Luật, tuân theo (sự) [Đức: Gesetzmässigkeit; Anh: law, conformity to]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Mục đích, Tính hợp mục đích, Dị trị, Mệnh lệnh, Luật, Triết học thực hành,
Trong triết học thực hành của Kant, các quy luật và các mục đích cá biệt không thể được dùng như là các nguyên tắc để xác định ý chí vì chúng đưa các yếu tố dị trị vào phán đoán luân lý. Nguyên tắc phù hợp duy nhất là “sự tuân thủ có tính phổ quát đối với quy luật” hay “sự tuân theo quy luật xét như là quy luật” (tức không có bất cứ luật nào, xét như là cơ sở của nó, quy định những hành động đặc thù), được thể hiện trong công thức “Tôi không bao giờ làm gì ngoài cái cách sao cho tôi cũng có thể muốn phương châm của tôi trở thành một quy luật phổ quát” (CSSĐ, tr. 402, tr. 14). Nếu không có nguyên tắc này của ý chí thì nghĩa vụ chỉ là một “ảo tưởng cao ngạo” và là một “khái niệm hão huyền” (sđd.). Trong triết học lý thuyết, “sự tuân theo quy luật của tất cả các đối tượng của kinh nghiệm” xác định “phương diện mô thức của tự nhiên” bổ sung cho phương diện chất liệu của nó như là “toàn bộ mọi đối tượng của kinh nghiệm” (SL §16). “Sự tuân theo luật” này được giác tính “trao tặng” cho tự nhiên, làm cho cả kinh nghiệm lẫn đối tượng của kinh nghiệm trở nên có thể có được (PPLTTT A 126). Trong PPNLPĐ, mâu thuẫn bề ngoài của trí tưởng tượng, tức sự tự do và sự tuân theo luật, được giải quyết bởi “sự hài hòa chủ quan giữa trí tưởng tượng và giác tính mà không có một mục đích khách quan nào”. Trạng thái này mô tả “nguyên tắc chủ quan tiên nghiệm” của phán đoán sở thích được biết đến theo cách khác là “tính hợp mục đích không có mục đích” (PPNLPĐ §22, xem thêm §35).
Nguyễn Thị Thu Hà dịch