Giá trị [hiệu lực] (tính) [Đức: Geltung/Gültigkeit; Anh: validity]
Xem thêm: Lương thức/Cảm quan chung, Phán đoán, Tất yếu (tính), Nguyên tắc (các),
Trong PPLTTT, SL, và PPNLPĐ, Kant phân biệt giữa những phương cách khác nhau mà các phán đoán có thể cho là có giá trị hiệu lực. Những phán đoán có giá trị hiệu lực về mặt chủ quan hay “những phán đoán của tri giác” “không cần đến khái niệm thuần túy của giác tính, mà chỉ đòi hỏi sự nối kết logic của tri giác trong một chủ thể tư duy” (SL §18). Những phán đoán có giá trị hiệu lực về mặt khách quan, trái lại, đòi hỏi “bên cạnh biểu tượng của trực quan cảm tính, những khái niệm chuyên biệt được sản sinh một cách nguyên thủy trong giác tính”-, chúng là hiển nhiên bởi sự kiện là chúng có giá trị tất yếu và phổ quát, tức là, “nếu chúng được cho là tốt với ta và trong cùng một cách như vậy với những người khác” (sđd). Trong SL, Kant cho rằng giá trị hiệu lực được chia sẻ này đi từ “sự thống nhất của đối tượng mà tất cả chúng đều quy chiếu đến và chúng phù hợp với sự thống nhất ấy của đối tượng”, bởi vì mặt khác “không có lý do gì để những phán đoán của những người khác tất yếu phù hợp với những phán đoán của tôi” (§18). Sau này, trong PPNLPĐ, ông không đồng tình với lập trường của chính mình, và thừa nhận một sensus communis, hay cảm quan chung có thể dẫn đến những phán đoán có giá trị hiệu lực tất yếu và được dùng chung một cách phổ quát không có một “tính đồng nhất của đối tượng”. Thật vậy, ông gán “giá trị điển hình” cho các phán đoán thẩm mỹ về sở thích trên cơ sở của cảm quan chung như là một “quy phạm lý tưởng”, hay một ý niệm “phổ quát về mặt chủ quan” nhưng “tất yếu cho mọi người” (PPNLPĐ §22). Tuy nhiên, ý niệm về một sensus communis (cảm quan chung) không thể được sử dụng trên một cơ sở cấu tạo mà chỉ trên một cơ sở điều hành; thế nhưng điều này không nhất thiết gây tổn hại đến tính giá trị hiệu lực của nó. Điều này là hiển nhiên trong PPTTTT. Trong sách này, Kant xếp các phán đoán được ngự trị bởi cả nguyên tắc cấu tạo lẫn nguyên tắc điều hành vào loại các phán đoán có hiệu lực về mặt khách quan. Tính giá trị hiệu lực khách quan không chỉ căn cứ theo các phán đoán này, vốn là những phán đoán có được “tính giá trị nội tại” từ việc tuân theo các điều kiện hình thức của một kinh nghiệm khả hữu (PPTTTT A638/ B666), mà còn căn cứ theo những ý niệm điều hành bất cân xứng của lý tính là những cái “có giá trị khách quan tuy rằng bất định” (A 663/ B 691).
Mai Thị Thùy Chang dịch