Chủ nghĩa tư bản [Đức: Kapitalismus; Anh: Capitalism]
Một hình thái của xã hội, đặc trưng điển hình bởi công nghiệp hoá và chủ yếu dùng sự trao đổi thị trường để tổ chức việc phân phối hàng hoá và dịch vụ. Hình thái này được thực hiện bởi các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất đương đại và là hình thái kinh tế đang chi phối toàn cầu. Mối quan tâm cơ bản xuyên suốt các tác phẩm của Habermas, từ thập niên 1950 cho đến nay, đó là hình thành một miêu tả thoả đáng về chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Trong bài tiểu luận thời kỳ đầu, ‘Between philosophy and science: Marxism as critique’ /Giữa triết học và khoa học: Chủ nghĩa Marx ở vai trò phê phán, Habermas nhận diện bốn nét chủ yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại (1976a, tr. 195–198). Vào thế kỷ XX, vai trò của nhà nước được mở rộng thông qua việc nhà nước can thiệp vào nền kinh tế và chu cấp cho phúc lợi xã hội; trong khi kinh tế vẫn còn bất bình đẳng, nhưng không chỉ với giai cấp thống trị mà phần đông dân số cũng được hưởng một mức sống tương đối cao; những nền chính trị cách mạng của thế kỷ XIX phần lớn được thay thế bằng các đảng chính trị do sự mở rộng của dân chủ và quyền bỏ phiếu, vì thế không còn giai cấp mang tính cách mạng có thể nhận dạng rõ ràng; cách hiểu biết của chủ nghĩa tư bản về bản thân nó, đặc biệt trong giai đoạn hậu chiến, được phát sinh chủ yếu thông qua sự đối lập của nó với các hệ thống chính trị khác, nhất là với chủ nghĩa cộng sản kiểu Xô-viết. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản đương thời vững vàng hơn chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX. Một nền kinh tế có quản trị không còn chịu những chao đảo thê thảm giữa cơn bùng nổ và phá sản, vốn là đặc trưng của thị trường tự do thế kỷ XIX, sự sung túc tương đối về vật chất của phần đông dân chúng bảo đảm cho họ tiếp tục gắn kết với hệ thống tư bản.
Habermas khảo sát lịch sử xã hội của chủ nghĩa tư bản ở một trong những cuốn sách đầu tiên của ông, The Structural Transformation of the Public Sphere (1989a)/ Sự biến đổi cấu trúc của khu vực công), ít nhất là bằng sự phát triển của các tranh luận chính trị và sự hình thành của những ý hệ chính trị. Vào giữa thập niên 1960, mối quan tâm chính yếu của ông là vai trò mà khoa học và công nghệ đảm nhận trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, không chỉ trong việc thôi thúc sự mở rộng kinh tế, mà còn tới mức những mô hình cho việc tư duy về khoa học tự nhiên và công nghệ sẽ định hình việc hoạch định xã hội, và bắt đầu lan khắp những hoạt động và những trao đổi của những người dân thường vốn diễn ra hàng ngày ngoài xã hội (xem thuyết duy khoa học/scientism) (1971b). Legitimation Crisis (1976b; Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng) là tập sách nghiên cứu đầu tiên trong đó Habermas cố gắng xây dựng một mô hình toàn diện về chủ nghĩa tư bản đương đại. Ở đây Habermas đã rời xa nền tảng rộng lớn của chủ nghĩa Marx/Marxism nơi những tác phẩm thời trẻ của ông, để sử dụng lý thuyết hệ thống/systems theory của Niklaus Luhmann như là một nguồn lực chủ yếu để hiểu và phê phán chủ nghĩa tư bản. Ở một cấp độ nhất định, nghiên cứu này tiến hành bằng cách xem chủ nghĩa tư bản như một hệ thống/system xã hội, bao gồm bốn hệ thống con: hệ thống kinh tế; hệ thống hành chính của nhà nước có nhiệm vụ tổ chức và giữ ổn định xã hội như một toàn thể; sự hợp thức hoá hay chính đáng hoá/legitimation và hệ thống văn hoá, mà thông qua thiết chế