Trước tác chính trị (các) [Đức: politische Schriften; Anh: political writings]
Xem thêm: Hiến pháp, Công dân thế giới (chủ nghĩa), Đào luyện [văn hóa], Chế độ Liên bang, Lịch sử, Hợp quần (tính), Nhà nước,
Kant đã đưa ra nhiều bước đi hướng đến triết học chính trị trong loạt bài giảng của ông về địa lý và nhân học, nhưng chỉ qua những bài báo cho tập san ủng hộ phong trào là Khai minh Berlinische Monatsschrift [Nguyệt san Berlin] từ giữa thập niên 1780 thì ông mới bắt đầu phát triển một triết học minh nhiên và công khai về chính trị. Những văn bản đầu tiên có thể được bao gồm dưới tiêu đề ấy là cuốn LSPQ và KMLF năm 1784. Cái trước xem việc đạt đến một “một xã hội dân sự có thể thực thi sự công bằng một cách phổ quát”, tức nối kết “sự tự do dưới những quy luật bên ngoài” với “sức mạnh không thể cưỡng lại”, như vấn đề khó khăn nhất và vấn đề sau cùng mà nhân loại phải giải quyết. Nó báo hiệu chủ đề chính yếu trong triết học chính trị của Kant, đó là mối quan hệ giữa một hiến pháp dân sự công bằng với nền hòa bình quốc tế. Trong KMLG, Kant vận động cho một vũ đài tranh luận chính trị rộng lớn nhất có thể có, góp phần trình bày rõ về một lĩnh vực dân sự công khai cho sự bàn luận các vấn đề chính trị.
Khuôn mẫu được xác lập trong những văn bản thời kỳ tiền-cách mạng này vẫn còn thấy trong những văn bản được viết sau Cách mạng Pháp (1789), quy chiếu đến những sự kiện tại Pháp với sự nhiệt tình có phê phán. Văn bản đầu tiên là cuốn PPNLPĐ, được các nhà bình giải như Arendt (1989) và Lyotard (1991) xem như chứa đựng cốt lõi triết học chính trị của Kant trong các nghiên cứu của nó về phán đoán phản tư. PPNLPĐ cũng chứa đựng những nhận xét thú vị trong Phần II về thể chế của nhà nước và xã hội dân sự (§ 83), cũng như những phản tư về cuộc Cách mạng Pháp (§ 65). Những đóng góp xa hon cho một triết học chính trị minh nhiên cũng được đưa ra trong LTTH (1793), và trên hết là trong HBVC (1795). Cuốn HBVC là phát biểu đáng xem xét nhất của Kant về bản tính cộng hòa của một hiến pháp dân sự công bằng, và những đóng góp của nó cho nền hòa bình thế giới; nếu được đọc cùng với những phần bàn về chính trị của SHHĐL (1797) thì sẽ mang lại một thức nhận rõ rệt về tính cách tự do nhưng chống-dân chủ của triết học chính trị của Kant.
Tuy nhiên, không nên giới hạn những nguồn suối cho triết học chính trị của Kant vào những khảo luận chính trị của ông. Những thức nhận chính trị [của Kant] xuyên suốt không những trong CSSĐ và PPLTTH mà còn cả trong PPLTTT, chúng thậm chí còn thể hiện rõ trong những sự can thiệp của Kant vào các định chế chính trị, chẳng hạn như sự can dự vào trường đại học trong XPK và sự can dự vào nhà thờ trong TG. Những hàm ý của các văn bản tựa như có tính chính trị đối với sự lý giải Kant nói chung đã được đưa ra trong tác phẩm gần đây, vốn tập trung vào những gì mà Lyotard đã mô tả như là “sựphê phán thứ tư” về lý tính chính trị-lịch sử. Điều này mang lại một quan niệm mới mẻ không những đối với triết học luân lý và triết học lý thuyết của Kant mà còn đến cả chính trị học về sự phê phán nói chung.
Huỳnh Trọng Khánh dịch