Mệnh lệnh nhất quyết [Đức: kategorischer Imperativ; Anh: categorical imperative]
Xem thêm: Như thể, Tự trị, Tự do, Dị trị, Mệnh lệnh, Quy luật, Châm ngôn, Triết học thực hành, Ý chí,
Không nghi ngờ gì, mệnh lệnh nhất quyết là một trong những phưong diện nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong triết học thực hành của Kant. Nó được lý giải đa dạng như: a) nguyên tắc của một triết học luân lý hình thức chủ nghĩa trống rỗng; b) một sự tán dưong đức hạnh (của nước) Phổ về việc tuân thủ tiếng gọi của nghĩa vụ một cách vô vị lợi; và c) nguyên tắc đặt nền tảng cho một nghiên cứu thuần lý, khách quan luận về hành động luân lý.
Đối với bản thân Kant, mệnh lệnh nhất quyết dường như nối kết hai tham vọng triết học có vẻ không nhất quán với nhau. Tham vọng đầu, khiêm tốn hon, nhằm xác lập mệnh lệnh nhất quyết như một nguyên tắc có tính chuẩn tắc (canonical) để phân biệt các châm ngôn của hành động, trong khi tham vọng sau lại nhìn mệnh lệnh nhất quyết như một phưong tiện để biện minh cho một nghiên cứu được đặt nền tảng trên phưong diện siêu hình học về tự do như sự tự trị của ý chí. Cuộc tranh cãi xảy ra sau đó là nhằm đánh giá sự nhất quán trong nghiên cứu của Kant về mệnh lệnh nhất quyết, và nhất là đánh giá xem liệu nó có đứng vững mà không cần phải có một siêu hình học về tự do.
Trước khi xem xét các phát biểu của Kant về mệnh lệnh nhất quyết trong CSSĐ và PPTTTH, có lẽ hữu ích là ta nên xác định xem “nhất quyết” [categorical] và “mệnh lệnh” [imperative] có nghĩa là gì. Kant định nghĩa một mệnh lệnh là “mệnh đề biểu lộ một hành động tự do có thể có, qua đó một mục đích nhất định sẽ được biến thành hiện thực” (T, tr. 587). Những phát biểu như vậy được đặt nền tảng trên một “loại tính tất yếu” vốn khác với loại tính tất yếu của các phát biểu lý thuyết; tức thay vì phát biểu sự việc là gì, chúng phát biểu sự việc phải là gì. Và chính vì có nhiều cách thức khác nhau để phát biểu cái “là” trong một mệnh đề, nên cũng có nhiều cách khác nhau đề phát biểu cái “phải là”. Đó là những hình thức khác nhau của mệnh lệnh, trong đó mệnh lệnh nhất quyết chỉ là một trường hợp đặc biệt và có đặc quyền.
Hình thức của tính tất yếu được biểu lộ qua cái “phải là” vốn có chung đối với mọi mệnh lệnh biểu lộ ra với Kant “mối quan hệ của một quy luật khách quan của lý tính với một ý chí không tất yếu bị quy định bởi quy luật ấy do sự cấu tạo chủ quan của nó” (CSSĐ, tr. 413, 24). Mệnh lệnh có thể mang tính giả thiết hoặc nhất quyết, mà sự phân biệt ấy phụ thuộc vào việc mối quan hệ của quy luật với ý chí có được hướng đến sự hoàn thành một mục đích hay không. Trong trường hợp các mệnh lệnh giả thiết, mối quan hệ được hướng đến việc hoàn thành một mục đích, còn trong trường hợp của các mệnh lệnh nhất quyết thì không. Hon nữa, Kant còn chia nhỏ các mệnh lệnh giả thiết dựa theo việc chúng có tính xác định hay có tính nghi vấn; tức là, liệu chúng được hướng đến một mục tiêu có thực hay một mục tiêu có thể có. Những nguyên tắc của một mệnh lệnh giả thiết hiện thực được mô tả như “các quy tắc của tài khéo” hay “các mệnh lệnh có tính cách kỹ thuật”, trong khi những quy tắc của một mệnh lệnh giả thiết khả hữu là “những lời khuyên của sự khôn ngoan” hay những mệnh lệnh thực dụng.
