“Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý” [Đức: “Grundlegung zur Metaphysik der Sitten”; Anh: “Grounding for the Metaphysics of Morals”]
Được xuất bản vào năm 1785, CSSĐ là văn bản đầu tiên trong ba văn bản phê phán của Kant trong triết học luân lý. Tiếp theo sau nó là quyển Phê phán lý tính thực hành (1788) và Siêu hình học đức lý (1797). Nó bày tỏ một sự tuyên bố đầu tiên về những chủ đề chính trong triết học thực hành phê phán của Kant là nghĩa vụ, mệnh lệnh nhất quyết và ý chí tự do. Nó khác với PPLTTH trước hết ở phương pháp: phân tích chứ không phải tổng hợp. Nó bắt đầu với “kinh nghiệm thông thường” của luân lý như là điều đã biết và đi đến những nguồn suối của nó trong “nguyên tắc tối cao của luân lý”. Phương pháp phân tích dùng những sự mô tả để tổ chức nội dung văn bản, mà không đi theo sơ đồ phê phán của “Học thuyết về các yếu tố cơ bản” và “Học thuyết về Phương pháp ”. Nội dung được tổ chức thành ba phần, hai phần đầu gồm những sự chuyển tiếp từ “Nhận thức của lý trí thông thường về luân lý sang nhận thức triết học” và từ “Triết học luân lý phổ thông sang Siêu hình học về đức lý”. Phần thứ ba là “Bước chuyển cuối cùng từ Siêu hình học về đức lý đến Phê phán lý tính thực hành thuần túy”.
Mỗi một phần đều theo đuổi “Nguyên tắc tối cao của luân lý” bằng cách phê phán các nghiên cứu trước đó về nó và xác lập những điều kiện cho một “sự thiện chưa được xác định”. Sự thiện này được mô tả như một “ý chí thiện”, tuy nhiên ý chí này còn phụ thuộc vào “những hạn chế hay những cản trở chủ quan” được tập hợp lại dưới khái niệm về nghĩa vụ. Trong phần thứ nhất, Kant giải thích nguyên tắc này bằng lý lẽ ngụy biện phổ thông, trong phần thứ hai bằng cách phân tích những hình thức mệnh lệnh của cái “phải là” đi kèm với hành động luân lý. Ông phân biệt mệnh lệnh giả thiết với mệnh lệnh nhất quyết, trong khi chỉ xem cái sau mới có đủ tư cách là luân lý. Qua sự phân biệt này, ông có thể tiến hành phê phán những nghiên cứu triết học của những người đi trước về “nguyên tắc tối cao của luân lý”, cả nghiên cứu “thường nghiệm” lẫn nghiên cứu “thuần lý”, vì chúng đều dựa vào những hình thức của mệnh lệnh giả thiết. Chỉ có mệnh lệnh nhất quyết là hình thức tự trị của ý muốn có thể thẩm tra các châm ngôn về tính có thể phổ quát hóa của chúng. Phần thứ ba suy tưởng về tự do và sự tự trị khi cố gắng trả lời câu hỏi “Làm thế nào mệnh lệnh nhất quyết có thể có được?”. Ông kết luận rằng con người là thành viên của vưong quốc khả giác lẫn của vưong quốc khả niệm. Điều này có nghĩa là sự tự do của ý chí, như là một đặc tính của thế giới khả niệm, nói một cách nghiêm ngặt, là không-khả niệm xét theo những hình thức nhận thức có điều kiện về mặt cảm tính của ta. Vì vậy, tác phẩm kết luận với nhận xét hầu như có tính nan đề (aporetic) rằng: “cho dù ta không nắm bắt được tính tất yếu thực hành vô điều kiện của mệnh lệnh luân lý, nhưng ta thực sự nắm bắt được tính không thể quan niệm được của nó”.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch