Hiện thực/Hiệu thực [Đức: Wirklichkeit; Anh: actuality/effectivity]
Về mặt từ nguyên lẫn trong tư tưởng Hegel, tính từ wirklich (“hiện thực”/Anh: “actual”) gắn liền với động từ wirken (“tác động” hay “tạo hiệu quả”), với từ wirksam (“có hiệu quả”, “có tác động”) và danh từ Wirkung (“hiệu quả”, “tác động”): “cái gì là hiện thực thì có thể tác động (wirken)”. Cách sử dụng các từ này cũng tương tự như cách sử dụng từ “hiện thực”, “thực sự”, “đích thực”: một nhà trinh thám thật sự hay hiện thực tương phản với một nhà trinh thám hư cấu, tưởng tượng, chẳng hạn như nhân vật Sherlock Holmes hay đơn thuần khả hữu như nhà trinh thám đang ngồi bên cạnh tôi đây; nó cũng tương phản với một nhà trinh thám ảo, hay mô hình bằng sáp; cũng tương phản với một nhà trinh thám tồi, kém tài; và với một nhà trinh thám chỉ mới trong tiềm năng, tức một người mới vào nghề có khả năng trở thành một nhà trinh thám nhưng chưa hiện thực hóa năng lực này. Trong mọi trường hợp, nhà trinh thám hiện thực hay đích thực có thể gây một tác động, trong khi nhà trinh thám giả tưởng hay không hiện thực không thể làm được.
Các triết gia như Kant, nhìn chung, đều dùng chữ “hiện thực” theo cách thứ nhất, như là từ đồng nghĩa với cái gì “đang tồn tại” hay “hiện hữu”, nhấn mạnh đến tính cách có thể tri giác được một cách cảm tính, tương phản với cái gì chỉ đơn thuần khả hữu, đơn thuần được suy tưởng hay tưởng tượng. Hegel không đồng tình hẳn với cách sử dụng này, và có xu hướng phủ nhận tính hiện thực không chỉ đối với cái gì đơn thuần khả hữu, mà cả đối với những thực thể bất tất, có cấp độ thấp kém về mặt bản thể học, đối với những thực thể dưới mức tiêu chuẩn hay không được phát triển tương ứng với loại hình của chúng, chẳng hạn đối với những NHÀ NƯỚC tồi tệ hay độc tài, đối với những trẻ em chưa hiện thực hóa được tiềm năng của chúng để trở thành những con người trưởng thành có lý tính. Đó là lý do tại sao Hegel gọi hiện thực là sự thống nhất của cái BÊN TRONG và cái BÊN NGOÀI (hay của BẢN CHẤT và sự HIỆN HỮU) - tức những phạm trù đi trước phạm trù hiện thực trong Khoa học Lô-gíc: một thực thể ở cấp thấp, chẳng hạn một cầu vồng là bất tất theo nghĩa sự hiện hữu của nó không phải là sản phẩm của bản tính bên trong hay của bản chất của chính nó mà chỉ phụ thuộc vào những thực thể khác; một nhà nước độc tài là một sự suy thoái của bản tính nhà nước; một đứa trẻ chưa hiện thực hóa bản tính bên trong của nó (nghĩa là trong chừng mực đó, nó còn phụ thuộc vào những người khác để được sống sót hiện nay và được phát triển trong tương lai).
Nhưng, đặc điểm đáng chú ý nơi Hegel là: ông không chỉ đơn thuần khẳng quyết cách sử dụng của riêng mình về từ “hiện thực”, trái lại, ông phát triển nó từ một sự xem xét các cách sử dụng khác. Bắt đầu với ý tưởng rằng cái hiện thực tương phản với cái gì đơn thuần khả hữu hay với cái gì chỉ được suy tưởng một cách nhất quán, không mâu thuẫn, ông cho rằng cái hiện thực theo nghĩa này là cái gì bất tất, nghĩa là có thể tồn tại cũng như có thể không tồn tại, bởi nó không được đặt cơ sở trong chính mình, mà trong một cái gì khác. Tuy nhiên, những thực thể bất tất, tức những hiện thực trực tiếp, cũng tạo nên những điều kiện cho một hiện thực đã được phát triển, tức cũng là tất yếu, bởi cả hai lẽ: tất cả mọi điều kiện cho việc hiện thực hóa nó đều có mặt, và bởi những điều kiện của nó đều được vượt bỏ hay được hấp thu vào trong chính nó, khiến cho, trong nghĩa đó, nó là độc lập và tự-quy định. Một “hiện thực đã phát triển” là một thực thể, chẳng hạn như một cơ thể sống hấp thu những đối tượng ngẫu nhiên trong môi trường của mình để thúc đẩy sự lớn mạnh của chính mình dựa theo một mẫu thức đã được bản tính bên trong quy định từ trước; giống như một tác nhân có lý tính sử dụng những gì mình gặp phải để hoàn thành một kế hoạch đã dự liệu; hay giống như một xã hội biến những vật liệu và sức mạnh trong môi trường của mình thành những cấu trúc có mục đích. Nhưng Hegel thường đặt ngang hàng cái hiện thực đúng thật với Thượng Đế, và cho rằng Thượng Đế (hay TINH THẦN thế giới) lèo lái những cái bất tất trong thế giới này để hướng đến việc hoàn tất một kế hoạch thần linh thông qua “sự ranh mãnh của LÝ TÍNH” (không khác mấy với “Bàn tay vô hình” của Adam Smith).
Trong Lời Tựa của THPQ, Hegel nói: “Cái gì hợp lý tính thì là hiện thực và cái gì hiện thực là hợp lý tính”. Thông thường, ta đặt cái thực tồn hay hiện thực tương phản với những ý tưởng hay tư tưởng. Rồi ta lại có thể làm cho cả hai đối lập với nhau, bằng cách cho rằng điều gì đó chỉ đơn thuần là một ý tưởng chứ không thực tồn hay không thể thực hiện được, hoặc ngược lại, cho rằng hiện thực là sai lầm bởi nó không tương ứng với những ý niệm hay những LÝ TƯỞNG của ta. Hegel muốn đả phá sự đối lập này. Theo ông, những tư tưởng, nhất là những “Ý NIỆM” không phải chủ yếu là những thực thể CHỦ QUAN, trái lại, là nội tại (immanent) ở trong hiện thực. Học thuyết này có các nghĩa sau đây:
(1) Nghĩa bản thể học: những sự vật không thể tồn tại, trừ khi chúng được cấu trúc hóa tương ứng với những tư tưởng của Khoa học Lô-gíc (có trật tự nhân quả, hiện thực V.V.);
(2) Nghĩa thăn học: những sự vật hoàn thành một kế hoạch thần linh;
(3) Nghĩa nhận thức luận: sự vật là hoàn toàn khả niệm và có thể nhận thức được;
(4) Nghĩa đánh giá: sự vật là hợp lý tính và tương ứng với những thước đo hợp lý tính.
(Các nhà diễn giải về triết học Hegel thường nhấn mạnh các phương diện khác nhau của học thuyết này, nhưng Hegel có tất cả chúng cùng một lúc trong đầu). Ngụ ý của học thuyết này đối với việc nghiên cứu chính trị và lịch sử là ở chỗ: không nên phê phán thực trạng hiện tại hay quá khứ hay khuyến nghị những thay đổi, mà chỉ đơn thuần nỗ lực tìm hiểu chúng và phát hiện tính lý tính của chúng, nghĩa là, cả tính khả niệm (tính có thể hiểu được) và sự biện minh tối hậu cho chúng. Những “ý tưởng” và những đề nghị của ta không tránh khỏi mang tính hời hợt khi so sánh với những “ý niệm” vốn đã khắc in trong bản tính của sự vật. Thái độ này xuất hiện lần đầu tiên trong HPĐ: “Nếu ta xem những gì đang là [tức đang hiện hữu] đúng như là nó phải là, rằng nó không phải là tùy tiện hay ngẫu nhiên, thì ta cũng thấy rằng nó phải là như nó đang là”.
Học thuyết này đã bị các nhà phê phán Hegel đả kích mạnh mẽ và được hiểu như là nỗ lực ngăn cấm sự phê phán hay cải cách đối với bất kỳ thực tiễn, định chẽ hay nhà cai trị nào. (Nếu học thuyết này áp dụng cho bất kỳ điểu gì đang xảy ra thì tự nó cũng làm cho mình mất tác dụng, trừ khi bản thân Hegel rút lại việc phê phán những ai đang phê phán hiện trạng và không được đề nghị rằng họ nên ngưng việc làm ấy!). Vì thế, trong ấn bản lần 2 của BKT (1827), ông nhấn mạnh rằng ông không hề xem bất cứ điều gì cũng là hiện thực, và rằng một số sự vật đang hiện hữu (cái bất tất, các ý tưởng tự phát, sai lầm, cái ác, và những gì chỉ đơn thuần có sự hiện hữu “cằn cỗi và phù du”) chỉ là VẺ NGOÀI (Erscheinung/ Anh: appearance) hơn là hiện thực (BKTI, §6) (những người ngần ngại không muốn thấy tính chất thần học trong Hegel có thể diễn giải yêu sách tiếp theo của Hegel rằng “chỉ có Thượng Đế mới là hiện thực đúng thật” thực ra có nghĩa rằng chỉ có cấu trúc lô-gíc của sự vật mới là hiện thực). Theo cách nhìn này, một nhà nước độc tài hay bất lực thì không phải là một nhà nước hiện thực, và không được miễn trừ khỏi sự phê phán và cải cách. Hegel là một nhà duy thực đối với các khái niệm và do đó tự tin rằng mình luôn được vô hại trước sự phản bác rằng, chẳng hạn, một nhà nước không đích thực lại có thể là một nền độc tài thực tồn hay hiện thực. Tuy nhiên, ông không cung cấp tiêu chuẩn rõ ràng nào cả để phân biệt cái hiện thực với cái vẻ ngoài: ngay cả những nhà nước tốt nhất cũng không phải không có khuyết điểm hay có thể trường tồn.
Học thuyết cho rằng cái hiện thực là hợp lý tính không đơn giản là một sản phẩm của thuyết bảo thủ của Hegel (tuy vậy, ông là bảo thủ theo nghĩa rằng ông ít hay nhiều chấp nhận hiện trạng, nhưng không phải theo nghĩa ông xem hiện trạng ấy là đáng mong muốn hay có thể vận dụng nhằm phục hồi trật tự cũ đã bị Cách mạng Pháp đánh đổ). Học thuyết này cũng thể hiện một xu hướng khắc kỷ và mang tinh thần Spinoza trong tư tưởng của ông; đó là niềm tin rằng nên thấu hiểu và chiêm nghiệm sự vật hơn là băn khoăn hay đòi thay đổi chúng và rằng sự Tự DO chính là ở chỗ thấu hiểu sự tất yếu, và sự thấu hiểu như thế cho phép ta chấp nhận thế giới như nó đang là hơn là thay đổi nó.
Bùi Văn Nam Sơn dịch