Bản chất [Hy Lạp: ousia; Latinh: essentia; Đức: Wesen; Anh: essence]
Xem thêm: Tùy thể, Định nghĩa (sự), Hiện hữu (sự), Mô thức, Chất liệu, Tự nhiên, Bản thể, Tổng hợp (sự),
Theo nghĩa cổ điển, bản chất là cái cấu thành bản tính riêng của sự vật và là cái được mang lại trong định nghĩa về nó. Quan niệm về “bản chất” được Aristoteles phát triển trong Siêu hình học (Metaphysics) như là bộ phận của câu trả lời cho câu hỏi “một sự vật là cái gì?” Khi định nghĩa về một sự vật, bản chất được phân biệt với các tùy thể và bản thể: các tùy thể luôn luôn được đặt làm thuộc từ cho một chủ từ và chỉ đóng vai trò là xác định tính chất cho một bản chất (Aristoteles, 1941, 1007b, 1-15), trong khi bản thể lại biểu thị sự vật là cái đó chứ không biểu thị sự vật là gì. Do đó, bản chất xác định “giống của một loài” hay đặc tính riêng có của nó (1030a). Aquinas làm rõ những điểm này khi ông bàn về bản chất như là một chức năng của sự kết hợp giữa chất thể và mô thức. Định nghĩa về bản chất không phải là định nghĩa theo mô thức, không tách khỏi chất thể, cũng không phải là định nghĩa theo chất thể và không được rút ra từ “việc cá biệt hóa chất thể”. Khi lấy ví dụ về bản chất của “con người”, Aquinas nói rằng bản chất này không phải “mô thức” của con người, cũng không phải “thịt, xương và các tùy thể nói lên chất thể này” mà đúng hơn là “thành tố có tính mô thức trong quan hệ với chất thể được cá biệt hóa” (Aquinas, 1952, 1, 3, 3, chữ in nghiêng là nhấn mạnh của soạn giả, không phải của Aquinas).
Một trong những tác động của định nghĩa của Aristoteles về bản chất là sự xuất hiện của một mối quan hệ nước đôi giữa bản chất và sự hiện hữu. Với tư cách là một chức năng của quan hệ giữa mô thức và chất thể, bản chất không hoàn toàn có tính hình thức, tách biệt với sự hiện hữu, cũng không thuần túy có tính chất thể, được đồng nhất với sự hiện hữu. Với Descartes, và theo sau ông là Spinoza, tính nước đôi này được biến thành một sự đối lập giữa cái có thể được quan niệm với cái đang hiện hữu. Vì thế, trong “Suy niệm thứ năm”, Descartes gán bản chất cho những đối tượng khả hữu, cho dù những đối tượng này có thể không hiện hữu, đây là một điểm mà ông đã nhấn mạnh trong Các đối thoại với Burman, trong đó ông tuyên bố rằng đối tượng của vật lý học là “cái gì đang thực sự hiện hữu về mặt vật lý”, trong khi đối tượng của toán học “xét đối tượng của nó chỉ đon thuần là khả hữu” (Descartes, 1976, tr.23). Việc biến bản chất thành khả thể đã được Wolff và trường phái của ông hệ thống hóa; đối với họ, bản chất được định nghĩa là khả thể đon giản (chẳng hạn - “Bản chất của một sự vật là khả thể của nó”, Meissner, 1737, mục từ Wesen). Chính từ truyền thống này, Kant đã xây dựng quan niệm của mình về bản chất.
Trong SHHT, Kant định nghĩa bản chất theo kiểu Wolff là “nguyên tắc bên trong và hàng đầu của tất cả những gì thuộc về khả thể của một sự vật”, và phân biệt nó với bản tính (nature) hay “nguyên tắc bên trong và hàng đầu của tất cả những gì thuộc về sự hiện hữu của một sự vật” (tr. 467, tr. 3). Sự phân biệt này được thấm nhuần bởi yêu sách của Kant trong cuốn L rằng ta không thể nào định nghĩa “bản chất thực tôn hay bản chất tự nhiên của các sự vật” (tr. 566-567) và rằng giác tính của ta bị hạn chế vào “bản chất logic” mà thôi. Lập luận của ông được làm sáng tỏ trong lá thư đề ngày 12 tháng 5 năm 1789 gửi cho K. L. Reinhold, trong đó Kant phê phán Baumgarten và những người theo thuyết Wolff vì đã mang lại cái vị thế siêu hình học cho “sự bàn luận về bản chất, các thuộc tính, v.v...” (TT, tr. 139). Trái lại, Kant một mực cho rằng khả thể chỉ duy nhất có ý nghĩa logic. Bản chất logic hay “những thành tố” thứ nhất [primary constitutiva] của một khái niệm có thể được xác định bằng “sự phân tích các khái niệm của tôi thành tất cả những gì tôi nghĩ về chúng”, trong khi đó, “bản chất thực tồn (bản tính tự nhiên) của bất kỳ đối tượng nào, tức là Cổ sở Sổ đẳng bên trong của tất cả những gì vốn tất yếu thuộc về một sự vật được mang lại, thì con người không thể nào khám phá ra được” (TT, tr. 140). Khái niệm về chất thể sở hữu bản tính logic là quảng tính và tính bất khả thâm nhập vốn “là tất cả những gì được hàm chứa một cách tất yếu và sơ khởi trong khái niệm của tôi và của mọi người về chất thể”, trong khi bản chất thực sự của chất thể, tức “cơ nền sơ đẳng, bên trong, [tự] đầy đủ của mọi vật và nhất thiết thuộc vê chất thể, điều này vượt khỏi năng lực của các quan năng con người” (sđd). Lý do là vì có một “cơ sở cho sự tổng hợp” về bản chất “ít nhất cho con người chúng ta, đã mang chúng ta đến một chỗ để dừng lại”. Vì thế, đó chính thị là địa vị cổ điển của bản chất với tư cách là một chức năng của sự nối kết giữa mô thức và chất thể (theo cách nói của Kant là “sự tổng hợp”). Nó giới hạn nhận thức của ta về bản chất logic vào sự cấu tạo có tính tổng hợp của các hiện tượng mà thôi và nói lên rằng ta không đủ sức để có bất kỳ nhận thức nào về bản chất thực sự, thực tồn.
