Đối ứng không đồng dạng (các) [Đức: inkongruentes Gegenstück; Anh: incongruent counterparts]
Xem thêm: Trực quan, Định hướng (sự), Thời gian,
Các đối ứng không đồng dạng được Kant bàn kỹ nhất trong DB (1768), và là cốt lõi cho luận chứng của ông ủng hộ lý thuyết của Newton về không gian tuyệt đối chống lại quan niệm của những người thuộc trường phái Leibniz đương thời cho rằng không gian “cốt ở mối quan hệ bên ngoài của các phần vật chất tồn tại bên cạnh nhau” (tr. 383, 371). Kant lập luận rằng “sự xác định trọn vẹn của một hình thức vật chất cụ thể không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ và vị trí của những bộ phận của nó với nhau; mà còn phụ thuộc vào sự quy chiếu của hình thức vật lý ấy đến không gian tuyệt đối phổ quát” (tr. 381, 369). Một đối ứng của một đối tượng là một đối ứng đồng nhất với nó về định nghĩa và về các mối quan hệ nội tại của đối tượng, như ví dụ của Kant về bàn tay phải và bàn tay trái. Kant lập luận rằng thậm chí nếu các đối ứng là hoàn toàn giống nhau về mặt hình thức, thì vẫn còn một “sự khác biệt bên trong” cốt yếu có đặc điểm là bề mặt bao quanh cái này không thể bao quanh bề mặt cái kia” (tr. 383, 371). Sự khác biệt nội tại này liên hệ “một cách riêng biệt với không gian tuyệt đối và nguyên thủy” vì nó hẳn sẽ không thể giải thích được dựa trên những tiền đề về không gian tương đối của trường phái Leibniz. Kant vẫn giữ một sự quan tâm đến các luận cứ tô-pô học (topological) thậm chí sau khi ông bác bỏ khái niệm không gian tuyệt đối; các ý niệm về tính điều hướng (directionality) và sự định hướng được hàm ý trong bàn luận Kant về các đối ứng không đồng dạng được trình bày trong luận văn về sự định hướng (ĐHTD) và phù hợp với cách hiểu của Kant về không gian và hình học.
Nguyễn Văn Sướng dịch