Hợp lý hoá thế giới đời sống (sự) [Đức: Rationalisierung der Lebenswelt; Anh: Rationalisation of the lifeworld]
Tiến trình xem xét lại và biện minh một cách phê phán các niềm tin và kỹ năng hàng ngày mà những người bình thường cho là điều hiển nhiên. Sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được xem như bộ phận cấu thành của sự tiến hoá xã hội/social evolution, khi các thành viên của xã hội phản ứng với những thách thức hoặc là tác động đến riêng cá nhân họ, hoặc là tác động đến xã hội như là toàn bộ, và theo cách ấy kích thích tiến trình học hỏi làm tăng năng lực giải quyết các vấn đề của họ. Trong khi phần nào đó của ý tưởng này bắt đầu xuất hiện trong Legitimation Crisis (Habermas, 1976b/ Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng, thì Habermas sẽ phát triển nó một cách đầy đủ trong The Theory of Communicative Action (198a, tr. 143–271; 1987, tr. 113–197/ Lý thuyết về hành động giao tiếp.
Ý tưởng cơ bản đằng sau sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được hiểu thông qua quy chiếu đến thuyết dụng hành/pragmatism. Trong khi phát triển triết học dụng hành của mình, Charles Peirce đã cho rằng con người học hỏi không chỉ thông qua sự phản tư trừu tượng (như các triết gia kể từ René Descartes ở thế kỷ XVII đã tưởng), mà đúng ra là thông qua việc phản ứng với những vấn đề cụ thể. Tôi dựng hàng rào gỗ. Tôi cố nện búa, nhưng những chiếc đinh tôi sử dụng lại bị cong. Tôi đang phải đối mặt với vấn đề thực tế, và phải dừng lại và suy nghĩ để giải quyết nó. Có thể kỹ thuật đóng đinh của tôi bị sai. Có thể chiếc búa của tôi quá nặng, hay những chiếc đinh quá yếu hay gỗ quá cứng. Chuỗi các thử nghiệm thực tế với các kỹ thuật, những cây búa và những chiếc đinh khác nhau hy vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề. Một khi giải quyết xong, tôi sẽ học được điều gì đó mới mẻ. Tôi sẽ được trang bị tốt hơn một chút để giải quyết những vấn đề trong tương lai. Nhưng, quan trọng là thí dụ nhỏ này chỉ ra rằng tôi thường học những điều mới mẻ bởi vì tôi cần đến nó. Tôi học hỏi trong các tình huống cụ thể, và trong sự phản ứng với các vấn đề cấp bách. Kỳ cùng, tôi học bằng cách tra vấn một số niềm tin (chẳng hạn, về những kỹ năng của tôi với tư cách thợ đập búa, về những chiếc búa, những chiếc đinh và gỗ) mà tôi cho là điều hiển nhiên trước đó. Đến nay những niềm tin được cho là hiển nhiên đã phục vụ tôi khá tốt, và do đó tôi không phải bận tâm về chúng. Tôi chỉ suy nghĩ về chúng khi chúng dường như bỏ rơi tôi.
Những niềm tin được cho là hiển nhiên về các kỹ thuật xây dựng là một phần của thế giới đời sống/lifeworld của tôi, cùng với nhiều năng lực thực hành khác cho phép tôi điều hướng thế giới xã hội một cách an toàn (chẳng hạn, làm thế nào để mở cửa, tuân theo đèn giao thông, nộp thuế phí); cùng với các giá trị đạo đức, chính trị và thẩm mỹ; và cùng với những niềm tin, sự ưa thích và cảm thức về bản sắc của chính mình. Sự hợp lý hoá thế giới đời sống diễn ra khi những niềm tin này phải chịu tra vấn, và cho dù những cá nhân sẽ thực hiện việc tra vấn này, thì sự hợp lý hoá thế giới đời sống vẫn rõ ràng ở cấp độ của nền văn hoá (và vì thế ở cấp độ rộng rãi của những niềm tin và năng lực khả dụng đối với những người có khả năng xã hội hoá cao và có năng lực trong xã hội đặc thù ấy).
Điểm cốt lõi của Habermas là việc tra vấn những niềm tin được cho là hiển nhiên không chỉ là tiến trình đơn thuần ngẫu nhiên hay vô tổ chức. Sự hợp lý hoá có xu hướng rõ ràng là hướng tới sự trừu tượng được gia tăng, và tới sự dị biệt hoá/differentiation của các loại vấn đề và năng lực đặc thù. Ở đây, một phần Habermas tiếp thu, và sửa đổi rất nhiều, các luận cứ của nhà xã hội học Đức Max Weber về những gì được ông xem như là các quá trình toàn cầu của sự hợp lý hoá và ‘sự giải mị’ (Entzauberung / disenchantment). Theo Weber, tính ưu việt của văn hoá phương Tây nằm ở chỗ nó có tính hợp lý lớn hơn. Điều này một phần được thể hiện trong sự sử dụng nhiều hơn và nhất quán hơn lý tính công cụ/instrumental reason, không chỉ thông qua nền công nghệ có hiệu quả cao mà còn thông qua hiệu quả quản trị và tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp và đạo đức hợp lý nhất quán và thậm chí cả nền nghệ thuật hợp lý (Weber 1976: 13-23). Khi là quá trình ‘giải mị’, điều này dẫn đến chỗ các xã hội phương Tây hiện đại càng ngày càng ít tin tưởng vào ma thuật, tôn giáo và các niềm tin và giá trị truyền thống khác. Trong khi Habermas đồng ý với Weber một phần nào đó khái niệm sự giải mị, ít nhất trong chừng mực sự hợp lý hoá dẫn đến việc tra vấn các nội dung được cho là hiển nhiên về thế giới đời sống, thì ông bất đồng với Weber ở hai điểm chính. Thứ nhất, các nội dung của thế giới đời sống có thể không bao giờ hoàn toàn bị xói mòn. Trong khi các niềm tin và các giá trị thế tục có thể chiếm ưu thế khi các xã hội trở nên hợp lý hơn, tất cả các loại niềm tin và giá trị vẫn quan trọng trong việc thúc đẩy người dân và mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của họ. (Phần nào đó của điều này thực sự được thừa nhận trong khái niệm của Weber về ‘tính hợp lý của giá trị’ (value rationality), ở đó các hành động của ta được thực hiện nhất quán với tập các giá trị căn bản). Thứ hai, Weber có xu hướng tập trung vào tính hợp lý công cụ. Theo Habermas, tất cả sự phát triển quan trọng nằm ở sự tinh lọc lý tính giao tiếp/communicative reason, và trong sự thừa nhận rằng các quá trình hợp lý hoá thích hợp cho việc phản tư và thách thức những niềm tin trong khoa học và công nghệ là không giống với những gì thích hợp cho các vấn đề đạo đức và luật pháp, hay cho các câu hỏi về tự nhận thức.
Vì thế sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được xem như dẫn đến sự dị biệt hoá các yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claims. Tức là khi sự hợp lý hoá diễn ra, người dân trong phạm vi nền văn hoá càng ngày càng nhận thức sự khác biệt giữa những câu hỏi về chân lý của các niềm tin của họ, những câu hỏi về đạo đức và sự công chính, với những tra vấn về sự tự biểu hiện của họ. Habermas đề nghị chúng ta tưởng tượng về một xã hội quy mô nhỏ bị thống trị bởi một tôn giáo duy nhất hoặc thế giới quan ma thuật (1987, tr. 87ff). Ông cho rằng, trong xã hội như vậy, thế giới quan sẽ trả lời mọi câu hỏi vốn thường có thể gây rắc rối cho các tín đồ của nó. Vũ trụ luận sẽ giải thích nguồn gốc và bản chất của các thế giới vật lý và xã hội (do đó giải đáp tra vấn về chân lý); nó sẽ giải thích tại sao thế giới hiện hữu và người ta nên giữ vai trò gì trong đó (và vì thế giải quyết các vấn đề về đạo đức); và cuối cùng nó sẽ nói với những người này, họ là ai (như những người trung thành với hệ thống niềm tin đó và có lẽ như những người nối dõi của những vị thần đặc thù này). Khi xã hội phát triển phức tạp hơn, và khi nó đối mặt với nhiều thách thức khắt khe hơn, những câu trả lời này ngày càng bị lộ ra là không thoả đáng. Sẽ không còn thoả đáng để biện minh cho việc sử dụng một công nghệ nhất định bằng cách nói rằng đó là cách tiền nhân đã dạy cho chúng ta. Tiếp tục sử dụng công nghệ không phù hợp có thể dẫn đến sự đói nghèo của cả nhóm. Một cách tương tự, khi xã hội phát triển về kích cỡ và bao gồm những người càng ngày càng đa dạng, những tra vấn về đạo đức và công lý càng trở nên cấp bách hơn. Các phương thức thực hành truyền thống của phán xử và hình phạt sẽ một lần nữa đòi hỏi sự biện minh, chẳng hạn bằng tính nhất quán của chúng (tất cả mọi người có được đối xử như nhau hay không?) và tính hiệu quả (và liệu điều này có thực sự tạo nên xã hội hoà bình và an toàn hơn). Sự viện dẫn tới các ý tưởng và các nguyên tắc thế tục chung ngày càng tăng, chẳng hạn như các ý tưởng và nguyên tắc về nhân quyền và vai trò của hiến pháp chính trị được sự đồng thuận của tất cả, dần dần đi đến chỗ thay thế những sự viện dẫn đến những tự sự mang tính thần thoại, tôn giáo hay thậm chí dân tộc chủ nghĩa trong việc biện minh cho luật pháp và đạo đức. Sau cùng, một xã hội phức tạp có thể phần nào được đặc trưng bởi tính đa dạng của người dân thuộc về nó. Khi người dân ngày càng nhận thức về sự khác biệt cá nhân nhiều hơn, sự biện minh cho các ý kiến và sự ưa thích của họ có thể không dựa vào sự viện dẫn đến tập các niềm tin hay tự sự chung nữa.
Tóm lại, sự hợp lý hoá thế giới đời sống là quá trình tiến hoá xã hội, qua đó xã hội gia tăng năng lực giải quyết vấn đề bằng cách phản tư về những niềm tin và năng lực hiện có, và khi cần thiết thay thế chúng bởi những niềm tin và năng lực có thể được biện minh bằng các điều kiện ngày càng tổng quát, nghĩa là ngày càng trừu tượng. Thực ra, nó là quá trình qua đó cả xã hội và các cá nhân trong xã hội đó gia tăng cơ hội hành động tự do và tự trị. Tuy thế, Habermas cũng bổ sung cho bức tranh lạc quan tổng quát về tiến bộ xã hội này bằng cách buộc nó với giải thích bi quan hơn về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld, giải thích làm thế nào sự thay đổi xã hội cũng dẫn đến việc làm tổn hại sự tự do và sự mất ý nghĩa của đời sống con người.
Đọc thêm: White 1987; Honneth và Joas 1991