Trần Kỳ Đồng dịch
Bản thể [Đức: Substanz; Anh: substance] -> Tùy thể, Chủ thể Bản thể học/Hữu thể học [Đức: Ontologie; Anh: ontology]
Là một từ mới được tạo ra trong thế kỷ XVII, bản thể học nguyên được sử dụng để biểu thị “siêu hình học tổng quát” đi trước các “siêu hình học chuyên biệt” gồm vũ trụ học, tâm lý học và thần học. Theo cách nói của Wolff (1719), bản thể học liên quan đến “những Nguyên lý Đệ nhất của nhận thức và của các Sự vật Nói chung” và chuẩn bị nền tảng cho việc nhận thức về những sự vật đặc thù như thế giới, linh hồn và Thượng đế. Đối với Baumgarten, trong cuốn Metaphysica [Siêu hình học] chịu ảnh hưởng từ Wolff, bản thể học là “khoa học về các thuộc tính của sự vật nói chung” (§4). Trong suốt cuộc đời giảng dạy của mình, Kant đã giảng về Siêu hình học dựa theo các văn bản của Baumgarten, nhưng, vì các mục đích sư phạm, ông đã không đi theo thứ tự trình bày của Baumgarten bằng việc bắt đầu với môn bản thể học (hầu như chiếm phần lớn nhất trong siêu hình học của Baumgarten). Như ông giải thích trong “Thông báo vê việc tổ chức các bài giảng” vào năm 1765-1766, các bài giảng của ông về Siêu hình học bắt đầu với tâm lý học thường nghiệm, tiếp theo là vũ trụ học, và chỉ sau đó mới đến bản thể học, tâm lý học thuần lý và thần học (tr. 309, tr. 295).
Sự quan tâm về bản thể học trong các bài giảng về Siêu hình học đảm bảo rằng chúng được xếp hạng cao trong nghị trình phê phán của Kant. Thực tế, kiến trúc của cuốn PPLTTT đã báo hiệu sự phê phán đối với kiến trúc siêu hình học của trường phái Wolff, với ba đề mục của siêu hình học chuyên biệt được xét trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, còn bản thể học thì ở trong “Phân tích pháp siêu nghiệm”. Kant rõ ràng đã lấy “Phân tích pháp đơn thuần về giác tính” thay chỗ cho “môn học với tên gọi rất tự hào là môn bản thể học, tự cho là chuyên mang lại những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm về những sự vật nói chung” (PPLTTT A 247/B 303). Qua điều này, ông muốn nói rằng các nguyên tắc của phân tích pháp siêu nghiệm “chỉ là những quy tắc cho sự trình bày về các hiện tượng”, không liên quan gì đến các sự vật nói chung, trái lại, chỉ liên quan đến các đối tượng của kinh nghiệm mà thôi. Trong các văn bản sau này, Kant đơn giản xem phân tích pháp siêu nghiệm là bản thể học; vì thế, trong TBSHH, bản thể học được mô tả như “khoa học cấu thành một hệ thống của mọi khái niệm và nguyên tắc của giác tính, nhưng chỉ trong chừng mực chúng trình bày các đối tượng được mang lại bằng các giác quan và vì thế có thể được biện minh bởi kinh nghiệm” (TBSHH, tr. 260, tr. 53) hay, chứa đựng “các yếu tố của nhận thức tiên nghiệm của con người, gồm các khái niệm lẫn các nguyên tắc nền tảng” (tr. 315, tr. 161).
Bối cảnh bản thể học cho “Phân tích pháp siêu nghiệm” của cuốn PPTTTT đã được các học giả Đức như Heimsoeth (1956) và Heidegger (1929) tái phát hiện trong thế kỷ XX. Tác phẩm của họ đã tái phát hiện những phương diện trong tư tưởng của Kant vốn đã bị lãng quên trước những sự lý giải mang nặng màu sắc nhận thức luận của những nhà Kant-mới cuối thế kỷ XIX. Một ví dụ là những phương cách đa dạng mà Kant đã dùng để nói về “sự vật” hay đối tượng. Những phân biệt của Kant giữa Ding [sự vật], Objekt [Đối tượng/Khách thể] và Gegenstand [Đối tượng của tư tưởng] đã bị đánh mất trong những cách đọc theo nhận thức luận của các nhà Kant-mới, và hầu như không thể nhận ra được nữa trong bản dịch [sang tiếng Anh] kiểu Kant-mới như của Kemp Smith, trong khi tầm quan trọng riêng của chúng hẳn đã có thể được nhận ra trong những cách đọc nhạy cảm với bối cảnh bản thể học của triết học phê phán. Những cách đọc Kant theo bản thể học đã thúc đẩy việc đánh giá cao vị trí của Kant trong lịch sử triết học, cũng như đã đào sâu sự hiểu biết của ta về mối quan hệ giữa những phần khác nhau trong triết học của ông.
Trần Kỳ Đồng dịch