Hiện hữu (sự) [Đức: Dasein, Existenz; Anh: existence]
Xem thêm: Hiện thực, Hữu thể/Tồn tại, Phạm trù (các), Thượng đế, Tất yếu (sự), Bản thể học, Khả thể, Định đề của Tư duy Thường nghiệm (các), Linh hồn, Mê tín (sự), Thần học, Thế giới,
Kant đi theo Aristoteles trong việc phân biệt giữa tồn tại (Sein/being), hiện thực (Wirklichkeit/actuality) và sự hiện hữu (Existenz/existence), xem mỗi thuật ngữ như một cách riêng biệt để nói về tồn tại. Sự khó khăn trong việc xác định những khác biệt về loài và khác biệt riêng biệt giữa những thuật ngữ này nảy sinh từ vị trí của chúng ở bên trong và vượt ra khỏi trật tự của phán đoán theo phạm trù. Không những không có thuật ngữ nào trong những thuật ngữ này có thể được sử dụng sai lạc như một thuộc tính, mà việc mô tả những mối quan hệ giữa chúng dựa theo các chức năng phạm trù như Lượng, Chất, Tương quan hay Tình thái là cũng hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hơn nữa, mặc dù mỗi thuật ngữ này đều vượt khỏi-phạm trù - tức biểu thị “mối liên hệ” nhờ đó ta có thể đưa ra các phán đoán theo phạm trù - ấy thế, chúng lại tạo nên cơ sở của phán đoán theo phạm trù và do đó có tính cốt yếu đối với phán đoán phạm trù.
Kant mô tả toàn bộ “Phân tích pháp các khái niệm” của cuốn PPLTTT như chứa đựng nền tảng của bản thể học hay học thuyết về tồn tại. Hai chương chính của phân tích pháp này do đó tương ứng với tồn tại được suy tưởng trước hết như sự hiện hữu (trong trật tự của các phạm trù), rồi sau đó như hiện thực (trong các nguyên tắc). Với sự phân biệt này Kant mặc nhiên đi theo sự phân biệt giữa dynamis và energeia của Aristoteles: dynamis biểu thị tính tiềm năng, còn energeia biểu thị tính hiện thực. Mặc dù, cái trước được hiện thực hóa nhờ cái sau, nhưng điều này không hàm ý rằng cái trước có một tính ưu tiên trên phương diện bản thể học hoặc thậm chí trên phương diện nhận thức luận; chúng không thể tách rời được. Do đó, các phạm trù cấu trúc nên những mối quan hệ tiềm năng với các đối tượng vốn được hiện thực hóa nhờ các nguyên tắc, mà không nhất thiết có tính ưu tiên của cái này trên cái kia.
Trật tự phạm trù không những quy định những đường viền [giới hạn] của một kinh nghiệm có thể có, mà còn quy định đối tượng của một kinh nghiệm như thế. Sự quy định này được mô tả như “sự hiện hữu”, [và] hiện hữu không phải là một thuộc tính có thể được áp dụng vào một hành vi phán đoán riêng biệt, mà là sự thiết định của giác tính như một toàn bộ đối với một đối tượng có thể có của kinh nghiệm. Nói rõ hơn, đối tượng này phải hiện hữu đối với giác tính. Thực vậy, “sự hiện hữu” biểu thị cách thức một đối tượng của kinh nghiệm khả hữu trở nên hiện hữu thông qua cấu trúc phạm trù của giác tính; “sự hiện hữu” được phân biệt với hiện thực, vì hiện thực là sự trở nên tồn tại trong không gian và thời gian của đối tượng của kinh nghiệm. Mối quan hệ chung giữa sự hiện hữu và hiện thực như là “những phương cách” tồn tại (mặc dù, nói một cách chặt chẽ, việc viện đến các phạm trù về tình thái như thế là không chính đáng khi nói trên phương diện vượt khỏi-phạm trù) được nhấn mạnh bởi sự biến đổi phạm trù tình thái thứ hai là hiện hữu/không hiện hữu thành định đề thứ hai của tư duy thường nghiệm.
Sự giới hạn thuật ngữ “sự hiện hữu” vào cấp độ phạm trù về tồn tại cũng thích hợp với việc sử dụng nó để mô tả về tồn tại của những đối tượng như Thượng đế, Thế giới và Tinh hồn. Kant khẳng định rằng tồn tại của những đối tượng như thế không thể được nói ra dựa vào “sự hiện hữu”, và tất nhiên càng không phải dựa vào hiện thực. Trong trường hợp của mỗi đối tượng này, điều kiện, mà thông qua đó chúng có thể (hay không thể) được suy tưởng, bị hữu thể hóa, dẫn đến những sự nhầm lẫn trong việc áp dụng sự hiện hữu như thể nó là một thuộc tính. Sự tồn tại của Thượng đế không thể được nói ra dựa vào sự hiện hữu, vì “bất kì mệnh đề về tôn tại [hay về “hiện hữu”] nào cũng đêu là mệnh đề tổng hợp” (PPTTTT A 598/B 626) hay tiền giả định mối quan hệ qua đó ta có thể đưa ra những phán đoán về các đối tượng của kinh nghiệm có thể có. về định nghĩa, Thượng đế không phải là một đối tượng như thế, tuy nhiên, hầu hết lý tính con người có thể “tự thuyết phục mình” (PPTTTT A 586/B 614) theo hướng ngược lại. Đối với thế giới thì cũng vậy: chúng ta có thể tự thuyết phục mình về sự hiện hữu của thế giới [xét như toàn bộ] một cách giáo điều, và do đó quên rằng mọi sự hiện hữu mà chúng ta biết đều là cách thức “thực tại khách quan” “có thể được mang lại cho ta” (PPTTTT A217/B 264). Sau cùng, linh hồn - hay “cái đối ứng của mọi sự hiện hữu” - không thể tự cho rằng mình hiện hữu, trừ phi linh hồn có thể suy tưởng về chính mình thông qua chính mình, điều rõ ràng là không thể chấp nhận được đối với Kant vì “tôi không thể nhận thức như là một đối tượng cái mà tôi phải thiết định tiên quyết như là điều kiện để, nói chung, nhận thức được bất kỳ một đối tượng nào” (PPTTTT A 402).
Những sự phân biệt tinh tế của Kant giữa tồn tại, sự hiện hữu và hiện thực phần lớn bị xói mòn trong sự tiếp thu triết học của Kant. Trong khi sự phê phán của ông về việc hữu thể hóa sự hiện hữu thành một thuộc tính và tìm cách áp dụng nó vào mọi tồn tại đã được nồng nhiệt tiếp thu, thì sự phân biệt hẹp của ông giữa sự hiện hữu và hiện thực hầu như đã bị bỏ qua. Sự xác đáng của sự phân biệt này đã được Heidegger khám phá lại trong cuốn Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian] (1927), tại đây Heidegger còn phân biệt giữa Dasein (Hiện hữu của con người) và Existenz (Hiện hữu nói chung của sự vật), những thuật ngữ mà Kant luôn dùng đồng nghĩa như nhau.
Mai Thị Thùy Chang dịch