Định hướng (sự) [Đức: Orientierung; Anh: orientation]
Xem thêm: Bộ chuẩn tắc, Lương thức/Cảm quan chung, Khái niệm phản tư, Đối ứng không đồng dạng, Phán đoán,
Những trước tác của Kant đầy những ẩn dụ được rút ra từ nghề hàng hải và thuật vẽ bản đồ về sự định hướng, nhưng đối với ông, khái niệm ấy có ý nghĩa nhiều hơn một hình thái tu từ tiện lợi. Nếu triết học phê phán được đọc như một bộ chuẩn tắc của Epicur để phân biệt giữa các phán đoán lý thuyết, luân lý và thẩm mỹ đúng hoặc không đúng, thì toàn bộ triết học của Kant có thể được đọc như một bài tập về sự định hướng cho phán đoán. Khái niệm sự định hướng được sử dụng trong triết học lý thuyết để đánh giá về sự sử dụng tư biện của lý tính về cái siêu-cảm tính. Trong L, sự định hướng được mô tả như sự sử dụng lương thức [cảm quan chung] như một “viên đá thử để phát hiện những sai lầm của sự sử dụng giác tính một cách giả tạo” (L, tr. 563). Trong bài viết “Was heisst im Denken orientieren?7“What is Orientation in Thinking?” [Sự định hướng trong tư duy là gì?] (1786), Kant rút ra một sự tương tự giữa định hướng trong không gian nhờ cảm nhận sự dị biệt giữa trái và phải với định hướng trong vương quốc siêu-cảm tính bằng “xúc cảm về một nhu cầu cố hữu trong bản thân lý tính” (ĐHTD, tr. 136, tr. 240). Do nhu cầu của lý tính, ta có thể được định hướng trong tư tưởng khi thừa nhận “cơ sở chủ quan cho việc tiền giả định và thừa nhận cái gì đó mà lý tính không thể cho rằng mình biết trên những cơ sở khách quan” (tr. 137, tr. 240-241). Sự định hướng này thừa nhận giá trị của những ý niệm của lý tính như là những nguyên tắc điều hành, trong khi phủ nhận rằng những ý niệm ấy có những đối tượng tương ứng. Mặc dù trong bài viết ấy, Kant tập trung vào mối quan hệ giữa những nhu cầu của lý tính với những khái niệm của giác tính, nhưng khái niệm “sự định hướng” cũng là khái niệm trung tâm đối với mối quan hệ giữa cảm năng và giác tính được xác định bởi “định vị học siêu nghiệm” (transcendental topic) được bàn trong phần phụ lục “Nhận xét về tính nước đôi của các khái niệm phản tư” của PPLTTT. Nó cũng được thấy rõ ràng trong nghiên cứu về việc thẩm tra những châm ngôn về tính phù hợp của chúng như là những nguyên tắc của hành động luân lý trong triết học thực hành.
Châu Văn Ninh dịch