Thực tại (tính) [Đức: Realität; Anh: reality]
Xem thêm: Hiện thực, Phạm trù (các), Phủ định (sự), Bản thể học, Tri giác, Cảm giác, Bảng các phạm trù,
Thực tại là phạm trù đầu tiên trong các phạm trù vê chất, tương ứng với chức năng khẳng định của phán đoán. Cùng với các phạm trù vê chất còn lại, như: phủ định và hạn định, nó mang lại các nguyên tắc tạo nên những dự đoán của tri giác. Với tư cách là một phạm trù hay “một khái niệm thuần túy của giác tính”, thực tại được định nghĩa là “cái gì tương ứng với một cảm giác nói chung” hay cái gì mà “một khái niệm của nó chỉ thị một cái tồn tại (trong thời gian)” (PPLTTT A 143/B 182). Đối lập với nó là phạm trù phủ định, vốn cũng là một trong các phạm trù vê chất dùng để hình dung về cái “không-tồn tại (trong thời gian)” (sđd). Kể từ Descartes, các triết gia đã quan niệm thực tại là việc có một độ [Grad], như trong quan niệm rằng bản thể có nhiều tính thực tại hơn các tùy thể của nó. Kant dùng chất thực tại này để bảo đảm cái yêu sách về sự hiện hữu của một thể liên tục giữa thực tại và phủ định, vốn là cái “làm cho mọi thực tại có thể xuất hiện [cho ta] như một đại lượng (PPLTTT A 143/B 183). Chất này lúc đó được mở rộng thành cảm giác hay biểu tượng về những đối tượng trong trực quan.
Sự tương ứng của phạm trù thực tại với cảm giác được hoàn thành nhờ tri giác. Có lúc Kant viết rằng “vật chất hay cái hiện tồn này, tức là cái gì đó được trực quan trong không gian mới tất yếu lấy tri giác làm tiền đề” (PPLTTT A 373). Nhưng tri giác này không được hiểu là tiền-phạm trù, mà là một nguyên tắc hay một “dự đoán của tri giác”. Việc Kant sử dụng thuật ngữ prolepsis (“dự đoán”) của Epicurus đã cho phép ông đặt những dự đoán của tri giác vào vị trí giữa giác quan và “ý thức có tính mô thức tiên nghiệm”: tri giác không đi trước phạm trù thực tại, bảo đảm nó theo cách nào đấy, mà đòi hỏi rằng phạm trù phải được mang lại để tri giác có thể diễn ra. Cái “thực tồn” được trực quan trong không gian quả thực có thể lấy tri giác làm tiền đề, nhưng bản thân tri giác chỉ có thể có được khi được dự đoán bởi nguyên tắc: “Cái thực tồn là một đối tượng của cảm giác, đều có lượng cường độ, tức là có một độ” (PPLTTT B 207).
Kant thừa nhận rằng điều này phải “xuất hiện có phần lạ thường” và chỉ ra nguồn gốc của sự lạ thường là câu hỏi: “Làm thế nào giác tính có thể phán đoán một cách tổng hợp và tiên nghiệm về hiện tượng” (PPLTTT B 217).
Lý do cho bộ máy phức tạp gắn phạm trù thực tại với cảm giác, nói chung, là nhu cầu phải chứng minh rằng “bản thân sự thiếu vắng của cái thực tồn trong trực quan cảm tính không thể được tri giác” và do đó một không gian hay thời gian trống rỗng “không bao giờ có thể được rút ra từ kinh nghiệm” (PPLTTT B 214). Chứng minh này xứng đáng là một định đề trong luận cứ chống lại tính thực tại tuyệt đối của không gian và thời gian. Tính thực tại của các mô thức của trực quan không thể tách khỏi tính thực tại của các đối tượng của kinh nghiệm; chúng không thuộc về, Kant nhấn mạnh, “những sự vật một cách tuyệt đối như là điều kiện hay thuộc tính mà không cần xét đến mô thức của trực quan cảm tính của chúng ta (PPLTTT A 36/B 52). Phạm trù thực tại vì thế chỉ có thể được áp dụng như một tính thực tại thường nghiệm trong không gian và thời gian, và tuyệt đối không bao giờ được áp dụng cho bản thân không gian và thời gian.
Một chiều hướng phê phán khác về phạm trù thực tại được bộc lộ trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, là nổi Kant chống lại việc tỉnh lược thực tại và tồn tại. Thuật ngữ thực tại (Realität) “trong khái niệm về sự vật nghe có vẻ khác với thuật ngữ tôn tại (Existenz) trong khái niệm về thuộc tính” (PPLTTT A 597/B 625) quả thực không thể được áp dụng cho cái gì đó không phải là một đối tượng khả hữu của kinh nghiệm, như Thượng đế chẳng hạn. Nếu được áp dụng trong trường hợp như thế, nó ắt sẽ được mở rộng một cách không chính đáng vượt khỏi những ranh giới thuộc thẩm quyền của chính nó, vốn được thiết định bởi những giới hạn của kinh nghiệm khả hữu.
Cho dù về đại thể Kant giới hạn một cách nghiêm ngặt tính thực tại vào những giới hạn của kinh nghiệm khả hữu, có lúc trong PPLTTT ông gợi ý đến một chiều hướng bên ngoài phạm trù cho khái niệm. Sự mách nước này nằm trong ngữ cảnh bàn luận về sự khẳng định siêu nghiệm và sự phủ định siêu nghiệm, khi ông đồng nhất cái trước với tính thực tại “bởi, chỉ thông qua sự khẳng định siêu nghiệm, và trong mức độ sự khẳng định này là đầy đủ, các đối tượng sẽ là một cái gì (các sự vật)” (PPLTTT A 574/B 602). Trong ngữ cảnh này, tính thực tại là một ý niệm của lý tính, một “cơ chất siêu nghiệm”, về cái “tất cả tính thực tại (omnitudo realitatas)” (A 575/B 604). Với quan niệm này về thực tại, Kant mở rộng khái niệm, vượt khỏi những ranh giới phạm trù của nó, trong khi vẫn giữ nó lại, với tư cách là một ý niệm của lý tính, bên trong một dự án phê phán quy mô hơn.
Mai Thị Thùy Chang dịch