Nước đôi (tính) [Đức: Amphibolie; Anh: amphiboly]
Xem thêm: Khái niệm phản tư, Cảm năng, Giác tính,
Là một thuật ngữ được rút ra từ môn tu từ học cổ điển, tính nước đôi biểu thị sự mơ hồ nước đôi nảy sinh từ sự tổ chức lập lờ trong một sự diễn đạt bằng các thuật ngữ vốn không mập mờ. Trong Những phản bác ngụy biện của Aristoteles, nó là một trong sáu hình thức ngụy biện triết học nảy sinh từ sự lạm dụng ngôn ngữ một cách ngụy biện (Aristoteles, 1941, 165b). Đối với Kant, “tính nước đôi của các khái niệm phản tư” nảy sinh hoặc khi sự sử dụng thường nghiệm của giác tính bị lẫn lộn với sự sử dụng siêu nghiệm, hoặc khi một khái niệm phản tư vốn có thể áp dụng riêng cho cảm năng hoặc giác tính lại được áp dụng không thích hợp cho cái kia hoặc cho cả hai (PPLTTT A 260/ B 316).
Hầu hết lập luận của Kant trong PPLTTT đều nhằm chống lại sự sử dụng nước đôi các khái niệm phản tư như đồng nhất/ dị biệt, nhất trí/đối lập, bên trong/ bên ngoài, cái bị quy định/ cái quy định (chất thêVmô thức) (PPLTTT A 261/ B 317). Đó là những khái niệm có tính định hướng vốn được sử dụng trước khi “hình thành mọi phán đoán khách quan” (A 261/ B 317), Kant lập luận rằng bản thân chúng phải được định hướng đúng đắn thông qua sự phản tư siêu nghiệm: điều này quy mỗi sự sử dụng một khái niệm phản tư về cho quan năng nhận thức đích thực của nó. Chẳng hạn, khi nói về sự đồng nhất và dị biệt, ta cần phân biệt giữa sự áp dụng rõ ràng có tính khái niệm với sự áp dụng có tính trực quan của chúng, vì “các điều kiện của trực quan cảm tính kéo theo các sự khác nhau của riêng chúng” (A 270/ B 326). Vì thế, sự thất bại trong việc phân biệt giữa lĩnh vực khả giác và khả niệm của sự áp dụng sẽ dẫn đến một tính nước đôi siêu nghiệm, nhầm lẫn “một đối tượng của giác tính thuần túy với hiện tượng” và làm phát sinh các nguyên tắc tổng hợp không chính đáng của nhận thức.
Kant cho rằng triết học của cả Leibniz lẫn Locke đều là mổ hồ nước đôi. Leibniz đã áp dụng các khái niệm phản tư riêng có của giác tính vào cảm năng, và vì thế “đã trí tuệ hóa các hiện tượng”, trong khi Locke, trong nghiên cứu của ông về sự trừu tượng hóa khái niệm, “đã cảm tính hóa những khái niệm của giác tính” (A 271/ B 327). Kant tìm bước đi khó khăn giữa hai lập trường, khẳng quyết rằng các khái niệm riêng có của cảm năng và giác tính phải được phân biệt trong khi xem nhận thức như nảy sinh từ sự nối kết chính đáng của chúng trong các nguyên tắc tổng hợp tiên nghiệm được biện minh đúng cách. Toàn bộ triết học phê phán đặt cược vào sự tồn tại của các nguyên tắc không có tính nước đôi như thế, và tôn trọng những sự khác biệt riêng có của khái niệm và trực quan trong khi vẫn nối kết chúng lại với nhau.
Phân tích của Kant về tính nước đôi lại trở nên thời sự trong “triết học về sự khác biệt” cuối thế kỷ XX, nổi những triết gia như Deleuze (1968), Derrida (1967, 1972), Irigaray (1984) và những người khác. Các nhà phê bình phong trào triết học này như Rose (1984) cho rằng nó như dựa trên một sự sử dụng nước đôi về “sự khác biệt”, xóa bỏ những sự phân biệt có nền tảng lịch sử lâu đời giữa khái niệm và trực quan.
Châu Văn Ninh dịch