Địa lý học [Đức: Geographie; Anh: geography]
Xem thêm: Nhân loại học từ giác độ thực tiễn, Sử học,
Trong Thông cáo về chương trình bài giảng của ông trong học kỳ mùa đông 1765-1766, Kant cho biết ông đã cố gắng như thế nào trong giai đoạn khởi nghiệp để mang lại cho sinh viên “sự nhận thức và các vấn đề lịch sử có thể bù đắp cho sự thiếu kinh nghiệm của họ”, ông làm như thế bằng một giáo trình về địa lý học tự nhiên; giáo trình này đã phản ánh mối quan tâm của ông trong những năm 1750 về các vấn đề như lý do của những thay đổi trong sự quay của trái đất, niên đại của trái đất và những nguyên nhân của động đất. Vào năm 1765, ông chia chủ đề bài giảng của ông thành địa lý học tự nhiên, địa lý học luân lý và địa lý học chính trị. Chủ đề thứ nhất bàn về “mối quan hệ tự nhiên giữa tất cả các quốc gia và các vùng biển trong thế giới”, chủ đề thứ hai bàn về “con người” và chủ đề thứ ba về sự tương tác của cả hai trong “điều kiện của các nhà nước và các dân tộc trên toàn thế giới” (tr. 312, tr. 299). Trong quá trình giảng dạy về sau, phần thứ hai của giáo trình được tách ra để làm thành những bài giảng về nhân học. Phần này sau đó được xuất bản vào năm 1789 với tên là Anthropologie in pragmatischer Hinsicht (Nhân học từ giác độ thực tiễn), còn những bài giảng về địa lý học tự nhiên sau đó được công bố với nhan đề là Physische Geographie (Địa lý học tự nhiên) do ET. von Rink ấn hành năm 1802.
Trong phần dẫn nhập cho các bài giảng về địa lý học tự nhiên, Kant mô tả chủ đề của ông là bổ sung thêm cho nhân học như là một phần của sự nhận thức về thế giới. Ông dành cho nhân học tất cả những gì được bộc lộ ra cho giác quan bên trong hay “linh hồn của con người”, trong khi địa lý học tự nhiên bàn về những đối tượng của giác quan bên ngoài hay “tri thức về tự nhiên... hay mô tả về trái đất”. Kant cũng phân biệt địa lý học với sử học, lần này bằng sự mô tả về thời gian và không gian: sử học bàn về các biến cố lần lượt diễn ra theo thời gian, địa lý học thì bàn về “những hiện tượng dưới phương diện không gian đang diễn ra một cách đồng thời”. Tuy nhiên, địa lý học tự nhiên là nền tảng của sử học, cũng như của tất cả những hình thức địa lý học mà Kant liệt kê ra như: “địa lý học toán học”, “địa lý học luân lý”, “địa lý học chính trị”, “địa lý học thương mại” và “địa lý học thần học”. Thêm vào cho cách xử lý minh nhiên này về địa lý học trong các bài giảng của ông, cũng lý thú khi ta lưu ý đến việc Kant sử dụng các thuật ngữ và các ẩn dụ địa lý học ở trong các tác phẩm triết học theo nghĩa chặt chẽ hon của ông.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch