Nguyên tắc của sự tổ chức [Đức: Organisationsprinzip; Anh: Principle of organisation]
Sự đặc trưng của các giai đoạn trong sự tiến hoá của xã hội con người, và nói rộng là tương đương với khái niệm ‘phương thức sản xuất’ (mode of production) của Marx, Habermas sử dụng thuật ngữ này trong Legitimation Crisis (Habermas, 1976b, tr. 16-17)/ Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng và trong sự phát triển lý thuyết về sự tiến hoá xã hội/social evolution (1979a, tr. 130–177). Bốn giai đoạn được xác định trong sự phát triển của xã hội con người là: thời kỳ cổ xưa; tiền văn minh; văn minh; và chủ nghĩa tư bản/capitalism. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi thiết chế cốt lõi của nó, nghĩa là phần (hay hệ thống-con/sub-system) của xã hội vốn nằm ở thế chi phối và mang lại cho xã hội đó đặc tính của nó. Trong các xã hội cổ xưa, thiết chế cốt lõi được thiết lập bởi các quan hệ thân tộc; trong cả hai giai đoạn tiền văn minh và văn minh, nhà nước đều chiếm ưu thế; và trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa, thiết chế cốt lõi là nền kinh tế. Do đó, các thiết chế cốt lõi xác định cách các cá nhân trong xã hội quan hệ với nhau. Trong xã hội cổ xưa, quan hệ chủ yếu là của các thành viên của các gia tộc và các dòng dõi; trong các xã hội văn minh, quan hệ thông qua các hệ thống thứ bậc chính trị, địa vị và thông qua hệ thống luật pháp của nhà nước; và trong xã hội tư bản, người ta quan hệ với nhau chủ yếu thông qua thị trường, như là những nhà sản xuất và người tiêu dùng của nền kinh tế. Hơn nữa, những mối quan hệ xã hội như thế sẽ được bện kết và được sự nâng đỡ bởi các thế giới quan, hay nói cách khác, bởi các chuẩn mực và giá trị riêng biệt trong đó các thành viên của xã hội được xã hội hoá.
Đối với lý thuyết của Habermas về sự tiến hoá xã hội, các nguyên tắc của sự tổ chức được hiểu như là tập các quy tắc chung và trừu tượng để mô tả mỗi giai đoạn của xã hội bằng khả năng học hỏi và thích nghi với những thách thức bên trong và bên ngoài.