Nguyên tắc cấu tạo (các) [Đức: konstitutive Prinzipien; Anh: constitutive principles]
Xem thêm: Ý niệm (các), Nguyên lý (các), Quy tắc (các),
Các nguyên tắc cấu tạo “tìm cách đưa sự tồn tại của các hiện tượng vào dưới các quy luật một cách tiên nghiệm” (PPLTTT A 179/ B 221) và, trong PPLTTT, được phân biệt với các nguyên tắc điều hành, là những nguyên tắc đưa ra các quy tắc “dựa vào đó một sự thống nhất của kinh nghiệm có thể nảy sinh từ tri giác” (PPLTTT A 180/B 223). Kant sử dụng sự phân biệt này khi bàn về “các nguyên tắc của lý tính thuần túy” và “các ý thể siêu nghiệm”. Trong bốn nguyên tắc, chỉ có các tiên đề của trực quan và những dự đoán của tri giác là có tính cấu tạo, trong chừng mực chúng mô tả các phương cách mà “tri giác hay bản thân trực quan thường nghiệm nói chung xảy ra”. Các loại suy của kinh nghiệm và các định đề của tư duy thường nghiệm đưa ra các quy tắc dựa vào đó kinh nghiệm có thể được tổ chức; không giống như các nguyên tắc cấu tạo trước đó, các định đề của tư duy thường nghiệm không tiến hành việc cấu tạo nên các hiện tượng, mà chỉ là những phương cách trong đó các hiện tượng có thể được điều hành. Cũng giống như thế, các ý niệm vũ trụ học về sự khởi đầu của vũ trụ và tính có thể phân chia của nó không mang tính cấu tạo mà mang tính điều hành, “tuy không thể như một tiên đề [cho phép ta] suy tưởng cái toàn thể như là tồn tại hiện thực trong đối tượng - mà như một vấn đề đặt ra cho giác tính” (PPLTTT A 508/ B 536). Nguyên tắc của lý tính quy thoái từ cái có điều kiện đến cái vô điều kiện không mang tính cấu tạo “nhằm mở rộng khái niệm của ta về thế giới cảm tính ra khỏi mọi kinh nghiệm khả hữu”, mà là một quy tắc “nêu thành định đề những gì ta cần phải làm trong quá trình quy thoái, chứ không dự đoán những gì hiện diện một cách tự thân ở bên trong đối tượng trước mọi sự quy thoái” (PPLTTT A 509/ B 537).
Toàn bộ phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” trong PPLTTT có thể được xét như một phân tích về những gì xảy ra khi các ý niệm điều hành được vận dụng theo kiểu cấu tạo. Khi các ý niệm của lý tính như Thượng đế, thế giới và linh hồn được sử dụng một cách cấu tạo “như là mang lại những khái niệm về những đối tượng nhất định nào đó, chúng chỉ là những khái niệm ngụy biện (biện chứng) đơn thuần, mạo danh lý tính” (PPLTTT A 644/ B 672) và đi đến chỗ xung đột nhau (xem thêm A 666/ B 694). Khi bị sử dụng một cách cấu tạo, các ý niệm được ban cho một sự tồn tại ảo tưởng; tuy nhiên, khi chúng được hạn chế vào việc sử dụng điều hành riêng của chúng, thì các ý niệm này chỉ dùng để hướng “giác tính đến một mục tiêu nào đó, và trong viễn tượng hướng về mục tiêu ấy, những con đường do tất cả các quy tắc của giác tính vạch ra sẽ đều quy về một giao điểm; - tuy chỉ là một ý niệm (focus imaginarius - tiêu điểm tưởng tượng), - tức là, một điểm, từ đó những khái niệm của giác tính không thể thực sự lấy làm điểm xuất phát được vì nó hoàn toàn nằm bên ngoài các ranh giới của kinh nghiệm khả hữu” (PPLTTT A 644/B 672). Nói cách khác, các nguyên tắc và các ý niệm điều hành góp phần định hướng giác tính mà không yêu sách phải cấu tạo một đối tượng, cũng như không trực tiếp góp phần vào nhận thức.
Đinh Hồng Phúc dịch