Cơ sở, Điều kiện và Giải thích (sự) [Đức: Grund, Bedingung und Erklärung; Anh: ground, condition and explanation]
Nghĩa gốc của Grund là “cơ sở, đáy, nền”, với ngụ ý rằng nó nâng đỡ những gì dựa vào nó. Hegel khai thác sự xuất hiện của nó trong những cụm từ thông thường như: zu Grunde gehen (nghĩa đen là “đi đến đáy” vì thế nói về một con tàu là “chìm”, và nói về người, v.v. là “bị phá sản, mục rữa”); zu Grunde richten (“đưa hay hướng đến đáy”, vì thế nghĩa là “làm chìm, hủy hoại, hủy diệt” một vật hay người); auf den Grund gehen (“đi đến đáy” của cái gì đó); im Grunde (“kỳ cùng, về nền tảng, nói nghiêm ngặt”); và von Grund aus (“từ dưới lên, xuyên suốt, triệt đê”). Grund cũng có nghĩa là (một) lý do (cho một hành động, niềm tin hay xúc cảm) và lý do nói chung (cho việc xuất hiện cái gì đó). Nó thường nằm trong một số từ ghép (chẳng hạn Grundsatz (nguyên tắc, tiên đề)) và mang lại hai động từ, gründen (auf) (đặt nền tảng (trên), xác lập, đặt cơ sở cho (cho những ý niệm)) và begründen (đặt nền tảng, xác lập, củng cố, bản thể hóa, mang lại lý do). Từ đối ứng với Grund là Folge (hệ luận, kết quả, từ động từ folgen (dẫn đến, đi theo)) hay das Begründete (“cái có cơ sở”, “cái được đặt cơ sở”).
Cơ sở (Grund) được các nhà huyền học, chẳng hạn Eckhart, sử dụng để chỉ BẢN CHẤT thâm sâu nhất của LINH HỒN, ở đó nó tiếp xúc với Thượng Đế. Eckhart cũng nói về Abgrund (“vực thẳm”) của Thượng Đế và linh hồn, và các nhà huyền học thời sau du nhập Ungrund (vô-cơ sở) và Urgrund (cơ sở nguyên thủy). Với Böhme, cái vô-cơ sở (Ungrund) là giai đoạn đầu tiên của tiến trình thần thánh, tức nhất thể vô-cơ sở, tự khép kín, cái này sau đó phát sinh ra cơ sở (Grund), tức giai đoạn hai. Schelling cũng quy đến “Sự ĐỒNG NHẤT tuyệt đối”, đi trước mọi cơ sở và sự hiện hữu, như Urgrund hay Ungrund.
Cách dùng triết học chuẩn về Grund (Cơ sở) là như sau: Grund là (1) một mệnh đề hàm chứa một mệnh đề thứ hai; (2) một lý do để tin cái gì đó; (3) lý do của một ai đó để tin cái gì đó; (4) sự kiện hay sự việc chịu trách nhiệm cho sự kiện hay sự việc khác; (5) một lý do để làm (hoặc không làm) cái gì đó; (6) lý do của một người để làm (hoặc không làm) cái gì đó (Beweggrund có nghĩa là “động cơ”). Trong mỗi trường hợp này, cơ sở có thể (hoặc không thể) là (lý do) đầy đủ (zureichend) để giải thích, mang lại lý do hay đặt cơ sở đầy đủ cho sự xuất hiện, mệnh đề, v.v. Vì vậy, Leibniz đưa ra “nguyên tắc lý do đầy đủ”: “không có gì xuất hiện mà không có một nguyên nhân hay ít nhất một lý do quy định nó”. Điều này được Leibniz, và những người theo ông như Wolff, áp dụng cho các mệnh đề, cũng như cho các sự kiện và sự việc: không mệnh đề nào là đúng trừ phi nó có một lý do đầy đủ, cho dù ta không nhận thức được lý do ấy Hegel mang lại cho nguyên tắc này một lý giải mới mẻ; đó là, tất cả mọi thứ không chỉ được xem xét đơn giản trong TÍNH TRựC TIẾP bề mặt của nó, mà còn được xem như được thiết định bởi cái gì đó khác, tức bởi cơ sở của nó. Dù vậy, việc xem sự vật đơn giản như có cơ sở, đối với Hegel, không hoàn toàn thỏa mãn. Ông phản bác nguyên tắc này vừa như một nguyên tắc giải thích vừa như một nguyên tắc nhận thức luận; ông tán thành cách dùng của Leibniz cho những giải thích MỤC ĐÍCH LUẬN, nhưng tin rằng điều này đã vượt khỏi quan niệm về một cơ sở để vươn đến những quan niệm về KHÁI NIỆM và về MỤC ĐÍCH.
