Siêu hình học đức lý [Đức: Metaphysik der Sitten; Anh: Metaphysics of Morals]
Siêu hình học đức lý là cuốn sách thứ ba trong các tác phẩm phê phán của Kant trong lĩnh vực triết học luân lý. Cuốn thứ nhất, CSSH, xuất bản năm 1785, đã phân tích “nguyên tắc tối cao của luân lý”. Cuốn thứ hai, PPLTTH, xuất bản năm 1788, đã biện hộ cho luân lý một cách tổng hợp. Trong khi đó, SHHĐL, xuất bản năm 1797, từ nguyên tắc về luân lý đã rút ra một “siêu hình học về đức lý”. Cùng với cuốn SHHTN, cuốn SHHĐL không trình bày toàn bộ hệ thống siêu hình học về luân lý mà chỉ trình bày “nguyên tắc thứ nhất”; trong SHHTN những nguyên tắc cơ bản này được liên kết với các khái niệm vật chất, trong cuốn SHHĐL chúng liên quan tới khái niệm pháp quyền và khái niệm đức hạnh. Tác phẩm được chia thành những nguyên tắc siêu hình học của “Học thuyết pháp quyền” và của “Học thuyết đức hạnh”. Cả hai tập hợp các nguyên tắc đều được rút ra từ sự tự do của ý chí và đối ứng của nó là nghĩa vụ, trong đó, những tập hợp các nguyên tắc về pháp quyền nhắm đến “những nghĩa vụ có thể thực hiện bằng những luật bên ngoài, còn hệ thống về Học thuyết đức hạnh (Đạo đức), bàn về những nghĩa vụ không thể được mang lại như vậy” (SHHĐL tr. 379, tr. 185). “Học thuyết pháp quyền” xét những luật tư pháp và công pháp: trong tư pháp, đi từ khái niệm chiếm hữu đến sở đắc, và xem sự sở đắc dưới ánh sáng của các quyền về sở hữu, khế ước và “pháp quyền gia đình”. Trong công pháp, Kant chuyển từ những quyền đối nội của các nhà nước sang “quyền các dân tộc”, tức những mối quan hệ đối ngoại của chúng, và sang một chương ngắn gọn về công pháp quốc tế. Những yếu tố cơ bản của “Học thuyết đức hạnh” tiếp theo đó được phân chia theo những nghĩa vụ đối với bản thân và những nghĩa vụ đối với người khác, trong khi “phương pháp của đạo đức” bàn về việc làm thế nào đức hạnh có thể sở đắc và truyền dạy được.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch