Bản chất/Yếu tính [Đức: Wesen; Anh: essence]
Động từ tiếng Đức thời Trung đại hậu kỳ wesen (là, tồn tại) đến thời Hegel đã lỗi thời, dù vậy nó vẫn được dùng làm thì quá khứ cho động từ sein (tồn tại), nhất là quá khứ phân từ gewesen và được dùng như danh từ das Wesen. Những nghĩa quan trọng nhất của Wesen là: 1) tồn tại, tạo vật hay thực thể, đặc biệt là một sinh thể (chẳng hạn “Thượng Đế là một Wesen (hữu thể) tối cao”, “Con người là một Wesen (tồn tại) hữu hạn”; 2) Bản chất, bản tính hay tính chất của một thực thể cá biệt, tức việc nó tồn tại thế này hay thế kia (Sosein) tương phản với sự HIỆN HỮU của nó (Dasein); 3) Bản tính thường hằng, nổi trội của một sự vật, nằm bên dưới những trạng thái bên ngoài hay HIỆN TƯỢNG (Erscheinung) của nó; 4) Bản tính hiện thực hay bản tính bản chất của một sự vật, tương phản với việc nó có vẻ như thế nào hay với vẻ ngoài (Schein) của nó; 5) Những đặc tính bản chất hay PHỔ BIẾN của một nhóm các thực thể, tương phản với những biến thể cá biệt của chúng; 6) nằm trong những từ ghép [chỉ một hệ thống hay một phức hợp] như Postwesen (“ngành bưu điện” hay “hệ thống bưu điện”). (Hegel cho rằng nghĩa này của chữ Wesen là gần với nghĩa ông dùng, bởi nó hàm ý rằng sự vật phải được xem như một phức hợp và nằm trong “những quan hệ đa dạng [và công khai] của chúng”, BKTI, §112A).
Wesen làm phát sinh tính từ wesentlich (có tính bản chất), tương phản với unwesentlich (không [có tính] bản chất), và những chữ này có thể tạo ra danh từ Wesenheit/Anh: “essentiality” (tính bản chất), tức cái tạo nên bản chất của một sự vật, tương phản với Wesentlichkeit/Anh: “essentialness”, tức tính chất của việc là bản chất. Hegel dùng danh từ số nhiều Wesenheiten (những tính bản chất) như chữ tương đương với Reflexionsbestimmungen (những quy định phản tư), tức những sự quy định tạo nên bản chất của sự vật do sự phản tư tạo ra và/hoặc sự phản tư có thể tiếp cận được, đây là phần được bàn đến trong Học thuyết về Bản chất, phần II của cuốn KHLG.
Trong HTHTT, bản chất được bàn trong chương III mục Ý THỨC (HTHTT, III), trong phần này, bản chất là cái đối ứng với GIÁC TÍNH. Trong nghiên cứu đầy đủ hơn của Lô-gíc học, nhất là KHLG, “Bản chất”, cũng như “TỒN TẠI” có một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp: nó vừa bao quát mọi khái niệm hay mọi quy định phản tư trong Học thuyết về Bản chất, vừa chỉ những quy định đầu tiên và chung nhất trong những quy định này Sự quá độ từ Tồn tại (theo nghĩa rộng) sang Bản chất (theo nghĩa hẹp) là: trong Học thuyết về Tồn tại, ta đã gặp các CHÂT, các LƯỢNG và sự tác động qua lại phức hợp giữa chất và lượng trong HẠN ĐỘ. Những sự quy định ấy và những biến đổi của chúng là TRựC TIẾP, theo nghĩa chúng không được xem như thuộc về một thực thể duy nhất (Wesen) hay có thể giải thích được bằng một bản chất (Wesen) bền vững nằm bên dưới. Lý do rõ ràng để Hegel đi đến Wesen là ở chỗ sự quy thoái VÔ HẠN tồi của những biến thể của lượng, bị ngắt quãng do sự thay đổi của chất, đã dọn đường cho sự biến đổi lẫn nhau một cách vô hạn đúng thật của chất và lượng vào trong nhau, làm phát sinh một thể nền hay Cổ chất (subtratum), vừa không phải chất cũng không phải lượng [tức: hạn độ]. Tuy vậy, còn có những lý do khác nằm bên dưới niềm tin của Hegel: 1) Cái Tôi hay CHỦ THỂ đòi hỏi một ĐỐI TƯỢNG tách biệt với nó, và tính đối tượng ấy đòi hỏi phải chiếm hữu các chất và các lượng bằng một thực thể tư ổng đối bền vững. 2) Việc một thực thể sở hữu những đặc tính khả biến và đa dạng đến lượt nó đòi hỏi các đặc tính và sự gắn kết của chúng với nhau phải được giải thích bằng bản chất của thực thể ấy. 3) Bản thân chủ thể phải là cái gì nhiều hon tổng số các đặc tính khả biến ấy, nếu nó muốn có ý thức về chúng hoặc về chính mình: nó phải là một thực thể bền vững nằm bên dưới những trạng thái biến đổi của nó. (Một lý do khiến Hegel lược bỏ những lập luận như trên là việc ông tin rằng lượng, chất và hạn độ vượt bỏ chính chúng để thành bản chất, và bản chất không phải được du nhập một cách đon giản bằng “sự phản tư bên ngoài” của ta để giải quyết những vấn đề mà chúng gợi ra).
Bản chất (Wesen) của một vật, xét như cái có tính bản chất, thoạt đầu tưong phản với cái không-bản chất, tức những đặc tính bề mặt trực tiếp, nghĩa là với cái trước đó là Sein (tồn tại). Nhưng cặp đôi thuật ngữ này là không thích đáng, vì cái bản chất phụ thuộc vào cái tưong phản với nó là cái không-bản chất không khác gì cái không-bản chất phụ thuộc vào cái bản chất, và cũng vì, như hệ luận của điều này, để đặc trưng hóa cho một trong hai thuật ngữ này, chứ không phải thuật ngữ khác, xét như cái có bản chất, đòi hỏi phải có một người quan sát bên ngoài. (Những lập luận của Hegel ở đây, và trong Học thuyết về Bản chất nói chung, là tương tự với những lập luận của ông về cái Tuyệt đối).
Kế đến, bản chất (Wesen) được đặt tương phản với vẻ ngoài (Schein). Cái vốn trước đó là tồn tại (Sein) đã trở thành một bản chất (Wesen) đơn giản, vô-quy định: Tồn tại HỐI TƯỞNG hay nội tâm hóa chính mình thành bản chất. (Ở đây Hegel nhấn mạnh mối liên hệ của Wesen với quá khứ: “Bản chất là tồn tại đã qua (vergangene), nhưng là đã qua một cách phi thời gian”). Nhưng, cái trước đây là tồn tại (Sein), tức những đặc tính bề mặt trực tiếp, vẫn duy trì bền bỉ như là vẻ ngoài (Schein), tức những đặc tính bề ngoài được TRUNG GIỚI bởi hoạt động của bản chất. Bản chất (Wesen) và vẻ ngoài (Schein) lúc này có một mối quan hệ khác với mối quan hệ của sự tương phản đơn thuần hay với “cái khác”, vẻ ngoài (Schein) được phát sinh bởi sự xuất hiện ra (scheinen) của bản chất. Nhưng Schein và Scheinen, giống như khái niệm về sự PHẢN TƯ được du nhập muộn hơn trong phần này, là hàm hồ nước đôi.
1. Chúng liên hệ với vẻ ngoài, bề ngoài và ảo tượng, với những gì xuất hiện ra hay tỏ vẻ ra cho người quan sát. Nhưng, người quan sát không chỉ ý thức về vẻ ngoài (Schein) mà còn ý thức về bản chất (Wesen): tư tưởng của người ấy phản chiếu ngược từ vẻ ngoài vào (hay tới) bản chất ngay tại nguồn cội của nó. Vì thế, bản chất đi từ sự thống trị của vẻ ngoài đến chỗ cân bằng với nó: nó đạt được tính quy định mặc nhiên, ngược lại với tính đơn giản khi nó mới bắt đầu, và, trong chừng mực đó, là sản phẩm của tinh thần con người như là Schein (vẻ ngoài) (theo một số nhà DUY TÂM).
2. Chúng lại liên hệ với sự chiếu sáng của ánh sáng. Ý niệm về một nguồn ánh sáng đơn giản, bền bỉ mở rộng thành vô số tia sáng rất vừa vặn với ý niệm về một bản chất đơn giản nhưng tạo ra vô số những đặc tính bề mặt. Ánh tượng (Schein), theo mô hình này, là sản phẩm của chính bản chất, chứ không đơn giản là sản phẩm của người quan sát bên ngoài: bản chất ánh hiện (scheinen/Anh: schines) [thành vẻ ngoài] ở trong chính mình. Nhưng, nó cũng ánh hiện [vào trong] chính mình. Vì, ánh sáng, khi nó chạm vào một bề mặt, được phản chiếu ngược trở lại nguồn sáng.
Vì thế, Wesen và Schein đi đến chỗ có quan hệ hỗ tương bằng sự phản chiếu/ánh hiện, cái này ánh hiện thành/vào trong cái kia. Cũng theo cách này, Wesen trở nên được quy định như Schein mà nó tạo ra, chứa đựng TRONG CHÍNH MÌNH mọi sự đa dạng mà nó cần giải thích.
Những quy định phản tư khác là những sự phát triển của khái niệm “bản chất”. Chẳng hạn, sự ĐỒNG NHẤT rút ra từ sự tự-đồng nhất của bản chất, và sự KHÁC BIỆT là từ sự tự-dị biệt hóa thành Schein. Những sự quy định này, không giống những sự quy định của Tồn tại, tạo nên những cặp đôi (chẳng hạn đồng nhất và khác biệt), những hạn từ của chúng liên hệ với nhau bởi sự ánh hiện (scheinen) vào trong nhau. Hegel đặt tương phản việc “ánh hiện” như thế với việc “chuyển sang nhau” hay “quá độ” vốn là đặc điểm của Tồn tại cũng như tương phản với sự PHÁT TRIỂN những sự quy định của KHÁI NIỆM. Nhưng ông cũng nói về sự phát triển của bản chất (và của tồn tại) xét như cái toàn bộ [thể hiện trong từng phần: Học thuyết về Tôn tại và Học thuyết về Bản chất. N.D]. Sự phát triển này đi từ bản chất được quan niệm như một thể nền bị ẩn giấu sang bản chất như là cấu trúc lô-gíc minh nhiên và tính quan hệ qua lại của các hiện tượng, nghĩa là, từ bản chất chỉ đơn thuần ánh hiện bằng cách xuất hiện ra thành hiện tượng (Erscheinung), đến HIỆN THựC có trật tự và gắn kết.
Ta vẫn không hoàn toàn rõ Hegel muốn nói gì khi nối kết Wesen với (thì) quá khứ:
1) Ông chắc không có chung quan niệm với Sartre, trong Baudelaire (1947): “cái Tôi đang là” chính là “cái Tôi đã là”, vì tự do hiện tại của tôi luôn đặt vấn đề về bản tính mà tôi đã sở đắc”. Theo quan niệm của Hegel, tôi thực sự siêu vượt hay VƯỢT BỎ những trạng thái quá khứ của tôi, nhưng tôi không làm vậy với sự Tự DO CHỦ QUAN như Sartre đã nghĩ, và tôi cũng không (thể) siêu vượt bản chất chung của tôi như một cái Tôi hay một tồn tại có tư duy.
2) Thường thì điểm này có vẻ nói rằng bản chất của cái gì đó xuất hiện ra (trong thời gian, bên ngoài Lô-gíc học) từ (những) trạng thái quá khứ của nó và không minh nhiên ngay từ ban đầu: chẳng hạn, “bằng sự phản tư-vào-trong-chính mình, TINH THẨN hoàn tất sự giải phóng chính mình khỏi hình thức tồn tại đơn thuần [của “LINH HỒN tự nhiên”], mang lại cho mình hình thức của bản chất và trở thành cái Tôi” (BKTIII, §412A).
3) Đôi lúc, điểm này có vẻ cho rằng bản chất của một thực thể hiện tại là toàn bộ tiến trình quá khứ mà nó là kết quả: “mỗi cọng cỏ, mỗi cái cây đều có... LỊCH sử của nó... Điều này càng đúng hơn trong lĩnh vực của TINH THẨN; như tinh thần hiện thực trong hiện tượng của mình, nó chỉ có thể được mô tả một cách cạn kiệt... như một diễn trình lịch sử” (MH). (Điều này gần với quan niệm của Nietzsche trong định nghĩa về TRỪNG PHẠT).
Những hàm hồ nước đôi của bản chất và những từ liên quan với nó, cũng như tính tổng quát bên trong đối với Lô-gíc học, có nghĩa là Hegel không chỉ quan tâm đến một cách sử dụng duy nhất về chữ “bản chất”, mà đến toàn bộ dãy nghĩa của nó trong thần học, siêu hình học, khoa học thường nghiệm, và trong lời nói thông thường.
Hoàng Phú Phương dịch