Rõ ràng là từ cả CSSĐ và PPLTTH, Kant xem truyền thống triết học luân lý đã được thừa nhận như mới chỉ khảo sát những hình thức của mệnh lệnh giả thiết mà thôi (xem ví dụ về bảng các Cổ sở của các nguyên tắc luân lý qua lịch sử trong PPLTTH, tr. 40, 41). Tất cả chúng đều đưa ra những phát biểu về hình thức “hành động để biến mục đích X nào đó thành hiện thực” (X = hạnh phúc, thiên phúc, sự vui sướng, phúc lợi, sự hoàn hảo, sự vinh quang của Thượng đế). Trái lại, mệnh lệnh nhất quyết biểu thị một hành động tất yếu phải làm “mà không quy chiếu đến bất kỳ mục đích nào” và chỉ liên quan đến “hình thức của hành động và nguyên tắc mà hành động ấy đi theo” (CSSĐ, tr. 416, 26). Trong trường hợp này, tính tất yếu liên kết quy luật khách quan với ý chí “được xem như một nguyên tắc thực hành tất nhiên” (tr. 415, 25).
Kant đưa ra nhiều điều kiện để giải thích tại sao mệnh lệnh này của quy luật lại được xem như có tính nhất quyết đối với một ý chí chủ quan. Điều kiện đầu tiên là nó có tính hình thức. Điều này nảy sinh từ việc nó không liên quan đến việc hiện thực hóa một mục đích đặc thù nào; mệnh lệnh nhất quyết “không liên quan đến chất liệu của hành động và kết quả mà nó nhắm đến, mà đúng hon chỉ liên quan đến hình thức của hành động và với nguyên tắc mà nó đi theo” (tr. 416, tr. 26). Điều kiện nữa đòi hỏi rằng mệnh lệnh nhất quyết phải được biết một cách trực tiếp, do đó dẫn đến điều kiện quan trọng nhất là mệnh lệnh nhất quyết phải nói lên tính phổ quát của quy luật. Điều này xuyên suốt sự phát biểu về cái mà Kant mô tả như một và chỉ một mệnh lệnh nhất quyết, đó là “Hãy hành động chỉ dựa theo châm ngôn nào [của ý chí của bạn] mà qua đó bạn lúc nào cũng đồng thời có thể muốn rằng nó phải trở thành một quy luật phổ quát” (tr. 421, tr. 30).
Kant sử dụng phát biểu này về mệnh lệnh nhất quyết như “bộ chuẩn tắc cho việc đánh giá bất kỳ hành động nào của chúng ta trên phưong diện luân lý” (tr. 424, tr. 32). Ông dùng nó để làm sáng tỏ những hành động được hoàn tất bên trong khuôn khổ của mệnh lệnh của nghĩa vụ. Những mệnh lệnh ấy là có tính nhất quyết khi chúng tuân thủ hình thức “Hãy hành động sao cho châm ngôn của hành động của bạn sẽ trở thành một quy luật phổ quát của tự nhiên thông qua ý chí của bạn” (tr. 421, tr. 30). Tuy nhiên, Kant không hài lòng với những kết quả đáng kể vốn có thể đã đạt được bằng việc sử dụng có tính chuẩn tắc này của mệnh lệnh nhất quyết. Bản thân mệnh lệnh nhất quyết phải được biện minh: cần thiết phải “chứng minh một cách tiên nghiệm rằng trên thực tế có một mệnh lệnh thuộc loại đó”. Nhưng không chỉ như vậy, mệnh lệnh nhất quyết còn được yêu cầu phải tỏ ra rằng “có một quy luật thực hành vốn tự nó ban bố mệnh lệnh một cách tuyệt đối và không có bất kỳ động Cổ nào, và việc tuân thủ quy luật ấy là nghĩa vụ” (tr. 435, tr. 33). Kết quả là, ông đã đặt một cái nêm chắn giữa quy luật thực hành với “đặc điểm đặc biệt của bản tính con người”, tưong đồng với cái nêm chắn giữa vưong quốc của noumena với vưong quốc của phenomena trong triết học lý thuyết của ông.
Việc cần phải chứng minh sự hiện hữu của mệnh lệnh đã dẫn trước hết đến việc tìm kiếm quy luật ban bố mệnh lệnh một cách tuyệt đối, rồi sau đó đến “cái gì đó như một mục đích tự thân vốn có thể là một cơ sở nền tảng cho các quy luật xác định” (tr. 428, tr. 35). Điều này sẽ hình thành cơ sở nền tảng cho cả quy luật thực hành lẫn mệnh lệnh nhất quyết. Kant chuyển hướng việc tìm kiếm một mục đích tự thân thành việc tìm kiếm các tồn tại có “giá trị tuyệt đối” mà bản thân họ chính là những mục đích tự thân. Ông nhanh chóng nhận diện những tồn tại này là “những nhân cách”(“persons”) và tiến hành rút tính phổ quát của mệnh lệnh nhất quyết ra “từ quan niệm về cái gì tất yếu là một mục đích cho tất cả mọi người vì mục đích ấy là một mục đích tự thân”. Công thức về mệnh lệnh này bây giờ đọc thành: “Hãy hành động theo cách nào đó sao cho bạn đối xử với con người [nhân cách], hoặc trong tư cách con người riêng của bạn hoặc trong tư cách người khác, luôn luôn cùng lúc đồng thời như một mục đích, chứ không bao giờ như một phương tiện” (tr. 429, tr. 36). Mệnh lệnh này sau đó được sử dụng một cách chuẩn tắc để phán đoán các châm ngôn xuyên suốt các trường hợp cụ thể.
