Không/Hư vô [Đức: Nichts; Anh: nothing]
Xem thêm: Tồn tại, Quy định (sự), Hiện hữu (sự), Giới hạn, Phủ định,
Trong ĐLPĐ, Kant phân biệt cái Không vốn nảy sinh từ sự phủ định logic dựa theo nguyên tắc mâu thuẫn và do sự đối lập hiện thực tạo ra. Cái trước nảy sinh khi những vị từ mâu thuẫn được khẳng định cho cùng một chủ từ, chẳng hạn như một vật thể “vừa vận động lại vừa không vận động”. Cái Không thứ nhất được mô tả là “cái Không có tính phủ định không thể hình dung được” (ĐLPĐ tr. 171, tr. 211). Ở cái Không thứ hai, cả hai thuộc tính, chẳng hạn như “lực vận động của một vật thể theo một hướng và một xu hướng [vận động] ngang bằng của chính vật thể ấy theo hướng ngược lại” (tr. 172, tr. 211) không mâu thuẫn với nhau về mặt logic, mà là triệt tiêu lẫn nhau và được sinh ra trong một cái Không có thể hình dung được hay trạng thái “đứng im”. Kant minh họa hình thức sau của cái Không là tổng các số dương và số âm trong đó sự triệt tiêu các thuộc tính đối lập tạo ra tổng “= 0”. Quan niệm này về cái Không và mô hình về sự phủ định hiện thực làm cơ sở cho nó sau này xuất hiện trong PPLTTT trong quan niệm về sự phủ định như là sự quy định.
Trong PPLTTT, Kant gộp hai quan niệm về cái Không trong loại hình học về cái Không ở cuối phần Phụ lục “Về Tính nước đôi của các khái niệm phản tư”. Các khái niệm phản tư là những phân biệt cơ bản cần thiết cho sự định hướng của phán đoán theo phạm trù, và qua sự suy tưởng này, Kant xét đến sự phân biệt nền tảng nhất cốt yếu ở việc đối tượng nói chung của phán đoán là “cái có hay là cái không”. Ông đi theo sự phân biệt giữa cái có và cái không bằng bảng các phạm trù, chỉ ra rằng cái đối lập với đối tượng của các phạm trù về lượng toàn thể [mọi cái], đa thể [nhiều cái], và nhất thể [một cái]) là “cái không [cái gì cả]”, tức một ens rationis (vật có thể được suy tưởng) hay “khái niệm rỗng, không có đối tượng” (PPLTTT A 290/B 347). Cái đối lập với đối tượng nói chung của các phạm trù về chất là “cái không có” - nihil privatum [đối tượng rỗng của một khái niệm] - hay “một khái niệm về sự thiếu vắng [tính thực tại của] một đối tượng. Cái đối lập với đối tượng nói chung của các phạm trù về tương quan là sự thiếu vắng về bản thể hay “chỉ là điều kiện mô thức đơn thuần của một đối tượng (như là hiện tượng)” tức là không gian thuần túy và thời gian thuần túy đã trừu xuất khỏi những đối tượng ở trong chúng như là “ens imaginarium” [trực quan rỗng không có đối tượng]. Cuối cùng, cái đối lập với đối tượng nói chung của các phạm trù về tình thái là đối tượng tự-mâu thuẫn về mặt logic, hay nihil negativum [đối tượng rỗng không có khái niệm] - tức cái Không ở trong logic học được bàn luận trong ĐLPĐ. Kant quan sát thấy rằng ens rationis về lượng là không thể có, bởi lẽ nó chỉ là một sự hư cấu, cho dù có nhất quán về logic; nihil negativum về tình thái là không thể có, vì khái niệm của nó tự thủ tiêu chính mình. Vậy chỉ còn lại nihil privatum về chất và ens imaginarium về tương quan như là những sự phủ định nhất định, nghĩa là, trong khi bản thân chúng không thực tồn, chúng vẫn cần thiết cho việc xác định cái thực tồn.
Đinh Hồng Phúc dịch