Trong nghiên cứu chính của mình, trong KHLG, Hegel dùng chữ này với một dãy nghĩa rộng. Trước hết ông liên hệ những gì được đặt cơ sở với HÌNH THỨC và cơ sở với bản chất, chất liệu và nội dung. Đây là cơ sở TUYỆT ĐỐI: nó bắt đầu bằng việc là một Grundlage đơn thuần, tức một “lớp đáy hay thể nền, một cơ sở, một nền tảng”, vốn không đòi hỏi hay quy định bất kỳ loại hình thức hay siêu-cấu trúc đặc thù nào; nhưng nó kết thúc bằng cách sở đắc nội dung của chính mình, sao cho nó là cơ sở được quy định hay cơ sở nhất định, tức cơ sở của một (loại) hiện tượng đặc thù.
Nếu cơ sở chiếm được nội dung vốn phản ánh đầy đủ nội dung của hiện tượng mà nó đặt cơ sở, nó là một cơ sở “hình thức” và nó giải thích đầy đủ cho hiện tượng ấy. Nhưng một sự giải thích như thế (Erklärung - cũng là “ĐỊNH NGHĨA”), theo Hegel, là trùng phức hay lặp thừa (tautologisch/ Anh: tautologous): nó giải thích lý do thuốc phiện làm cho người ta ngủ mê là do khả năng gây mê của nó, nghĩa là, nó chỉ đơn giản mô tả lại hiện tượng mà nó cần giải thích. Trong HTHTT, cũng như trong KHLG, Hegel đã lập luận rằng những giải thích về các hiện tượng dựa vào một lực hút chẳng hạn là trùng phức và cho thấy việc Ý THỨC “tự độc thoại với chính mình”. Một cơ sở như thế không những đặt cơ sở cho hiện tượng, mà còn tự đặt cơ sở cho chính mình: nội dung của cơ sở hoàn toàn được rút ra từ nội dung của hiện tượng, và được đặt cơ sở nhận thức luận trong nội dung của hiện tượng.
Ở giai đoạn kế tiếp, tức giai đoạn của “cơ sở hiện thực”, thì cơ sở khác về nội dung với hiện tượng. Ở đây Hegel xem xét hai loại trường hợp. Thứ nhất, có các cơ sở khoa học, chẳng hạn lực hấp dẫn (và các cơ sở thần học, chẳng hạn, Thượng Đế), khác về nội dung với mọi hiện tượng đặc thù nhờ vào tính vô cùng đa dạng của các hiện tượng mà nó được cho là đã đặt cơ sở. Nhưng một cơ sở như thế, dù không trùng phức, cũng không giải thích được bất kỳ hiện tượng đặc thù nào, chính vì nó được mang ra để giải thích quá nhiều thứ: nó không thể giải thích tại sao hiện tượng xét như một toàn bộ là thuộc về loại này (chẳng hạn vận động của các hành tinh) chứ không phải thuộc loại khác (chẳng hạn thủy triều). Thứ hai, một phương diện của một hiện tượng thường được chọn ra như phương diện bản chất của nó, được cho là đặt cơ sở cho hiện tượng ấy xét như một toàn bộ, so với mọi phương diện khác của nó. Chẳng hạn, phương diện trì hoãn của sự TRỪNG PHẠT được xem như cơ sở, hay lý do, cho sự trừng phạt. Nhưng sự lựa chọn một phương diện như thế là tùy tiện, và mối quan hệ của phương diện ấy với các phương diện khác vẫn là BÂT TÂT và bên ngoài, trừ phi ta vượt khỏi phạm trù “cơ sở” và xem xét “khái niệm” về toàn bộ hiện tượng. Dưới đề mục này, Hegel cũng xem xét “Räsonnement [một từ có nghĩa xấu để chỉ sự “lý sự”] từ các cơ sở”, nghĩa là tìm kiếm các lý do để ủng hộ hoặc chống lại những hành động hay niềm tin. Những lý do như thế không bao giờ có tính kết luận: chẳng hạn sự bảo tồn mạng sống của một người là một lý do để trộm cắp hay trốn quân dịch, nhưng một lý do thuộc loại này chỉ là một trong nhiều lý lẽ theo hoặc chống, và nó không thể biện minh cho hành động nói trên được.
Lúc này một lỗ hổng đã xuất hiện giữa cơ sở và kết quả của nó, tức cơ sở đòi hỏi những điểu kiện nhất định nếu nó muốn có tác động. Một Bedingung (“điều kiện”) nguyên nghĩa là một thỏa thuận hay một điều khoản pháp lý, và vì thế nó là một điều kiện tất yếu lô-gíc, một mệnh đề nhất thiết phải đúng nếu mệnh đề khác là đúng, và cũng là một điều kiện
cần về mặt nhân quả. Động từ bedingen có nghĩa “đặt điều kiện, ước định, đòi hỏi (như một điều kiện để thành công) và cũng có nghĩa “gây ra, tạo ra (như một kết quả của những điều kiện nhất định)”.
Điều kiện thì khác với cơ sở. Chẳng hạn, đói là cơ sở hay lý do cho việc tôi ăn. Nó vừa mang lại một lý do cho việc ăn, vừa có xu hướng dẫn đến việc ăn nếu không có gì cản trở. Nhưng đói đơn thuần sẽ không làm tôi ăn trừ phi có những điều kiện được thỏa ứng, chẳng hạn có sẵn trái cây. Không như cơn đói của tôi, trái cây là một thực thể độc lập, có đó, và về thực chất là không quan hệ gì với việc tôi ăn: tự bản thân nó, trái cây không mang lại lý do gì để ăn và không có xu hướng dẫn đến việc ăn. Trái cây về thực chất không phải là một điều kiện cho việc ăn (của tôi), nhưng được biến thành một điều kiện cho việc ăn bởi tôi đang đói: trái cây bị cơn đói của tôi quy định hay “điều kiện hóa” (“bedingt”; Anh: conditioned) để trở thành một điều kiện cho việc tôi ăn. Nhưng một khi trái cây đã được điều kiện hóa như vậy và được tích hợp vào trong lĩnh vực của cơn đói của tôi, nó song hành với cơn đói của tôi: trái cây như được ham muốn mang lại một lý do cho việc ăn, và có xu hướng làm nảy sinh việc ăn. Cơn đói của tôi và trái cây được ham muốn là hai điều kiện cho việc tôi ăn, mỗi cái đơn thuần chỉ là một điều kiện cần, nhưng hợp lại thành cái TOÀN THỂ (Totalität) những điều kiện và vì thế đủ để tạo ra sự kiện hay sự VIỆC (Sache), tức ăn. Khi tôi ăn, những điều kiện của việc tôi ăn, tức trái cây và cơn đói, biến mất: chúng được hấp thụ hay bị VƯỢT BỎ thành việc ăn mà chúng đặt cơ sở hay TRUNG GIỚI, và vì thế, theo một nghĩa nào đó, là vô-điều kiện. Vì những điều kiện [có thể] được vượt bỏ, nên Hegel không đồng ý với quan niệm (thời đầu) của Schelling rằng cái gì đó có điều kiện hay bị đặt điều kiện (bedingt) chỉ khi nó là một VẬT (Ding).
Trong NHẬN THỨC, cũng như trong thế giới, Hegel tin rằng, cơ sở và các điều kiện bị vượt bỏ thành những gì chúng đặt cơ sở và đặt điều kiện: chẳng hạn một hệ thống triết học và một nhà nước chính trị đã phát triển hấp thu những điều kiện vật chất bên ngoài chúng, và cơ sở của chúng là cấu trúc lô-gíc công khai của chúng, chứ không phải là một nguyên tắc mà từ đó chúng bắt đầu hay là một bản chất nằm bên dưới.
Hoàng Phú Phương dịch