Siêu hình học [Đức: Metaphysik; Anh: metaphysics]
Xem thêm: Vũ trụ học, Bản thể học, Tâm lý học, Thần học, Siêu nghiệm,
Siêu hình học là tên gọi cho bộ tập hợp các tác phẩm “sau Vật lý học” của Aristoteles vào thế kỷ I. Vào thời Aquinas, tiêu đề danh mục này được biến thành tên gọi của một môn khoa học tối cao, bao gồm các đối tượng như Thượng đế và các Thiên thần là những đối tượng “tồn tại không dựa trên vật chất”, và về những khái niệm như “bản thể, phẩm tính, hữu thể, tiềm thể, tác vụ, một và nhiều, và những thứ đại loại như thê” (Aquinas, 1986, tr. 14). Nó được gọi là siêu hình học hay “đệ nhất triết học” bởi lẽ nó “vượt khỏi vật lý học” vì “tất cả những ngành khoa học khác đều tiếp nhận những nguyên tắc từ nó, đến sau nó” (sđd., tr. 15). Trong giai đoạn trực tiếp trước Kant, nội dung của siêu hình học được bố trí thành bốn mục: thứ nhất là siêu hình học tổng quát hay bản thể học, mà như cách nói của siêu hình học Wolff là liên quan đến “Các cơ sở đầu tiên của Tri thức của ta và của Các sự vật Nói chung”; ba mục còn lại là đối tượng và các bộ môn khoa học của “siêu hình học chuyên biệt”, cụ thể là (a) linh hồn và tâm lý học, (b) thế giới và vũ trụ học, và (c) Thượng đế và thần học. Kant theo sát sơ đồ này trong PPLTTT, với phần “Phân tích pháp siêu nghiệm” xử lý một cách có phê phán về bản thể học và ba mục kia trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” xét ba bộ phận của siêu hình học chuyên biệt.
Việc Kant gắn với sơ đồ này cho thấy lý tính thuần túy mà ông đưa ra để phê phán không gì khác hơn là siêu hình học của trường phái Wolff. Ông vốn quen thuộc với truyền thống này qua những bài giảng hằng năm của ông bắt đầu từ học kỳ mùa đông 1755-56. Các bài giảng này dựa trên quyển Metaphysica [Siêu hình học 17347 của A.G. Baumgarten, một văn bản mà thực chất là theo triết học Wolff về hình thức lẫn nội dung. Trong PE (1764), Kant thừa nhận sự bất mãn sâu sắc với siêu hình học Wolff cùng với việc nó dựa vào nguyên tắc mâu thuẫn, cũng như bày tỏ sự không đồng ý nhưng có thiện cảm với sự phê phán của thuyết Pietist của Crusius về Wolff. Trong GM, Kant mô tả siêu hình học Wolff lẫn siêu hình học Crusius là “những mơ mộng hão huyền” (tr. 342, tr. 329), nhưng trong một dấu móc lửng [“ ”] đáng chú ý ông tuyên bố là tuy thế ông đã “đem lòng yêu” siêu hình học. Ông thấy có hai thuận lợi được môn khoa học này hứa hẹn: cái thứ nhất và ít hứa hẹn nhất chính là “siêu hình học có thể giải quyết những vấn đề do óc nghiên cứu đặt ra, khi nó sử dụng lý tính để dò tìm những thuộc tính sâu kín hơn của các sự vật”, và cái thứ hai tuy quan trọng nhất nhưng ít được đánh giá đúng đó là nó có thể giữ vai trò như là một “khoa học về những giới hạn của lý tính con người” (tr. 369, tr. 354). Cùng với sự thừa nhận rằng cho đến bấy giờ ông vẫn “chưa xác định giới hạn này cho chính xác”, Kant đã dự kiến dự án xác lập những giới hạn của lý tính con người, một dự án khiến ông bận tâm suốt 15 năm trời sau đó và đã được bàn thảo trong PPTTTT.
Phần Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất quyển PPTTTT bắt đầu bằng việc gợi ra một “[chủng] loại nhận thức” mà lý tính không thể bỏ qua, nhưng loại nhận thức này vượt khỏi các quan năng của lý tính và khiến cho lý tính rơi vào một tình trạng bối rối do sự tối tăm và mâu thuẫn. Nhận thức này là: siêu hình học, vốn là bà mệnh phụ Hecuba của mọi ngành khoa học, trước kia là nữ hoàng còn giờ đây bị lưu đày ra khỏi quê hương. Kant đề xuất một sự phê phán lý tính đối với loại nhận thức “mà lý tính muốn vươn đến một cách độc lập với kinh nghiệm” và qua sự phê phán ấy, ta có thể quyết định về “khả thể hay bất khả thể của một môn siêu hình học nói chung, và xác định không chỉ nguồn gốc mà cả phạm vi lẫn các giới hạn của môn học này” (PPLTTT, 12). Đối với Kant, siêu hình học được hợp thành từ “tri thức tổng hợp tiên nghiệm” “thêm vào cho khái niệm được cho những gì đã không chứa đựng sẵn trong nó” và có thể mở rộng nhận thức vượt khỏi các giới hạn của kinh nghiệm” (B 18). Vì thế môn học dự bị có tính phê phán đối với siêu hình học sẽ khảo sát những giới hạn đích thực của các phán đoán như thế để xác lập xem chúng có thể được mở rộng đến nhận thức về những đối tượng siêu hình học như Thượng đế, thế giới và linh hồn hay không. Kant sẽ kết luận rằng chúng không thể, nhưng điều này không khiến ông phải từ bỏ môn siêu hình học, mà đúng hơn, khiến ông phải đảm nhiệm việc xác định lại mục đích và phạm vi của môn học này.
Trong “Kiến trúc học của lý tính thuẫn túy”, chương gần cuối quyển PPLLTT, Kant mô tả siêu hình học là “sự phê phán về quan năng lý tính đối với mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm” và “sự trình bày có hệ thống về toàn bộ tri thức triết học - cả tri thức đúng đắn lẫn tri thức sai lầm, ảo tưởng, cả hai đều do lý tính thuần túy mang lại (A 841/B 869). Môn học sau có thể được phân chia dựa theo sự sử dụng tư biện và sự sử dụng thực hành của lý tính thành siêu hình học về tự nhiên và siêu hình học về đức lý (xem thêm CSSHH, tr. 388, tr. 1-2). Siêu hình học về tự nhiên bao hàm “những nguyên tắc của lý tính thuần túy chỉ dựa trên các khái niệm... tức toàn bộ nhận thức lý thuyết”; siêu hình học về đức lý bao hàm “các nguyên tắc xác định mọi hành vi (phải làm và không được làm) một cách tiên nghiệm và tất yếu” (A 841/B 869), được trình bày dựa theo sự sử dụng chúng một cách đúng đắn trong phần Phân tích pháp, và sự sử dụng một cách ảo tưởng trong phần Biện chứng pháp. Cả ba cùng nhau cấu thành siêu hình học, là môn học được Kant tiếp tục xem là đồng nghĩa với triết học hay với lòng yêu mến sự thông thái cũng như “sự phát triển hoàn toàn và trọn vẹn của lý tính con người” (A850/B878).
Đinh Hồng Phúc dịch
Siêu hình học đức lý [Đức: Metaphysik der Sitten; Anh: Metaphysics of Morals]
Siêu hình học đức lý là cuốn sách thứ ba trong các tác phẩm phê phán của Kant trong lĩnh vực triết học luân lý. Cuốn thứ nhất, CSSH, xuất bản năm 1785, đã phân tích “nguyên tắc tối cao của luân lý”. Cuốn thứ hai, PPLTTH, xuất bản năm 1788, đã biện hộ cho luân lý một cách tổng hợp. Trong khi đó, SHHĐL, xuất bản năm 1797, từ nguyên tắc về luân lý đã rút ra một “siêu hình học về đức lý”. Cùng với cuốn SHHTN, cuốn SHHĐL không trình bày toàn bộ hệ thống siêu hình học về luân lý mà chỉ trình bày “nguyên tắc thứ nhất”; trong SHHTN những nguyên tắc cơ bản này được liên kết với các khái niệm vật chất, trong cuốn SHHĐL chúng liên quan tới khái niệm pháp quyền và khái niệm đức hạnh. Tác phẩm được chia thành những nguyên tắc siêu hình học của “Học thuyết pháp quyền” và của “Học thuyết đức hạnh”. Cả hai tập hợp các nguyên tắc đều được rút ra từ sự tự do của ý chí và đối ứng của nó là nghĩa vụ, trong đó, những tập hợp các nguyên tắc về pháp quyền nhắm đến “những nghĩa vụ có thể thực hiện bằng những luật bên ngoài, còn hệ thống về Học