu. Tuy vậy, như nơi Aristoteles, hiện thực không bổ sung sự hiện hữu vào cho khả thể một cách đơn giản, mà nó có thể đi trước khả thể ấy. Nó có thể hiện thực hóa một khái niệm khả hữu, nhưng nó cũng có thể được biểu lộ trong một tri giác thiếu một khái niệm. Vì vậy, khi Kant du nhập tính hiện thực như là nguyên tắc của một phạm trù riêng biệt, thì ta sẽ sớm thấy rõ rằng nó cũng làm nền tảng cho mọi hình thức phán đoán mang tính phạm trù, vì những phán đoán ấy hiện thực hóa các khái niệm bằng cách xác định chúng dựa theo những điều kiện của sự hiện hữu trong thời gian.
Có hai đặc điểm trong sự bàn luận của Kant về hiện thực rất quan trọng đối với những triết gia về sau: 1) nó không đơn thuần có nghĩa là “thực tại” hay cảm giác, mà là tri giác phù hợp với những loại suy về sự thường tồn, sự tiếp diễn và sự cùng tồn tại; 2) nó vừa là một nguyên tắc có tính phạm trù vừa là điều kiện cho sự tổng hợp có tính phạm trù. Vì thế nổi Fichte, có hai hiện thực: một hiện thực là hoạt động có tính sáng tạo căn nguyên của “cái Tôi”, trong khi hiện thực kia là kết quả của nhận thức phân biệt nó với khả thể (Fichte, 1794, tr. 206-208). Hegel vượt bỏ sự phân biệt này bằng cách mô tả hiện thực vừa như là cái tuyệt đối, vừa như là những mô men được tách biệt về mặt hình thức của nó. Trong Logic [Khoa học Logic], Hegel đưa ra một phân tích hiện tượng học về hành trình của hiện thực từ những sự khởi đầu của nó trong tồn tại như hoạt động rồi thông qua những sự phản tư của nó trong các phạm trù về bản chất và hiện tượng (hiện thực đối lập với khả thể như cái bên ngoài đối lập với cái bên trong), đến “mối quan hệ tuyệt đỗi” của cái tuyệt đối với sự phản tư của nó (Hegel, 1812, tr. 529-571; 1830, tr. 257-267).
Trong suốt thế kỷ XIX, hiện thực (Wirklichkeit/actuality) ngày càng bị lẫn lộn với “thực tại” (“reality”); khẩu hiệu của Hegel rằng “cái gì hợp lý tính thì hiện thực và cái gì hiện thực thì hợp lý tính” (1821, tr. 20) là một tai họa ban đầu. Marx khi phê phán Hegel đã quy giảm cái hợp lý tính thành cái ý thể và cái hiện thực thành cái thực tại, vì thế đã xóa đi tính cách năng động của hiện thực. Tuy vậy, hai nghĩa của Kant về hiện thực đã được Husserl khôi phục lại trong thế kỷ XX, Husserl đã phân biệt những hiện thực tiềm tàng (dormant actuality) với những hiện thực tiêu điểm (focal actuality): những hiện thực tiềm tàng được tri giác như hiện diện trong lĩnh vực trực quan, nhưng không được “lọc ra [từng cái một] ”; chúng hình thành một đặc khu để những hiện thực tiêu điểm xuất hiện (Husserl, 1913, tr. 105-107). Theo tư tưởng về sau của ông, chúng hình thành một sinh giới, có tính hiện thực nhưng không được đặt thành vấn đề (unthematized), mà từ đó ta có thể rút ra những đối tượng tiêu điểm và những mối quan hệ tiêu điểm.
Hàm ý nổi Kant và Husserl rằng hiện thực được đánh dấu bằng “sự hiện diện” - bằng việc mang lại sự hiện diện hay bằng sự hiện diện của các sự vật - đã bị Heidegger phê phán trong Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian]. Ông đối lập hiện thực như việc mang lại sự hiện diện cho khả thể với sự hiện thực hóa khả thể của cái chết. Cái trước “thủ tiêu khả thê của cái khả hữu bằng việc làm cho nó có thể dùng được đối với ta” (Heidegger, 1927, tr. 305); trong khi cái sau được hiện thực hóa thành một khả thể “càng cách xa càng tốt với cái gì hiện thực”, và khả thể ấy là “khả thể của sự hiện hữu đích thực” (sđd, tr. 307). Qua những bình luận này, Heidegger bắt đầu một sự tái-mô tả mối quan hệ giữa hiện thực với hành động vốn xuyên suốt nơi quan niệm của Aristoteles về energeia.
Hoàng Phú Phương dịch