Khái niệm phái sinh (các) [Hy Lạp: Katâgoroumena; Latinh: Praedicabilia; Đức: Prâdikabilien; Anh: predicables]
Xem thêm: Phạm trù, Predicament [phạm trù], Bảng các phạm trù,
Trong truyền thống Aristoteles, các phạm trù phái sinh là năm, đôi khi là sáu thuộc từ có thể được khẳng định hoặc phủ định của chủ từ trong một mệnh đề logic. Các khái niệm phái sinh là “sự định nghĩa”, “loài”, “sự dị biệt”, “thuộc tính”, “tùy thể’ và “giống”. Kant sử dụng thuật ngữ này có khác đi nhiều so với nghĩa đã được tiếp nhận, vì đối với ông, chúng quy chiếu đến “những khái niệm thuẫn túy nhưng có tính phái sinh của giác tính” (PPLTTT tr. A 82/B 108). Từ bảng các phạm trù, Kant rút ra tập hợp các chức năng thuần túy của giác tính, và bằng việc gắn những chức năng ấy cho “các đối tượng nói chung”, Kant tạo ra “những khái niệm thuần túy của giác tính”. Từ những khái niệm thuần túy này ta rút ra một “danh mục hoàn chỉnh” về các khái niệm phái sinh nảy sinh từ sự nối kết giữa các phạm trù với nhau và giữa các phạm trù với các mô thức của trực quan là không gian và thời gian (xem SL § 39). Trong PPLTTT, Kant cố tình không đưa ra “bảng kết toán hoàn chỉnh” về các khái niệm phái sinh, mà đưa ra một số ví dụ hữu ích. Từ phạm trù nhân quả ta rút ra các khái niệm phái sinh: “lực”, “tác động” và “bị tác động”; từ phạm trù cộng đồng tương tác ta rút ra các khái niệm phái sinh: “hiện diện” và “đề kháng”; từ phạm trù tình thái ta rút ra ra khái niệm phái sinh: “sự ra đời”, “sự mất đi”, và “sự biến đổi” (PPLTTT A 82/B 108).
Trần Kỳ Đồng dịch