Tâm phân học [Đức: Psychoanalyse; Anh: Psychoanalysis]
Cách tiếp cận để nghiên cứu về tâm trí, và để điều trị bệnh tâm thần, có mối liên hệ sát sao nhất với Sigmund Freud. Tâm phân học cung cấp cho Habermas mô hình quan trọng trong nghiên cứu thời trẻ của ông về lý thuyết phê phán/critical theory (Habermas, 1971a, tr. 246–300).
Bệnh nhân điển hình của tâm phân học tự bộc lộ ra với bác sĩ như mắc các triệu chứng có vẻ như thuộc về thể chất, chẳng hạn: tê liệt, đau đớn hay mất trí tạm thời. Tuy nhiên, nếu không có nguyên nhân thể chất nào được tìm thấy thì giả thiết của nhà tâm phân học là bệnh nhân đang tự tạo ra các triệu chứng. Quả vậy, triệu chứng là sản phẩm của hành động tự do của bệnh nhân, mặc dù bệnh nhân không thừa nhận như vậy. Điều này được giải thích thông qua việc viện dẫn đến mô hình về tâm trí xem như được phân chia thành ý thức và vô thức, và cơ chế của sự dồn nén. Bệnh nhân trải nghiệm một số sự cố gây chấn thương tâm lý. Anh ta không thể xử lý các sự cố đó một cách có ý thức, do đó dồn nén các sự cố này vào phần vô thức. Trong khi ý tưởng được liên kết với kinh nghiệm có thể bị dồn nén, thì Freud khẳng định rằng năng lượng vốn liên kết với ý tưởng sẽ tiếp tục tự thể hiện ra. Vì lẽ đó mà ta có các triệu chứng loạn thần kinh. Tuy nhiên, điểm tinh tế hơn cần nêu đó là các triệu chứng lại không phải là vô căn cứ hay võ đoán. Đúng hơn, chúng có thể được xem như các biểu hiện có tính biểu trưng của chấn thương gốc, dù rằng biểu trưng là nét tiêu biểu của ngôn ngữ và là riêng tư đối với bệnh nhân, chứ không phải là bộ phận của ngôn ngữ chung. Đây là phần của những gì làm cho nó không thể hiểu được đối với tâm trí có ý thức của bệnh nhân.
Điều này có thể được minh họa thông qua một trong những ca bệnh đầu tiên của Freud. Anna O. tự trình bày là mắc chứng suy giảm thị lực, tê liệt phía bên phải và mắc chứng sợ nước, cùng với những thời kỳ thất thường của các hành vi loạn thần và hoang tưởng. Freud và người hướng dẫn ông—Breuer có thể đã khai thác các thời kỳ của các hành vi bất thường này vì, trong những thời kỳ như thế, Anna O. thốt ra những lời mang đến manh mối cho nguồn gốc của tình trạng của cô. Do đó, chứng sợ nước được truy trở lại một dịp mà cô đã thấy con chó của cô bạn đồng hành uống nước từ một cái cốc. Việc này làm cô ghê tởm, nhưng quan trọng là sự ghê tởm này được thúc đẩy do sự ghét bỏ, vốn không được nhìn nhận, đối với cô bạn đồng hành hơn là bởi hành động của con chó. Một khi sự ghét bỏ đó có thể được nhận ra và được biểu đạt một cách có ý thức thì triệu chứng đã biến mất. Do đó chữa trị tâm phân học là chữa trị bằng nói chuyện, truy trở lại các triệu chứng cho đến sự kiện gốc, và thường cho phép công nhận có ý thức về những cảm xúc (chẳng hạn, ham muốn tình dục, lòng ghen tỵ hay sự hối tiếc) vốn không được biểu đạt trước đó.
Với Habermas, tâm phân học quan trọng trong chừng mực nó gợi ý cách để kết hợp các phương pháp của khoa học xã hội và khoa học tự nhiên bên trong lý thuyết phê phán, và bằng cách ấy dẫn đến khoa học giải phóng hay khai phóng/emancipatory. Bệnh nhân có vẻ chịu điều khiển bởi các lực tự nhiên, trong chừng mực các triệu chứng dường như có các nguyên nhân vật lý. Khoa học tự nhiên sẽ xem chúng như thế và tìm cách can thiệp vào cơ chế nhân quả ấy. Ngược lại, nhà tâm phân học nhìn nhận các triệu chứng như là ‘bản tính thứ hai’ (second nature), hay như là những hành động có tính chủ quan, dẫn đến chỗ tự trình hiện bản thân như một thực thể được xác định theo luật nhân quả. Vì vậy, nhiệm vụ của việc phân tích là giải phóng bệnh nhân khỏi các triệu chứng, phục hồi anh ta về trạng thái tự trị hoàn toàn. Kết quả là bệnh nhân lấy lại sự kiểm soát có ý thức về các hành động của mình. Để làm điều này, nhà phân tích sử dụng thông diễn học, hay kỹ thuật diễn giải, để cố gắng khôi phục ý nghĩa cho những triệu chứng tưởng như tự nhiên và vô nghĩa. Ý nghĩa ấy chính là trải nghiệm sang chấn nguyên thuỷ và sự phức hợp của những động lực và những cảm xúc tạo nên sang chấn như thế. Với Habermas, phê phán ý hệ/ideology critique sử dụng cách tiếp cận tương tự ở cấp độ xã hội, nhằm khôi phục sự tự trị chính trị của cộng đồng.
Đọc thêm: Freud, 1962; Keat, 1981