Tất yếu (tính, sự) [Đức: Notwendigkeit; Anh: necessity]
Xem thêm: Tất nhiên, Phạm trù (các), Nhân quả (tính), Diễn dịch (sự), Định đề của tư duy thường nghiệm (những), Bảng các phạm trù, Giá trị hiệu lực,
Tất yếu là phạm trù thứ ba về tình thái, được rút ra từ phán đoán tình thái thứ ba, hay phán đoán tất nhiên, vốn tương ứng với định đề thứ ba của tư duy thường nghiệm. Kant gán cho các phán đoán tình thái “một chức năng hoàn toàn đặc thù” nhằm xác định “giá trị của hệ từ” trong một mệnh đề trong mối quan hệ với “tư duy nói chung” (PPLTTT A 74/B 100). Một mệnh đề như: “A là nguyên nhân của B” có thể được hiểu một cách nghi vấn (problematically) là “A có thể là nguyên nhân của B”, hoặc một cách xác định (assertorically) là “A là nguyên nhân của B”, hoặc một cách tất nhiên (apodeictically) là “A phải là nguyên nhân của B”. “Chức năng đặc thù” của các phán đoán tình thái có những hàm ý đáng kể đối với các phạm trù được rút ra từ chúng, nhất là đối với phạm trù về sự tất yếu. Trong bảng các phạm trù, các nhóm tình thái không xác định một đối tượng - điều này chỉ có thể có được ở các nhóm lượng, chất và tương quan - nhưng chúng lại xác định phương cách mà các đối tượng được xác định về mặt phạm trù, về khả thể, về hiện thực, hoặc là về tất yếu. Phạm trù tất yếu do đó có ý nghĩa đặc biệt, bởi lẽ cùng với tính phổ quát, nó xác định tính chất của nhận thức tiên nghiệm.
Phạm trù tất yếu đặc biệt có vấn đề trong quan hệ với phạm trù thứ hai về tương quan, tức là sự tương quan giữa nguyên nhân và kết quả.
Trong SL, Kant có nói đến sự thách thức được Hume đặt ra khi chứng tỏ “một cách không thể bác bỏ” rằng lý tính không thể chứng minh sự nối kết tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả (Lời tựa). Kant đáp trả sự thách thức này bằng cách chứng minh rằng phạm trù nguyên nhân và kết quả không được rút ra từ kinh nghiệm, mà nó là một điều kiện tiên nghiệm của kinh nghiệm. Điều này đã được chỉ ra bằng hai “tiêu chuẩn” của nhận thức tiên nghiệm, tức là “tính tất yếu và tính phổ biến chặt chẽ” (PPLTTT B 4); theo đó, phạm trù nguyên nhân và kết quả phải được cho thấy là có giá trị hiệu lực một cách tất yếu và phổ biến để kinh nghiệm được coi là khả hữu. Các tiêu chuẩn này được mở rộng sang các phạm trù khác và cũng như sang bất cứ một phán đoán thuần túy tiên nghiệm nào, kể cả phán đoán luân lý và phán đoán thẩm mỹ. Thế nhưng với tư cách là một phạm trù, bản thân sự tất yếu phải được cho thấy là có tính tất yếu, và ta có thể đạt được điều này, Kant nói, bằng cách chứng minh rằng “mọi cái tất yếu bao giờ cũng có một điều kiện siêu nghiệm làm cơ sở” (PPLTTT A 106). Điều kiện này chính là “thông giác siêu nghiệm” hay “ý thức nguyên thủy thuần túy và bất biến” có tính thống nhất bảo đảm cho sự tổ chức kinh nghiệm bằng các phạm trù.
Các vấn đề về mối quan hệ giữa tính tất yếu và tính nhân quả đã biểu hiện rõ trong nghịch lý thứ ba của PPLTTT, tức nghịch lý đối lập tính nhân quả của tự nhiên với tính nhân quả của sự tự do. Sự tất yếu của tính nhân quả tự nhiên dường như ngầm ý một sự phủ nhận sự tự do, hay tính nhân quả của tự do, một sự phủ nhận sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với triết học thực hành của Kant. Vì thế, ông giải quyết nghịch lý (Antinomie) này bằng cách phân biệt giữa sự tất yếu của tính nhân quả tự nhiên và sự tất yếu của tính nhân quả tự do. Tính nhân quả của tự do có cái tất yếu riêng của nó, thể hiện hiển nhiên khi so sánh các mệnh lệnh thực hành với nhau. Các mệnh lệnh giả thiết, vốn được đưa ra trong những quy tắc của tài khéo và những lời khuyên của sự khôn ngoan, đều có một sự tất yếu liên quan đến phương tiện cần thiết để đạt được những mục đích nào đó. Ngược lại, mệnh lệnh nhất quyết lại có sự tất yếu tuyệt đối xuất phát từ tính cách vô điều kiện của quy luật luân lý.
Đinh Hồng Phúc dịch