Tự nhiên [Đức: Natur; Anh: nature]
Xem thêm: Đẹp (cái), Hợp mục đích (tính), Tự do, Chất thể, Không gian, Thế giới,
Trong SL, Kant mô tả câu hỏi “làm thế nào bản thân tự nhiên có thể có được?” như “điểm cao nhất mà triết học siêu nghiệm có thể đạt đến được, và như ranh giới và sự hoàn tất mà nó phải đi đến” (§ 36). Ông bẻ câu hỏi ra thành hai câu hỏi nhỏ: làm thế nào tự nhiên có thể có được trong nghĩa chất thể, và làm thế nào nó có thể có theo nghĩa mô thức? về câu hỏi thứ nhất, về khả thể của tự nhiên trong nghĩa chất thể như “toàn bộ các hiện tượng”, Kant trả lời rằng nó có thể có được bằng “sự cấu tạo của cảm năng của chúng ta”. Về câu hỏi thứ hai, về khả thể của tự nhiên theo nghĩa mô thức như “toàn bộ những quy luật mà mọi hiện tượng phải phục tùng để được suy tưởng như được nối kết trong một kinh nghiệm”, điều này chỉ có thể có được bằng “sự cấu tạo của giác tính của chúng ta”.
Sự phân biệt giữa tự nhiên theo nghĩa chất thể và theo nghĩa mô thức được phát triển trong triết học phê phán thành hai định nghĩa về tự nhiên được nêu ra trong PPLTTT: một nhấn mạnh đến phưong diện chất thể của nó như “tổng thể của những hiện tượng” (A 114), cái kia nhấn mạnh đến phưong diện mô thức của nó trong “trật tự và tính hợp quy luật nổi các hiện tượng” (A 125). Tuy nhiên, trong một cước chú cho ấn bản 2 của PPLTTT, Kant xem cả hai định nghĩa chất thể và mô thức này về tự nhiên là có tính năng động: xét về mặt mô thức, tự nhiên “có nghĩa là sự nối kết của các quy định của một sự vật, theo một nguyên tắc nội tại của tính nhân quả”; xét về phưong diện chất thể, nó là “tổng thể các hiện tượng trong chừng mực chúng hoàn toàn nối kết với nhau nhờ nguyên tắc nội tại của tính nhân quả” (B 446). Thêm vào cho những sự phân biệt bên trong quan trọng này cho khái niệm về tự nhiên, Kant còn đưa ra hai sự phân biệt bên ngoài quan trọng trong PPLTTT. Sự phân biệt thứ nhất là sự phân biệt giữa khái niệm về tự nhiên và về thế giới: thế giới “có nghĩa là cái toàn bộ toán học của mọi hiện tượng và là cái toàn thể của việc tổng hợp của chúng” trong khi tự nhiên cũng là thế giới như thế nhưng “trong chừng mực nó được xem như là một toàn bộ năng động” (A 418/B 446). Sự phân biệt thứ hai là giữa các quy luật của tự nhiên và các quy luật của tự do được trình bày trong nghịch lý (antinomy) thứ ba.
Sự phân biệt giữa Tự nhiên và Tự do được thấy xuyên suốt giữa siêu hình học về tự nhiên trong phê phán thứ nhất (PPTTTT) và siêu hình học về tự do trong phê phán thứ hai (PPTTTH). Trong cuốn sau, tự do của ý chí nhất quán đối lập với tính tất yếu của tự nhiên, và vấn đề nền tảng của triết học thực hành được đặt ra như một vấn đề về sự hòa giải tính nhân quả tự nhiên và tính nhân quả tự do. Trong một sự lệch hướng thú vị khỏi lối tiếp cận này trong CCSĐ, Kant sử dụng phương diện mô thức của tự nhiên, hay “sự hiện hữu của các sự vật như bị qui định bởi quy luật phổ biến”, để mô tả mệnh lệnh nhất thiết như “Hãy chỉ hành động dựa theo châm ngôn, qua đó bạn đồng thời cũng có thể muốn nó trở thành một qui luật phổ biến của tự nhiên” (tr. 421, 30).
Khái niệm về tự nhiên có mặt khắp nơi trong PPNTPĐ, ở đó trong Phần I, nó như là đối tượng của cái đẹp và cái cao cả trong tự nhiên, cũng như mang lại những sự báo hiệu về một sự hài hòa siêu-cảm tính của tự do và tất yếu. Trong Phần II, cuộc thảo luận hướng đến một sự bác bỏ những giải thích có tính hoàn toàn cơ giới về tự nhiên, với quan niệm rằng “sự tổ chức của giới tự nhiên [hữu cơ] không có gì tương tự với bất kỳ một thứ tính nhân quả nào được ta biết [đến nay]” (PPNTPĐ § 65). Ở đây, tự nhiên được định nghĩa như một “năng lực cấu tạo” mà những sản phẩm của nó “trong đó tất cả đều là mục đích và cũng là phương tiện hỗ tương cho nhau” (PPNTPĐ § 66). Những sản phẩm của năng lực cấu tạo này không thể được hiểu thông qua những nguyên tắc có tính cơ giới, cũng không “được gán cho một cơ chế mù quáng của tự nhiên” (PPNTPĐ § 70). Với điều này, Kant mở rộng phương diện năng động của tự nhiên, được mô tả trong PPLTTT dựa vào các lực và các qui luật vận động, để bao quát một quan niệm xem tự nhiên như một sức mạnh tác tạo năng động hoặc có tính cấu tạo nên hình thể. Đối với Schelling, nó là một bước ngắn để thay thế chủ thể nhận thức của PPLTTT bằng Tự nhiên cấu tạo, và vì thế biến triết học của Kant về chủ thể thành triết học về tự nhiên.
Hoàng Phú Phương dịch