Có thể truyền thông (thông báo) (tính) [Đức: Mitteilbarkeit; Anh: communicability]
Xem thêm: Cảm năng học/Mỹ học, Lương thức/Cảm quan chung, Cộng đồng, Lịch sử, Sự vui sướng, Sở thích,
Tính có thể truyền thông là trung tâm của nhân học và triết học lịch sử của Kant, cũng như trong sự giải thích của ông về phán đoán thẩm mỹ về sở thích. Trong PĐ, ông mô tả “sự thôi thúc phải truyền thông” của con người đầu tiên, được thể hiện bằng các âm thanh có ý muốn “thông báo sự hiện diện của họ đến với những sinh vật bên ngoài mình” (tr. 110, tr. 222). Trong PPNLPĐ (§ 41), ông mô tả mục đích của lịch sử dựa vào sự tinh tế hóa năng lực ấy: “Rồi sau cùng, khi nền văn minh đạt đến đỉnh cao, sự quan tâm này biến công việc thông báo phổ biến hầu như thành công việc chính yếu của một xu hướng ham thích đã được tinh tế hóa; và toàn bộ giá trị của những cảm giác được đánh giá tùy theo mức độ chúng được thông báo phổ biến như thế nào”. Trạng thái truyền thông thuần túy này được báo trước trong hoạt động phản tư của sensus communis (cảm quan chung) hay “cảm quan công cộng” thoát ly khỏi nội dung của một phán đoán, chỉ quan tâm đến tính có thể truyền thông hình thức của nó. Điều này được đặt nền tảng trên, và cũng đặt nền tảng cho, mối quan hệ giữa trí tưởng tượng và giác tính, mà “không cần tới sự trung gian của một khái niệm” (§40), vốn là đặc điểm riêng có của phán đoán thẩm mỹ của sở thích. Kant cũng cho rằng sự quan tâm về tính có thể truyền thông có thể giải thích tại sao các phán đoán về sở thích được cho là bao hàm “một loại nghĩa vụ” nhưng lại không đặt cơ sở trên quy luật luân lý.
Các bình luận của Kant về tính có thể truyền thông ngày càng trở nên quan trọng đối với triết học thế kỷ XX. Các bình luận này xuyên suốt trong các nỗ lực của Arendt và Lyotard áp dụng mô hình phán đoán phản tư của Kant vào chính trị và nghệ thuật, cũng như sự cố gắng của Habermas muốn xác lập một đạo đức học truyền thông dựa trên cơ sở của một lý thuyết truyền thông về hành động (Habermas, 1981). Dựa theo sự luận giải của Kant, họ chỉ ra một kích thước của tính liên chủ thể làm cơ sở cho những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về phán đoán lý thuyết và phán đoán thực hành trong hai cuốn Phê phán đầu [của Kant].
Thánh Pháp dịch