Thực chứng (luận/thuyết) [Đức: Positivismus; Anh: Positivism]
Một cách tiếp cận triết học về khoa học và nhận thức luận, với đặc trưng là đặt các khoa học tự nhiên vào vị trí hàng đầu như là nguồn chính yếu hoặc nguồn duy nhất của các yêu sách tri thức đúng đắn.
Thuyết thực chứng có những mạch nguồn trong công trình của triết gia và lý thuyết gia xã hội người Pháp Auguste Comte (1798–1857), người đã cố gắng thiết lập phương pháp luận cho các khoa học xã hội, qua đó có thể khám phá các quy luật chi phối sự phát triển và biến đổi của xã hội. Tri thức về các quy luật xã hội như thế được khai thác để thiết kế xã hội, giống như tri thức khoa học tự nhiên về các quy luật tự nhiên là cơ sở cho các can thiệp vào thế giới tự nhiên về mặt công nghệ.
Vào đầu thế kỷ XX, một phiên bản tinh tế của thuyết thực chứng đã nổi lên, thường được biết đến là thuyết thực chứng logic. Phiên bản này có đặc điểm là bàn về phương pháp luận của các khoa học tự nhiên và bản chất của ngôn ngữ và ý nghĩa. Nó cho rằng các khoa học tự nhiên tiến hành bằng việc tạo ra các lý thuyết và mô tả về thế giới vốn có thể kiểm chứng (verifiable), có nghĩa là những phát biểu duy nhất có nghĩa là những phát biểu có thể được xác nhận (hay được kiểm chứng) thông qua quan sát thường nghiệm. Vì thế, chẳng hạn, các tuyên bố rằng ‘Trái đất quay quanh mặt trời 365, 25 ngày mỗi vòng’ và ‘Ăn chuối xanh sẽ làm co bóp dạ dày’ là có thể kiểm chứng được. ‘Nguyên tắc kiểm chứng’ này một mặt đòi hỏi mọi nghiên cứu khoa học (bao gồm các khoa học xã hội và khoa học lịch sử) cần theo hình mẫu là các phương pháp của các khoa học tự nhiên (và vì vậy, tiến hành các thí nghiệm kiểm chứng một cách thường nghiệm, dẫn đến các giải thích có tính nhân quả về hiện tượng có thể quan sát được); mặt khác, bất cứ phát biểu nào không thể kiểm chứng thì vô nghĩa về mặt siêu hình học. Các hệ quả của điểm thứ hai bao gồm sự bác bỏ mọi ngôn ngữ có tính tôn giáo và thần học và xem đó là vô nghĩa (bởi vì, nếu một Thượng đế ở khắp nơi và toàn năng là thực thể không quan sát được, thì không phát biểu nào thuộc loại ‘Thượng đế tồn tại’ là có thể được kiểm chứng và vì thế không bao giờ có thể có nghĩa), và sự bác bỏ mọi tuyên bố giá trị, bao gồm cả tuyên bố đạo đức học và mỹ học. Nếu không có các phẩm tính có thể quan sát được về cái ‘thiện’ và cái ‘đẹp’, thì những phát biểu như ‘Giết người là sai’ và ‘Cézanne là họa sĩ vĩ đại’ đều hoặc là vô nghĩa hoặc có thể quy giản thành các phát biểu ‘Tôi phản đối giết người’ và ‘Tôi thích các tác phẩm của Cézanne’.
Trong khi Habermas có thể được xem như có liên quan đến miêu tả của Comte về sự phát triển của xã hội trong lý thuyết của ông về sự tiến hoá xã hội/social evolution, thì trong các tác phẩm sơ kỳ, Habermas bàn sâu hơn về khoa học luận thực chứng. Ông thực hiện qua hai đóng góp của ông đối với Positivism Dispute (Habermas, 1976c; 1976d/Cuộc tranh luận về thuyết thực chứng)—một loạt các trao đổi—khởi xướng bởi nhà khoa học luận Karl Popper và lý thuyết gia Trường phái Frankfurt/Frankfurt School Theodor Adorno, về bản chất của phương pháp khoa học và đặc biệt là về bản chất của các khoa học xã hội. Ở đây Habermas vừa chất vấn về tính chính xác trong cách hiểu của các triết gia thực chứng về phương pháp luận của khoa học tự nhiên, vừa bảo vệ ý tưởng rằng phương pháp luận của các ngành khoa học xã hội phải khác triệt để so với phương pháp luận của các ngành khoa học tự nhiên, và vì thế nỗ lực của các triết gia thực chứng nhằm hợp nhất các ngành khoa học dựa trên mô hình khoa học tự nhiên (điều Habermas gọi là thuyết duy khoa học/scientism) là việc làm sai lầm.
Luận cứ thứ nhất liên quan đến cách nhìn của các triết gia thực chứng rằng, tất cả những gì quan trọng đối với nền khoa học đúng đắn là tập các quy tắc mà khoa học gia phải tuân thủ khi theo đuổi nghiên cứu của mình. Những quy tắc đó bao gồm không chỉ yêu cầu rằng các lý thuyết khoa học có thể được kiểm chứng thông qua các quan sát (thực nghiệm), mà còn gồm sự bảo đảm tính vô tư của khoa học gia (sao cho các kết quả không bị méo mó bởi các phán đoán giá trị cá nhân hay viễn tượng cá biệt về thế giới). Các kết quả được biểu đạt một cách lý tưởng trong các công thức toán định lượng. Nhà khoa học được xem như là quan sát viên trung lập về thế giới tồn tại độc lập với người quan sát. Habermas không phải thiếu đồng cảm với lập luận này. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh vào phương pháp luận khách quan, vô tư này, thực chứng luận quên mất thực tế rằng quá trình nghiên cứu khoa học phải là một tiến trình có tính cộng đồng. Các khoa học gia không làm việc trong cảnh cô lập, chỉ biết tuân theo một tập các quy tắc (như thể họ đang chơi game một mình). Đúng hơn, họ làm việc trong các nhóm mà các kết quả có thể bị thách thức và được bàn thảo bởi các nhóm đối thủ. Cốt yếu Habermas mượn luận cứ từ Karl Popper, người lưu ý rằng ngay cả trong việc kiểm chứng một lý thuyết thì sự quan sát dữ kiện là không đủ. Khoa học gia không chỉ đơn giản chỉ vào thế giới (chẳng hạn, ở tiêu bản dưới kính hiển vi) và giả định một cách hiển nhiên rằng những gì khoa học gia thấy sẽ kiểm chứng cho lý thuyết của mình. Khoa học gia còn phải giải thích tại sao những gì mình quan sát là sự kiểm chứng cho lý thuyết. Popper gợi ý rằng, điều này giống như quá trình diễn ra ở toà án, nơi bằng chứng được trình bày trước toà phải được chứng minh là thích hợp để xác định sự có tội hoặc vô tội của bị cáo. Bằng chứng tự nó không nói lên được điều gì. Theo Habermas, điều này chứng tỏ là bản thân khoa học dựa vào các quá trình mà thực chứng luận không thấy được—đó là các quá trình của sự tương tác xã hội, thương lượng và giao tiếp. Đây là cái nhìn sớm sủa về tầm quan trọng mà sự giao tiếp, và những gì Habermas sẽ gọi là lý tính giao tiếp/communicative reason, sẽ đạt được trong triết học và lý thuyết xã hội hậu kỳ của ông.
Luận cứ thứ hai của Habermas có thể xem như tiếp tục mối quan tâm này kèm với bản chất của sự tương tác và giao tiếp xã hội, để lập luận rằng sự giải thích nhân quả thường không thích hợp trong các ngành khoa học xã hội, chính là vì các quá trình xã hội là các quá trình giao tiếp. Các quá trình như thế đặt cơ sở trên năng lực của các tác nhân xã hội để hiểu được thế giới xã hội của họ, để diễn dịch các lời nói và hành động của người khác, và để giải thích các hành động và phát biểu của bản thân họ với những người khác. Tóm lại, thế giới xã hội là thế giới của những ý nghĩa, chứ không phải là của những mối quan hệ nhân quả. (Chẳng hạn, tôi đi làm mỗi sáng, không phải vì bất cứ nguyên nhân nào, mà bởi vì tôi nhận rõ nghĩa vụ đối với các sinh viên và các đồng nghiệp, và nhu cầu của tôi về khoản thu nhập để trả nợ ngân hàng và giữ tôi theo một lối sống mà tôi đã quen thuộc. Tôi dĩ nhiên có thể, thậm chí nên làm quen với lối sống đơn giản hơn, nhưng ngay bây giờ tôi tự do chọn lựa không cần vậy). Vì thế, thế giới xã hội không được tạo nên và duy trì thông qua các lực nhân quả, mà đúng ra thông qua các hành động sáng tạo và đầy ý nghĩa của các thành viên của nó. Khoa học xã hội, bởi thế, phải có phương pháp luận đặt nền tảng ở thông diễn học/hermeneutics, tức là các khoa học diễn giải.
Tuy nhiên, Habermas cũng thừa nhận rằng xã hội có thể thường xuất hiện ra trước những người thuộc về xã hội ấy (và có những ý định và hành động đầy tính toán và ý nghĩa để duy trì nó) như thể nó là lực tự nhiên. Chẳng hạn, nền kinh tế phải là sản phẩm của các hành động tự do của các tác nhân con người, chọn lựa trao đổi hàng hoá và dịch vụ, để đầu tư và tiết kiệm và v.v., và tuy thế, các quy luật vốn chi phối nền kinh tế, và được đề ra bởi kinh tế học chính thống (tức là nhà thực chứng luận), đã đương đầu với những tác nhân kinh tế đó ở vai trò các quy luật tự nhiên, dường như độc lập với tác động của con người và không khác gì các luật cơ học hay quang học. Theo Habermas, sự biến đổi các hành động và tương tác có ý nghĩa thành ra vô nghĩa và các lực có vẻ khách quan này—quá trình vật hoá/reification này—là chỉ dấu cho những bất bình đẳng và áp bức chính trị vốn cố hữu trong xã hội. Tính chất từa tựa quy luật của một số tiến trình xã hội khi ấy không thể được mặc nhiên công nhận, rồi chuyển giao cho một ngành khoa học xã hội, chẳng hạn kinh tế học, vốn sẽ đi vay mượn phương pháp luận toán học của các ngành khoa học tự nhiên; tính chất này cần phải được phơi bày thông qua sự thẩm tra có tính phê phán để giải phóng hay khai phóng/emancipate xã hội khỏi sự áp bức.
Habermas khảo sát tỉ mỉ cách tiếp cận này đối với các khoa học xã hội có tính phê phán và thông diễn trong Knowledge and Human Interests (1971a)/ Nhận thức và những lợi ích hay quan tâm của con người và The Logic of the Social Sciences (1988b)/ Logic của các ngành khoa học xã hội. Trong Knowledge and Human Interests, Habermas cung cấp một nghiên cứu lịch sử về sự ra đời của các cách tiếp cận thực chứng đối với các khoa học. Ông nhiều lần lưu ý tại sao các lý thuyết gia vốn có tiềm năng phá vỡ ảnh hưởng của thực chứng luận—bao gồm C.S. Peirce trong giải thích của ông về các ngành khoa học tự nhiên (xem thuyết dụng hành/pragmatism), Wilhelm Dilthey về lịch sử, và Karl Marx và Sigmund Freud về khoa học khai phóng—tất cả đều đã thoả hiệp những kiến giải của mình và ở những thời điểm quan trọng lại quay trở lại các mô hình thực chứng trong nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, sự nhấn mạnh của Marx về tiềm năng của con người có thể tự do biến đổi xã hội, đã bị xói mòn khi lại nhấn mạnh đến các quy luật sắt đá về sự phát triển xã hội mang âm hưởng xã hội học của Comte, và đặt sự thay đổi xã hội bên ngoài ý chí và sự chi phối của các tác nhân xã hội; Freud trình ra môn tâm phân học/psychoanalysis và liệu pháp ‘chữa trị bằng lời nói’ (talking cure) của nó (thông qua đó các triệu chứng tưởng như có tính thể lý được trao cho ý nghĩa, và được mang trở lại dưới sự kiểm soát có ý thức của bệnh nhân) như là sự thay thế tạm thời trước khi các điều trị hoá học hữu hiệu hơn trở nên khả dụng với căn bệnh tâm thần.
Trong các tác phẩm hậu kỳ, Habermas ít quan tâm hơn với mối đe dọa mà thực chứng luận đặt ra cho các khoa học xã hội (một phần vì ông thấy các tranh luận cũng được tiếp tục có hiệu quả bởi những người khác). Tuy nhiên, vấn đề làm cân bằng mô hình khoa học tự nhiên và mô hình thông diễn của khoa học xã hội vẫn còn lại, và được tiếp tục nhất là trong tranh luận của ông với Niklaus Luhmann về tình trạng và phạm vi của lý thuyết hệ thống/systems theory (như là cách tiếp cận khoa học xã hội đặt nền trên khoa học tự nhiên và nhất là trên điều khiển học). Điều này lên đến cực điểm trong mô hình phức về xã hội như là hệ thống/system và thế giới đời sống/lifeworld được khớp nối trong The Theory of Communicative Action /Lý thuyết về hành động giao tiếp.
Trong những công trình gần đây về luật pháp/law (1996a), Habermas chuyển hướng sang vấn đề thực chứng luận pháp lý. Thực chứng luận trong lý thuyết về luật pháp (hay luật học) viện dẫn tới cách hiểu về luật pháp vốn nhấn mạnh luật pháp như đang được thực thi trong một xã hội đặc thù, trái ngược với cách tiếp cận nhấn mạnh xem luật pháp phải nên như thế nào. Cách tiếp cận thực chứng vì thế chủ yếu chỉ quan tâm đến tính nhất quán của hệ thống pháp luật, và các thủ tục định chế hoá việc thay đổi luật pháp. Do đó, cách tiếp cận thực chứng có vẻ không đòi hỏi về việc biện minh luân lý sâu sắc đối với một bộ luật bằng việc đòi hỏi về tính nhất quán của luật đó với các bộ luật hiện tồn, theo các nguyên tắc đã được chấp nhận. Giống như thực chứng luận trong các ngành khoa học tự nhiên, theo giải thích của Habermas, thực chứng luận pháp lý đánh giá quá thấp vai trò của lý tính giao tiếp trong việc suy xét giá trị hiệu lực của pháp luật, và trong việc diễn giải luật pháp và xác định ứng dụng của nó. Luận điểm của Habermas là sự xem xét phạm vi và bản chất của lý tính giao tiếp sẽ mang đến nguồn sáng cho việc chất vấn về tính chính đáng của pháp luật vốn sẽ đi xa hơn sự chấp nhận đơn thuần một hệ thống bất kỳ cho trước và các thủ tục vốn có của nó.