Tồn tại [Hy Lạp: tò ón; Latinh: ens; Đức: Sein; Anh: being]
Xem thêm: Hiện thực (tính), Bản chất, Hiện hữu, Hư vô, Hữu thể (Bản thể) học, Tổng hợp,
Nghiên cứu của Kant về tồn tại thừa kế một sự phát triển triết học lâu đời và phức hợp về chủ đề này, một chủ đề mà tầm ý nghĩa của nó vẫn còn được tranh cãi căng thẳng. Với Aristoteles trong Metaphysics [Siêu hình học], câu hỏi về tồn tại - “Tồn tại là gì?” - “được khơi ra từ thời xa xưa và được khơi ra thời nay và luôn mãi, và luôn luôn là chủ đề của sự hoài nghi” (Aristoteles, 1941, 1028b, 2). Cách tân có ý nghĩa nhất của Kant là việc biến những chủ đề và những sự phân biệt truyền thống thành thuật ngữ hiện đại, diễn đạt lại vấn đề truyền thống về mối quan hệ giữa tồn tại và logos bằng sự phán đoán. Chính trên cơ sở của những sự phân biệt đã được thừa nhận lẫn sự tái diễn đạt của Kant, ông đã phát triển những sự phân biệt hệ trọng giữa tồn tại, hiện thực (tính) và hiện hữu.
Xuất phát điểm truyền thống cho câu hỏi về Tồn tại trong triết học Tây phương là những tản văn của Parmenides (thế kỷ VI tr CN). Ở đó, Tồn tại được phân biệt với Không-Tồn tại bằng sự phân biệt giữa con đường của chân lý với con đường của tư kiến. Không thể có bất kỳ sự chuyển tiếp nào từ Không-Tồn tại đến Tồn tại, không có bất kỳ sự thay đổi hay vận động nào; Tồn tại là tất cả những gì có thể được biết, và là cái Một [Nhất thể] (Barnes, 1987, tr. 129-142). Những vấn đề được Parmenides đặt ra và những sự nhấn mạnh chúng trong những nghịch lý của Zeno đã được thế hệ các triết gia Hy Lạp theo sau, trên hết là Platon và Aristoteles, xử lý. Nghịch lý là, Platon vừa làm mềm đi vừa làm mạnh thêm sự phân biệt của Parmenides giữa Tồn tại và Không-Tồn tại. Cái sau không còn là cái đối lập tuyệt đối với Tồn tại, mà tham dự vào Tồn tại theo nhiều cấp độ khác nhau; Tồn tại cùng lúc xuyên suốt các ý niệm cũng như xuyên suốt một ý niệm tự thân ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, Aristoteles trong Siêu Hình Học lại nhấn mạnh sự tham dự của những tồn tại riêng rẽ trong Tồn tại nói chung, xác lập một kho những phương cách có thể nói về Tồn tại của những cái tồn tại (xem Aristoteles, 1941, 1012a). Ông đưa ra một phân biệt cốt yếu giữa energeia với dynamis, mà sau này đã phát triển trước hết thành sự phân biệt giữa esse với essentia, rồi sau đó thành sự phân biệt giữa sự hiện hữu (existence) và hiện thực (tính) (actuality).
Trong sự tiếp nhận di sản cực kỳ đa dạng của tư tưởng Hy Lạp về Tồn tại của mình, những nhà bình giải Hồi giáo và Kitô giáo trung đại đã hệ thống hóa một số đặc điểm nổi bật hơn của di sản ấy. Nghi vấn cơ bản của sự mô tả những phương cách đa dạng mà trong đó Tồn tại có thể được nói lên bởi những cái tồn tại vẫn còn dai dẳng, như sự thức nhận về tính chất nan đề [aporetic] của mối quan hệ ấy (Booth, 1983). Và như trong Platon và Aristoteles, tồn tại tiếp tục được hiểu như một thuật ngữ “siêu nghiệm” vốn không thể được biến thành vị từ [thuộc từ] trên phương diện phạm trù. Đối với truyền thống Thomas, sự tồn tại chỉ có thể biến thành vị từ [thuộc từ] trên phương diện loại suy - tức sự tồn tại của Thượng đế và sự tồn tại của thế giới đều chỉ là cùng một thứ như nhau trên phương diện loại suy. Đối với truyền thống Scott, sự tồn tại có thể được biến thành vị từ theo một nghĩa duy nhất, khi nó được áp dụng cho thế giới lẫn cho Thượng đế. Các nhà Kinh viện nhất trí phân biệt giữa Tồn tại như sự Hiện hữu, Tồn tại như Hiện thực, với Tồn tại như là Tồn tại: Tồn tại như sự Hiện hữu, hoặc esse biểu đạt sự hiện hữu của một bản chất, như trong “sự tôn tại” của con người; Tồn tại như essentia biểu đạt hiện thực cá biệt ở đây và lúc này của, chẳng hạn, người phụ nữ này hay người đàn ông này; trong khi Tồn tại như là Tồn tại, tức Tồn tại mà bản chất của nó là sự hiện hữu và hiện thực, được cho là chỉ có Thượng đế mới có thể có.
Những thuật ngữ và những sự phân biệt trong các bàn luận Kinh viện về Tồn tại tiếp tục xuyên suốt sự mở đầu tính hiện đại triết học của Descartes (xem Gilson, 1949). Mặc dù đối với Descartes và Teibniz (chứ không phải Spinoza), tiêu điểm cho câu hỏi về tồn tại của Thượng đế, của thế giới và của linh hồn đã chuyển từ Thượng đế đến linh hồn và sự xác tín của nó về sự hiện hữu riêng của nó, cấu trúc cơ bản của vấn đề vẫn còn dai dẳng. Đối với những nhà hiện đại, Tồn tại vẫn có tính vượt khỏi phạm trù, và không phải là cái gì đó có thể đơn giản bị biến thành vị từ trong một phán đoán giống như bất kỳ vị từ khác. Với họ, esse lúc này biểu đạt (tính) khả thể, hoặc cái gì không có sự mâu thuẫn, trong khi essentia là những hiện tượng nào được tri giác là đang tồn tại, trong khi tồn tại như là tồn tại, bây giờ được cho là quy chiếu đến tồn tại tự thân có đặc quyền, hoặc điều này được mô tả bằng Thượng đế hoặc causa sui [nguyên nhân tự thân], chủ thể, hoặc tồn tại-tự-thân của khoa học mới, hậu-Descartes về hữu thể học.
Bàn luận của Kant về Tồn tại đi theo tiền lệ trong việc tuyên bố rằng Tồn tại có thể được nói lên bằng nhiều cách, nhưng đối với ông, cái gì chung cho tất cả những phương cách ấy đều là khái niệm về sự tổng hợp. Trong HHTĐ, ông định nghĩa khái niệm về Tồn tại (Sein) dựa theo một “sự thiết định hay thiết lập” (tr. 73, tr. 119) vốn nằm dưới những mối quan hệ của phán đoán logic, mô tả nó như “việc thiết định mối quan hệ này không gì khác hơn là hệ từ trong một phán đoán” (tr. 73, tr. 119). Ở đây, sự Tồn tại biểu thị một sự tổng hợp thuần túy logic, một sự tổng hợp thao tác ở cấp độ bản chất (esse), một sự tổng hợp phù hợp với luật mâu thuẫn.
Tuy nhiên, khi cả cái quan hệ và cái được quan hệ được thiết định, thì tồn tại trở thành hiện hữu, và được nói lên như essentia; tức là, bằng cả những mối quan hệ hiện thực và logic.
Trong PPLTTT, Kant hầu như lặp lại sự phân biệt trước đây này, nhưng tiếp tục sử dụng nó để phản bác sự chứng minh bản thể học về sự hiện hữu của Thượng đế. Tồn tại không phải là một vị từ, nó không thêm vào gì cho chủ từ của một phán đoán, nhưng diễn tả “khả thể mà nhờ đó tôi suy tưởng được về đối tượng của nó” (PPLTTT A 599/ B 627). Phát biểu rằng “có [tồn tại] một Thượng đê” có thể không có mâu thuẫn gì. Nó là một phưong cách nói về tồn tại ở cấp độ bản chất [esse], nhưng nó không nói gì về sự hiện hữu của đối tượng của nó. Nếu chúng ta muốn nói về tồn tại dựa theo sự hiện hữu, thì chúng ta phải lưu ý đến những điều kiện cho nhận thức tổng hợp, vì “ý thức của chúng ta về mọi sự tồn tại (dù trực tiếp thông qua tri giác, hay gián tiếp thông qua các suy luận có nối kết với một cái gì với tri giác) đều hoàn toàn chỉ thuộc về sự thống nhất của kinh nghiệm” (PPLTTT A 601/ B 629). Viễn tượng phê phán này đã cho phép Kant xác định một cách kỹ lưỡng những cách thức trong đó tồn tại có thể nói lên bằng sự quy chiếu đến hiện thực, hoặc nguyên tắc tưong ứng với phạm trù tình thái thứ hai là Tồn tại/ Không-Tồn tại.
Với những bình luận ấy, có vẻ như thể Kant đang định tính chất một cách nghiêm ngặt cho tầm ý nghĩa truyền thống về Tồn tại. Điều này có vẻ chắc chắn là đúng với Hegel, người đã nỗ lực khôi phục câu hỏi về Tồn tại bằng cách mang lại cho nó một sự khảo sát mới trong Khoa học Logic (1812). Cũng có vẻ như đúng với Nietzsche, người đã xem mình như đã triệt để hóa thức nhận của Kant vào tính chất ảo tưởng của tồn tại bằng việc mô tả nó như một “sự hư ảo đơn thuần”. Theo một trào lưu lý giải cực kỳ ảnh hưởng, Kant đánh dấu bước chuyển trong lịch sử triết học từ bản thể học sang tri thức luận. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, các cách đọc Kant của Heidegger (1929) và Heimsoeth (1956) trên phưong diện bản thể học đã nghiêm túc xem xét yêu sách của Kant muốn thay thế bản thể học bằng một “phân tích pháp vê giác tính”. Heidegger đặc biệt đã chỉ ra tầm ý nghĩa bản thể học của sự tổng hợp nổi Kant, và vai trò cốt yếu mà sự tưởng tượng đã đóng trong sự tổng hợp ấy (1929). Những cách đọc ấy đã tỏ ra cực kỳ có ảnh hưởng trong việc khôi phục lại những cấu trúc của bản thể học truyền thống vốn tiếp tục xuyên suốt trong triết học phê phán.
Hoàng Phú Phương dịch