Kant thừa nhận rằng việc chuyển sang một “Siêu hình học đức lý” là tất yếu để chống đỡ việc mệnh lệnh nhất quyết đặt triết học thuần túy thực hành vào một lập trường bấp bênh. Nguy cơ này được thúc đẩy bởi tầm quan trọng mà Kant đã gán cho khái niệm về tự do. Chính tự do đã cho phép có sự chuyển tiếp từ một “Siêu hình học về đức lý” đến một “Phê phán lý tính thực hành”, nhưng tự do được xem như là để biện minh, đồng thời lại được biện minh bằng mệnh lệnh nhất quyết. Điều này nảy sinh từ hai nghĩa mà Kant đã gán cho khái niệm về tự do. Ông phân biệt giữa tự do tiêu cực, tức tự do cốt yếu ở việc thoát khỏi “sự quy định của các nguyên nhân xa lạ” (sự dị trị), với tự do như sự tự trị, tức tự do cốt yếu ở việc một chủ thể mang lại cho chính mình quy luật riêng của mình. Cái sau cốt yếu ở việc ý chí vốn là một quy luật cho chính nó, tức không gì khác hơn là hành động dựa theo một châm ngôn có thể “cùng lúc đồng thời xem chính nó như một quy luật phổ quát cho đối tượng của nó” (tr. 447, tr. 49). Ý niệm về tự do như sự tự trị, vì thế, được phát hiện như cơ sở nền tảng cho mệnh lệnh nhất quyết, tức tiền giả định tất yếu được chúng ta ban bố cho chính bản thân chúng ta và những tồn tại có lý tính khác trong chừng mực chúng sở hữu một ý chí hoặc “ý thức về tính nhân quả [của chúng] đối với các hành động” (tr. 499, tr. 51). Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể được đảm bảo là sở hữu về tự do như vậy trong chừng mực chúng ta tạo ra các mệnh lệnh nhất quyết.
Chiều hướng của phê phán về mệnh lệnh nhất quyết bởi những người kế tục Kant được tổng kết tốt nhất nổi câu nói của Nietzsche là “mệnh lệnh nhất quyết có mùi cay nghiệt” (Nietzsche, 1887, tr. 65). [Theo Nietzsche], nỗ lực của Kant trong việc đặt nền tảng cho mệnh lệnh nhất quyết trong một khái niệm tích cực về tự do như sự tự trị đã thất bại, vì tự do và mệnh lệnh nhất quyết chỉ có thể được định nghĩa theo những cách thức manh tính phản ứng (reactive) như sự đàn áp hay loại trừ sự dị trị, những tình cảm và những xu hướng của con người. Phê phán này chỉ là một phát biểu cực đoan về một chiều hướng của sự phê phán được những phê phán của Hegel và Schopenhauer về mệnh lệnh nhất quyết mở đầu. Hegel, trong khi tán thành định nghĩa của Kant về tự do như sự tự trị của ý chí, nhưng lại xem việc phát biểu công thức luân lý của nó trong mệnh lệnh nhất quyết là mang tính hình thức và trừu tượng, dựa trên sự loại trừ “mọi nội dung và sự dị biệt hóa”. Schopenhauer tự xem mình đã “khai tử” cho mệnh lệnh nhất quyết và quy luật luân lý, và cùng với nó, là toàn bộ nỗ lực đặt nền tảng cho triết học thực hành trên sự tự do của ý chí. Các công trình gần đây về đạo đức học của Kant hầu hết đã thừa nhận những hoài nghi ấy về Cổ sở siêu hình học của mệnh lệnh nhất quyết, và đã tập trung vào việc sử dụng nó như một công thức có tính chuẩn tắc để thẩm tra các châm ngôn của hành động về phưong diện tính nhất quán và tính có thể phổ quát hóa của chúng (xem O’Neill, 1989).
Hoàng Phú Phương dịch