Lương thức (Lương năng)/ Cảm quan chung [Latinh: sensus communis; Đức: Gemeinsinn; Anh: common sense]
Xem thêm: Thông giao, Tình cảm, Tâm thức, Công khai (tính), Phản tư, Phán đoán phản tư, Giác quan, Sở thích,
Sensus communis nơi Kant có hai nghĩa phân biệt vốn bị lược đi khi phiên dịch thuật ngữ này sang tiếng Anh [hoặc các tiếng khác]. Nghĩa đầu tiên xuất hiện trong Lời tựa của SL chỉ “lý trí con người thông thường” (gemeiner Menschenverstand) và chỉ việc kêu gọi trở về với nó nơi các triết gia được mệnh danh là các triết gia “lương thức” (“common sense philosophers”) như T. Reid (1710-1796) và J. Priestly (1783-1804). Đối với Kant, cách thức mà các tác giả ấy “đã bỏ quên điểm quan trọng về vấn đề [của Hume] là thật đau đớn” (tr. 258, tr. 4): “phải kêu gọi đến lương thức khi sự thức nhận và khoa học thất bại, chứ không phải sớm hơn - đây là một trong những khám phá tinh vi của thời hiện đại, qua đó, kẻ diễn giả huênh hoang rỗng tuếch nhất có thể an toàn bước vào hàng ngũ những nhà tư tưởng thâm thúy nhất và có lập trường của mình [để đối chọi với người]” (tr. 259, tr. 5). Trong ngữ cảnh này, lương thức “không gì khác hơn là một sự kêu gọi đến tư kiến của số đông” mà trong đó “kẻ bất tài được lòng người lấy làm hãnh diện” (tr. 259, tr. 5).
Tuy nhiên, trong PPNLPĐ, Kant phát triển một nghiên cứu tích cực về sensus communis [cảm quan chung] giữ vị trí trung tâm trong bàn luận của ông về năng lực phán đoán phản tư. Nó xuất hiện trong mục §40 của PPNLPĐ với tiêu đề “Sở thích như một loại sensus communis”, ở đó nó được phân biệt với cảm quan “dung tục” của gemeinen Menschenverstand. Sensus communis là một “cảm quan công cộng [tập thể]”, một “quan năng thẩm định, luôn lưu tâm (một cách tiên nghiệm) đến phương cách hình dung của người khác trong hành vi thẩm định của mình nhằm giữ cho phán đoán của mình hầu như được tương đồng với lý trí chung của toàn bộ loài người” (PPNLPĐ, §40). Với quan niệm này về cảm quan chung, Kant đã hồi sinh cách hiểu nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng về sensus communis như một hình thức đức hạnh của nền cộng hòa, và ông thậm chí còn đi xa hơn nữa trong đường hướng này khi ông đặt hình thức phản tư này của phán đoán ngang hàng với sở thích. Vì thế Kant kết luận rằng: “Nên dùng tên gọi “một cảm quan chung” dành cho năng lực phán đoán thẩm mỹ hơn là dành tên gọi này cho năng lực phán đoán trí tuệ [logic], nếu ta muốn sử dụng chữ “cảm quan” để nói về một tác động mà sự phản tư đơn thuần tạo ra cho tâm thức, vì ở đây, ta hiểu “cảm quan” là tình cảm về sự vui sướng” (§40). Định nghĩa này về một “cảm quan chung” “được khai minh”, “có tính phê phán”, cũng như có tính công cộng được đặt ra để chống lại tiên kiến (prejudice) của lương thức “dung tục” của những nhà triết học Anh.
Bằng cách mô tả hành vi phản tư như một “cảm quan”, Kant cũng phục hồi lại những ẩn ý nguyên thủy của sensus communis nơi Aristoteles. Đối với Aristoteles, nó không phải là một “giác quan đặc biệt” hay một quan năng, mà đúng hơn nó là một “sự nhạy cảm chung” thấm nhuần cả năm giác quan riêng biệt. Sự nhạy cảm này không “thuộc vê xác thịt” (Aristoteles, 1941, 426b, 15), cũng không có tính trí tuệ, mà là một “ý thức về” và một “sự nhạy cảm với” những sự khác biệt (xem Welsch, 1987). Với Kant cũng vậy, sensus communis là có tính phản tư mà không phải là một trực quan hay một khái niệm - ông mô tả nó như “xúc cảm nội tâm của một trạng thái hợp mục đích của tâm thức” xuất hiện “chỉ nơi nào trí tưởng tượng, trong sự tự do của mình, đánh thức giác tính, và giác tính, tách rời khỏi khái niệm, đặt trí tưởng tượng vào trong một “trò chơi” hợp quy tắc”. Nó chỉ ra một phương cách có thể mang lại sự vui sướng của sự thông giao mà không bị ngự trị bởi khái niệm hay quy luật, một phương cách mà phán đoán thẩm mỹ về sở thích là hình mẫu.
Tầm quan trọng của “cảm quan chung” đối với những ý niệm của Kant về “sự phê phán”, “sự khai minh” và “phán đoán”, cũng như những hàm ý rộng hơn của nó đối với triết học lý thuyết, triết học thực hành và triết học mỹ học đã không được đánh giá đầy đủ cho đến tận thế kỷ XX. Ngày nay, nó không chỉ trở nên cốt yếu cho sự lý giải Kant mà còn cốt yếu trong những lĩnh vực triết học chính trị và mỹ học. Ý niệm của Kant về sensus communis là trung tâm đối với những nỗ lực của Hannah Arendt trong việc phát triển một nghiên cứu về phán đoán chính trị hậu-toàn trị (post-totalitarian) (xem Arendt, 1989), cũng như đối với sự nghiên cứu bổ sung của Lyotard về những mô hình mới của phán đoán phản tư thích hợp với kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm chính trị và kinh nghiệm khoa học của tính hậu-hiện đại (xem Lyotard, 1983, 1988, 1991).
Hoàng Phú Phương dịch