giáo dục và văn hoá, tạo ra các ý nghĩa, giá trị cho các thành viên trong xã hội. Trong khi các mô hình xã hội theo chủ nghĩa Marx có xu hướng xem khủng hoảng/crisis kinh tế (như giảm năng suất, lợi nhuận hay thất nghiệp hàng loạt) là nguyên nhân trực tiếp và ngay lập tức gây mất ổn định tác động lên phần còn lại của xã hội, thì lý lẽ của Habermas lại cho rằng, trong chủ nghĩa tư bản đương đại, một khủng hoảng trong phạm vi một hệ thống con ít ra có thể được những hệ thống con khác hấp thu một phần. Vì vậy, ví dụ, ngày nay một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể được ngăn chặn thông qua sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào nền kinh tế đó, vừa ở vai trò nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ. Mặc dù vậy, nhà nước, đến lượt nó, cần đến sự hỗ trợ từ phía công dân, có nghĩa nó cần đến sự hợp thức hoá. Khi đó, một nền kinh tế suy thoái có thể lại làm hao mòn sự hỗ trợ đó. Vì thế, với Habermas, hệ thống hợp thức hoá có nhiệm vụ ngày càng khó khăn trong việc vận động người dân ủng hộ nhà nước, và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Habermas tin rằng, lý do mà nhiệm vụ hợp thức hoá này ngày càng trở nên khó khăn hơn là khi được giáo dục tốt hơn và vì vậy có hiểu biết hơn và tinh nhã hơn, những công dân này sẽ đòi hỏi sự biện minh hợp lý cho các hành động của chính phủ và nền kinh tế, cũng như không dễ bị mua chuộc bởi của cải vật chất, huống hồ gì đến những tuyên truyền hay hùng biện chính trị. Lịch sử phát triển liên tục về những phản kháng của giới trẻ và quần chúng chống lại chủ nghĩa tư bản, từ phong trào sinh viên năm 1968, đến sự kháng nghị cắt giảm vũ khí hạt nhân và sinh thái những năm 1970–1980, đến các cuộc biểu tình ở Hội nghị Thượng đỉnh G8 và kháng nghị chống chiến tranh vùng Vịnh những năm 1990 và trong thập kỷ đầu của thế kỷ mới, cùng với sự suy giảm dần tỷ lệ phiếu bầu của châu Âu, tính lãnh đạm lan rộng của công chúng và lối yếm thế về hoạt động chính trị có tổ chức, tất cả đều là bằng chứng cho luận điểm của Habermas.
Vì thế, trong khi ông từ bỏ một số yếu tố từ những mô hình giản đơn theo chủ nghĩa Marx về chủ nghĩa tư bản, Habermas tiếp tục xem chủ nghĩa tư bản như là một hình thái xã hội bị giày vò bởi những khủng hoảng, và như là một thứ bất ổn định xét về đường dài. Chính những cải thiện mà nó mang đến cho cuộc sống người dân, bằng nền giáo dục tốt hơn, công cuộc giải phóng chính trị to lớn hơn và sự an toàn vật chất trong thời gian dài, lại có thể cung cấp những căn cứ cho sự tra hỏi sâu rộng về những giá trị của chủ nghĩa tư bản và về sự tiếp tục những sự bất bình đẳng về vật chất và chính trị mà nó chấp nhận.
Habermas dựa vào sự phân tích này trong The Theory of Communicative Action (1984a và 1987; Lý thuyết về hành động giao tiếp). Trong khi Legitimation Crisis đã bắt đầu khảo sát mối quan hệ giữa cái mà Habermas gọi là hệ thống/system và thế giới đời sống/lifeworld, tức là giữa một bên là xã hội được trải nghiệm như một thế lực vô ý nghĩa, gần như mang tính tự nhiên vốn cưỡng ép và điều khiển những hành động cá nhân, và một bên là xã hội như là một địa hạt văn hoá đầy ý nghĩa, cuối cùng Habermas đã không hài lòng với phân tích được đưa ra. Chính quyển The Theory of Communicative Action mới làm cho mối quan hệ giữa hệ thống và thế giới đời sống trở thành trung tâm của sự phân tích và phê phán về chủ nghĩa tư bản đương đại. Habermas vay mượn và phát triển hai chủ đề của nhà xã hội học Max Weber: mất ý nghĩa và mất tự do.
Vì thế, đầu tiên, ông lập luận, như ông đã làm trong Legitimation Crisis, rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại cố gắng cung cấp những nguồn lực văn hoá qua đó đời sống trong chủ nghĩa tư bản có thể trở nên đầy ý nghĩa và đáng sống. Ở đây Habermas phát triển ý niệm của Weber về sự giải mị (Entzauberung / disenchantment) được thực hiện bằng việc gia tăng lý tưởng công cụ của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Weber cho rằng cách tổ chức hợp lý của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã rút hết phần ý nghĩa (và, dịch theo nghĩa đen, ma lực) ra khỏi đời sống xã hội (Weber, 1946a, tr. 148). Diễn đạt bằng thuật ngữ ‘hệ thống’ và ‘thế giới đời sống’, đó là luận cứ cho rằng các hệ thống kinh tế, đặc biệt là hành chính, vốn vận hành một cách công cụ, ở mặt tốt nhất là kiềm chế và ở mặt tồi tệ nhất là tích cực ngăn cản việc thảo luận về các giá trị, sẽ xâm nhập vào việc tổ chức đời sống hàng ngày của chúng ta, rút kiệt từ chúng ý nghĩa mà thế giới đời sống lẽ ra phải cung cấp. Do đó để ví dụ, với tư cách là một thầy giáo, tôi phải tăng cường sự liên hệ với những sinh viên của tôi với tư cách những khách hàng trả phí và được nhà nước bảo trợ. Những mệnh lệnh kinh tế và hành chính áp đặt lên trường đại học có nghĩa rằng, tôi có ít thời gian với sinh viên của tôi hơn, nhưng lại có nhiều mục tiêu và chỉ tiêu phấn đấu được mô tả chính xác hơn, mà đó là những thứ tôi phải hoàn thành trong quan hệ với họ. Vì vậy, càng lúc tôi càng ngừng đối xử họ như là những người mà tôi có thể tranh biện cùng về những chủ đề về triết học và lý thuyết xã hội. Chúng tôi không còn thời gian để thăm dò ý nghĩa của việc làm triết học. Thay vào đó, tôi cư xử với họ theo lối công cụ nhiều hơn, thao túng và nhồi nhét họ, để bảo đảm đáp ứng được những mục tiêu và chỉ tiêu phấn đấu được đặt trước và không thể chất vấn. Như thế, luận điểm của Habermas là trong tương tác xã hội của chúng ta, chúng ta ngày càng phản ứng với nhau theo lối công cụ, đoán biết trước những phản ứng của nhau và cố gắng thao túng hay khai thác cách cư xử của nhau không khác gì chúng ta dự đoán sự vận hành của máy bán đồ uống tự động. Điều này, ít nhất, phần nào có trong tâm trí Habermas với ý tưởng của ông về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonization of the lifewworld.
Nếu đây là trung tâm của việc đánh mất ý nghĩa, thì việc đánh mất tự do được Habermas phát triển từ ý tưởng của Weber về cái ‘lồng sắt của bộ máy công chức’ (Weber, 1976, tr. 181), hay sinh động hơn, từ hình ảnh về đời sống hiện đại của Franz Kafka trong tác phẩm Das Schloss (Lâu đài) hoặc trong Der Process (Vụ án). Các hệ thống xã hội, như các hệ thống hành chính của chính phủ hay các hãng thương mại, phát triển không nhất định theo những nhu cầu của khách hàng, mà đúng hơn là theo logic vốn có của bản thân chúng. Vì vậy, với tư cách là những sức mạnh xã hội không thể bị thách thức, chúng đi đến chỗ va chạm với những thành viên bình thường của xã hội và gia tăng cưỡng ép cách cư xử của những thành viên vào khuôn khổ trong những kênh được quy định cứng nhắc. Ví dụ, để đăng ký an sinh xã hội, và ngay cả để xin việc làm, tôi phải trình diện bản thân theo một cách nhất định. Đây không chỉ là vấn đề cách ăn mặc thích hợp hay có một cách nói thích hợp; tôi còn phải có một số bảo hiểm quốc gia (và vì thế đã bị nhận biết trong phạm vi sự quản trị quốc gia), một hồ sơ chuẩn về công việc trước đây, về thu nhập và các khoản tiền an sinh xã hội của tôi.
Mặc dù Habermas có nhận diện một loạt những bệnh lý định rõ đặc điểm của xã hội hiện đại, bao gồm việc thiếu hụt của hệ thống văn hoá để tạo ra ý nghĩa đầy đủ, việc mất mát những chuẩn mực hay giá trị hướng đạo trong xã hội, và những vấn đề ở cấp độ tâm lý học cá nhân và sự phát triển cá nhân (Habermas, 1987, tr. 143), nhưng ông không vẽ một bức tranh lạnh lẽo về chủ nghĩa tư bản đương đại như nhà tư tưởng của trường phái Frankfurt là Theodor Adorno đã làm (Adorno chính là người đã nói về ‘xã hội toàn quản’ [totally administered society]). Habermas từ chối chấp nhận chuyện có thể đàn áp hoàn toàn năng lực của những người bình thường trong việc tranh biện và thách thức, và vì thế ông tiếp tục tìm kiếm một tiềm lực phê phán các nguồn cơn chớm xuất hiện, và đề xuất rằng ta có thể tìm ra tiềm lực phê phán ấy trong phong trào Xanh (Green movement), và trong chính kiến về căn cước của giới nữ quyền luận, những người da màu, những nhóm người đồng tính nam và đồng tính nữ (Habermas, 1987, tr. 391–396). Trong những tác phẩm mới nhất về lý thuyết pháp luật, ông đưa vấn đề này đi xa hơn bằng việc khảo sát tiềm lực phê phán hiện diện trong công tác soạn thảo và áp dụng pháp luật trong những nền dân chủ lập hiến.