thuyết đức hạnh (Đạo đức), bàn về những nghĩa vụ không thể được mang lại như vậy” (SHHĐL tr. 379, tr. 185). “Học thuyết pháp quyền” xét những luật tư pháp và công pháp: trong tư pháp, đi từ khái niệm chiếm hữu đến sở đắc, và xem sự sở đắc dưới ánh sáng của các quyền về sở hữu, khế ước và “pháp quyền gia đình”. Trong công pháp, Kant chuyển từ những quyền đối nội của các nhà nước sang “quyền các dân tộc”, tức những mối quan hệ đối ngoại của chúng, và sang một chương ngắn gọn về công pháp quốc tế. Những yếu tố cơ bản của “Học thuyết đức hạnh” tiếp theo đó được phân chia theo những nghĩa vụ đối với bản thân và những nghĩa vụ đối với người khác, trong khi “phương pháp của đạo đức” bàn về việc làm thế nào đức hạnh có thể sở đắc và truyền dạy được.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch
“Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý” [Đức: “Grundlegung zur Metaphysik der Sitten”; Anh: “Grounding for the Metaphysics of Morals”]
Được xuất bản vào năm 1785, CSSĐ là văn bản đầu tiên trong ba văn bản phê phán của Kant trong triết học luân lý. Tiếp theo sau nó là quyển Phê phán lý tính thực hành (1788) và Siêu hình học đức lý (1797). Nó bày tỏ một sự tuyên bố đầu tiên về những chủ đề chính trong triết học thực hành phê phán của Kant là nghĩa vụ, mệnh lệnh nhất quyết và ý chí tự do. Nó khác với PPLTTH trước hết ở phương pháp: phân tích chứ không phải tổng hợp. Nó bắt đầu với “kinh nghiệm thông thường” của luân lý như là điều đã biết và đi đến những nguồn suối của nó trong “nguyên tắc tối cao của luân lý”. Phương pháp phân tích dùng những sự mô tả để tổ chức nội dung văn bản, mà không đi theo sơ đồ phê phán của “Học thuyết về các yếu tố cơ bản” và “Học thuyết về Phương pháp ”. Nội dung được tổ chức thành ba phần, hai phần đầu gồm những sự chuyển tiếp từ “Nhận thức của lý trí thông thường về luân lý sang nhận thức triết học” và từ “Triết học luân lý phổ thông sang Siêu hình học về đức lý”. Phần thứ ba là “Bước chuyển cuối cùng từ Siêu hình học về đức lý đến Phê phán lý tính thực hành thuần túy”.
Mỗi một phần đều theo đuổi “Nguyên tắc tối cao của luân lý” bằng cách phê phán các nghiên cứu trước đó về nó và xác lập những điều kiện cho một “sự thiện chưa được xác định”. Sự thiện này được mô tả như một “ý chí thiện”, tuy nhiên ý chí này còn phụ thuộc vào “những hạn chế hay những cản trở chủ quan” được tập hợp lại dưới khái niệm về nghĩa vụ. Trong phần thứ nhất, Kant giải thích nguyên tắc này bằng lý lẽ ngụy biện phổ thông, trong phần thứ hai bằng cách phân tích những hình thức mệnh lệnh của cái “phải là” đi kèm với hành động luân lý. Ông phân biệt mệnh lệnh giả thiết với mệnh lệnh nhất quyết, trong khi chỉ xem cái sau mới có đủ tư cách là luân lý. Qua sự phân biệt này, ông có thể tiến hành phê phán những nghiên cứu triết học của những người đi trước về “nguyên tắc tối cao của luân lý”, cả nghiên cứu “thường nghiệm” lẫn nghiên cứu “thuần lý”, vì chúng đều dựa vào những hình thức của mệnh lệnh giả thiết. Chỉ có mệnh lệnh nhất quyết là hình thức tự trị của ý muốn có thể thẩm tra các châm ngôn về tính có thể phổ quát hóa của chúng. Phần thứ ba suy tưởng về tự do và sự tự trị khi cố gắng trả lời câu hỏi “Làm thế nào mệnh lệnh nhất quyết có thể có được?”. Ông kết luận rằng con người là thành viên của vưong quốc khả giác lẫn của vưong quốc khả niệm. Điều này có nghĩa là sự tự do của ý chí, như là một đặc tính của thế giới khả niệm, nói một cách nghiêm ngặt, là không-khả niệm xét theo những hình thức nhận thức có điều kiện về mặt cảm tính của ta. Vì vậy, tác phẩm kết luận với nhận xét hầu như có tính nan đề (aporetic) rằng: “cho dù ta không nắm bắt được tính tất yếu thực hành vô điều kiện của mệnh lệnh luân lý, nhưng ta thực sự nắm bắt được tính không thể quan niệm được của nó”.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch