Thế giới đời sống [Đức: Lebenswelt; Anh: Lifeworld]
Kho kỹ năng, năng lực và tri thức mà các thành viên thông thường của xã hội sử dụng để thương lượng theo cách của mình thông qua đời sống hàng ngày, để tương tác với những người khác và cuối cùng là để tạo nên và duy trì các mối quan hệ xã hội. Thuật ngữ này ban đầu được triết gia hiện tượng học người Đức Edmund Husserl đặt ra, và được học trò của ông là Alfred Schütz phát triển thành một khái niệm trong xã hội học. Habermas tiếp nhận khái niệm này từ họ ngay từ những tiểu luận đầu tiên của ông (1971b), nhưng chỉ phát triển đáng kể nó sau khi ông quan tâm đến lý thuyết hệ thống/systems theory vào những năm đầu 1970 (1976b; 1984; 1987).
Có thể coi Habermas sử dụng thuật ngữ thế giới đời sống lúc đầu để nhấn mạnh năng lực của người dân thông thường như là những tác nhân xã hội. Bằng cách làm này, ông hiệu chỉnh thiên kiến, hay ít nhất là lỗ hổng, trong lý thuyết xã hội của thế hệ tư tưởng gia đầu tiên của Trường phái Frankfurt, cũng như trong công trình của nhiều nhà xã hội học Mỹ thời kỳ này, những người có xu hướng nhấn mạnh sức mạnh cưỡng bức mà xã hội áp đặt lên cá nhân. Có lẽ điều này được gói gọn tốt nhất trong mô tả của Theodor Adorno về chủ nghĩa tư bản hiện đại như là ‘xã hội bị quản trị hoàn toàn’ hay ‘xã hội toàn quản’, tức là, xã hội trong đó mọi hành động của chúng ta, và thậm chí cả tư duy, phải phục tùng sự điều khiển hành chính. Trong khi, như chúng ta sẽ thấy, Habermas có những lo lắng của riêng mình về sự tác động của các bộ máy quan liêu và nền kinh tế tư bản lên sự tự do của người dân, thì ông đã chống lại những phần u ám nhất trong cách giải thích của Adorno. Ở cấp độ nào đó, xã hội phải được tạo nên và duy trì bởi các hành động của con người. Một lý thuyết xã hội không giải thích được điều đó là lý thuyết bị thiếu sót.
Thế giới đời sống trở thành thuật ngữ cốt lõi trong từ vựng của Habermas vào những năm 1970. Trong Legitimation Crisis /Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng, ông bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa thế giới đời sống với điều mà ông gọi là hệ thống. Hệ thống về cơ bản là xã hội với tư cách sức mạnh cưỡng chế. Tuy nhiên, khái niệm của Habermas về ‘thế giới đời sống’ đã bắt đầu đạt được sự độc lập nhất định với khái niệm của Husserl và Schütz. Sự dịch chuyển quyết định của Habermas nằm trong sự phát triển của ông về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics, và do đó, trong sự thừa nhận vai trò của năng lực của người dân thông thường để giao tiếp với nhau, và để sử dụng ngôn ngữ, trong việc tạo nên và duy trì sự tương tác xã hội. Thế giới đời sống không chỉ là kho tài nguyên về văn hoá, mà còn là một phần trong tiến trình phức hợp của sự tương tác, thông qua đó ta sử dụng ngôn ngữ để thiết lập, duy trì và hiệu chỉnh các mối quan hệ xã hội với những người khác. Chẳng hạn, tôi đề nghị bạn lấy cho tôi một cốc bia. Bạn thách thức quyền đòi hỏi này của tôi (xem yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim). Bấy giờ tôi có thể bị buộc phải tự biện minh, và một phần sự biện minh của tôi sẽ nằm trong cách viện dẫn tới các tục lệ địa phương, được coi là hiển nhiên (và chúng là một phần của thế giới đời sống). Cho nên tôi chỉ ra rằng ở quanh đây nhiệm vụ của người mới đến là đi đem bia về. Bạn đáp lại rằng, vì là người mới đến, bạn không biết cửa hàng rượu bia gần nhất ở đâu, và sau đó, sau một hồi thương lượng nhất định có lẽ tôi đi đến chỗ nhận ra rằng việc để người mới đến đi mua bia là tục lệ ngớ ngẩn nhất (xem Habermas, 1987, tr. 121f). Thế giới đời sống vì thế không chỉ là tài nguyên mà tôi dùng đến, mà bản thân nó còn là những gì có thể được tranh luận. Nó uyển chuyển, và chú trọng đến sự thương lượng giữa những người dân cũng nhiều như chú trọng vào sự đồng thuận được coi là hiển nhiên. Habermas cho rằng, một hình thức mà sự phát triển của các xã hội có thể sử dụng là thông qua điều ông gọi là sự hợp lý hoá thế giới đời sống/rationalisation of lifeworld, ở đó nội dung của thế giới đời sống phục tùng những thách thức và sự biện minh hợp lý tính ngày càng gia tăng.
Mối căng bức giữa thế giới đời sống và hệ thống là điều trọng tâm trong cách hiểu của Habermas về xã hội đương đại. Luận điểm của Habermas là, vì các xã hội ngày càng có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn nên các nguồn lực của thế giới đời sống bị căng ra đến điểm phá vỡ (‘quá tải’) bởi các yêu cầu của việc tổ chức sự tương tác xã hội. Chúng ta sử dụng các năng lực trong thế giới đời sống của mình, một cách điển hình, để duy trì các mối quan hệ của chúng ta với những người chúng ta biết. Các tương tác này liên quan đến đòi hỏi là chúng ta chia sẻ viễn tượng về cách thức thế giới vận hành, về những gì có giá trị trong nó, và đưa các hành động tương ứng của chúng ta vào những loại phối hợp nào đó (chẳng hạn, người nào đó đi ra ngoài và mua bia về). Nhưng các xã hội quy mô lớn đòi hỏi sự phối hợp của không chỉ vài người hay thậm chí vài tá người mà là của hàng nghìn hay hàng triệu người. Theo Habermas sự phối hợp như vậy không thể đạt được thông qua cách thiết lập các ý nghĩa thông thường và những sự tương tác thông thường cũng như cách sử dụng các nguồn lực của thế giới đời sống. Thay vì vậy, chúng ta phải tuân theo các ký hiệu ít nhiều vô nghĩa. Chúng ta đáp lại với quyền lực được thực thi bởi bộ máy quan liêu hay viên chức cảnh sát, hay việc đổi tiền ở cửa hàng. Trong khi các năng lực nhất định của thế giới đời sống sẽ vẫn là hiển nhiên, chẳng hạn năng lực để nhận ra viên cảnh sát hay tờ giấy bạc 10 euro, thì bối cảnh xã hội đã được đơn giản hoá một cách sâu sắc. Tôi không còn cần tra hỏi các động cơ của viên chức hay cách hiểu về tình huống nữa, hay cả cách chúng có mặt trong tôi. Nhân viên bán hàng không cần dò hỏi những gì tôi định làm với món hàng tôi mua. Mọi thứ tôi cần là biết được cá nhân đó sẽ phản ứng với hành động của tôi như thế nào. Sự tương tác giữa chúng ta vì vậy là chuỗi nối tiếp các hành động và phản ứng phần lớn có thể dự đoán được. Mặc dù việc sử dụng các quy tắc có tính hệ thống này gỡ bỏ gánh nặng đặt lên thế giới đời sống, và cho phép sự tổ chức xã hội quy mô lớn, nhưng nó cũng đặt ra mối nguy hiểm. Chính vì các hệ thống xã hội dựa vào các hình thức tương tác nghèo nàn, khi chúng xâm nhập sâu hơn vào đời sống hàng ngày (chẳng hạn, khi bộ máy quan liêu của nhà nước, thông qua hoạt động của các dịch vụ sức khỏe, giáo dục và xã hội, đi đến chỗ can thiệp nhiều hơn vào địa vị và cấu trúc của gia đình), thì chúng sẽ làm xói mòn các ý nghĩa văn hoá phức tạp của thế giới đời sống, và phá hoại dần sự tự do vốn có của người dân thông thường. Xã hội bị quản trị hoàn toàn của Adorno vì thế giữ nguyên mối đe dọa vốn có thể không bao giờ được hiện thực hoá hoàn toàn, nhưng nó vẫn biểu trưng cho sự xói mòn các phẩm tính quan trọng của con người. Đó chính là mối đe dọa mà Habermas phân tích như là sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld.
Thuộc địa hoá thế giới đời sống (sự) [Đức: Kolonialisierung der Lebenswelt; Anh: Colonisation of the lifeworld]
Tiến trình qua đó tự do cá nhân bị làm suy yếu ở những xã hội phức hợp hơn, khi những tiến trình xã hội ở quy mô lớn ngày càng mang tính tự trị và hạn chế hành động của những người lệ thuộc vào chúng. Theo thuật ngữ của Habermas, đây là quá trình khi xã hội với tư cách là một ‘hệ thống/system’ xâm nhập vào xã hội với tư cách ‘thế giới đời sống/lifeworld’. Habermas phát triển ý niệm này trong The Theory of Communicative Action (1984a & 1987)/Lý thuyết về hành động giao tiếp, đặc biệt là để bổ cứu cho những thiếu sót ông thấy trong khi nghiên cứu mối quan hệ giữa hệ thống và thế giới đời sống được trình bày trong Legitimation Crisis (1976b)/Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng.
Sự thuộc địa hoá có thể xem là một hệ quả không mong muốn của việc gia tăng tính phức hợp trong các xã hội, và đó là những vấn đề có mặt trong việc tổ chức và giữ ổn định xã hội. Habermas cho rằng, một xã hội quy mô nhỏ có thể được tổ chức chủ yếu thông qua các năng lực xã hội thường ngày của những người sống trong nó, và quan trọng hơn cả là thông qua năng lực giao tiếp một cách có ý nghĩa với nhau. Nếu cá nhân tôi biết, ít nhất với tư cách là người quen, người mà tôi thường gặp gỡ, thì nói chung tôi có thể làm xong một số chuyện bằng cách thương lượng với những người này. Tôi sẽ biết người có các kỹ năng riêng biệt hoặc những nguồn lực mà tôi cần; tôi sẽ biết cách để thương thuyết với họ hoặc nếu không thì thuyết phục họ cho tôi tiếp cận với những nguồn lực đó; tôi sẽ có khả năng tạo ra những sửa đổi nếu có điều gì đó là sai lầm. Ở đây tôi sẽ sử dụng loại năng lực giao tiếp mà Habermas đã tìm cách phân tích trong đề án về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics.
Các vấn đề bắt đầu xuất hiện khi dân số lớn hơn, và khi loại dự án mà tôi muốn tham gia sẽ trở nên phức hợp hơn. Tôi có khả năng sử dụng năng lực giao tiếp để chiếc xuồng của tôi được sửa chữa, hoặc tranh thủ sự giúp đỡ trong cuộc đi câu cá của mình, nhưng đó không phải là tất cả những gì tôi cần để giúp tôi đưa một tên lửa lên mặt trăng. Những dự án khoa học phức hợp (và cả những dự án chính trị, chẳng hạn như việc xây dựng các đế quốc hay tổ chức và duy trì hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tầm quốc gia) sẽ cần sự phối hợp hành động của những người không hề biết nhau, và thực tế họ có thể không bao giờ gặp mặt. Các nguồn lực sẽ phải được kết hợp cùng nhau trên những không gian lớn và tại thời điểm khác nhau. Trong thuật ngữ của Habermas, những dự án phức tạp như vậy sẽ 'làm quá tải’ (overburden) các nguồn lực giao tiếp của người dân, và vì vậy cần tìm ra một số hình thức của ‘cơ chế cứu trợ’ (relief mechanism) (1987, tr. 181).
Những cơ chế cứu trợ thường dựa trên việc sử dụng hành động công cụ hơn là hành động giao tiếp. Điều đó có nghĩa là để phối hợp trong các dự án quy mô lớn, người ta chấm dứt quan hệ với nhau như chỉ là những con người có năng lực giao tiếp, và thay vào đó họ coi nhau như phương tiện đạt một mục đích. Trong khi ở hành động giao tiếp, tôi thoả thuận với người cộng tác tiềm tàng của mình, giải đáp những nghi ngờ, chất vấn của họ và biện hộ cho niềm tin của tôi vào giá trị của dự án, thì ở trong hành động công cụ (hay đúng hơn là hành động chiến lược/strategic), tôi xem xét đến người khác theo những phản ứng ít nhiều có thể dự đoán trước đối với những kích thích nhất định. Điều này tức là tôi biết rằng nếu tôi thực hiện vài hành động nào đó, thì họ sẽ phản ứng theo một cách có thể đoán trước. Thực tế, tôi xem hành động/action của họ chỉ như là hành vi đơn thuần mà không băn khoăn về những lý do chắc chắn thúc đẩy nó (cũng như tôi biết rằng, với một chuyển động thích hợp của đôi chân mình, tôi có thể khiến con ngựa tôi đang cưỡi chuyển từ chạy nước kiệu sang chạy nước kiệu nhỏ). Tôi không cần quan tâm đến các lý do khiến những người này hành động theo cái cách mà họ làm, miễn là họ hành động như tôi mong chờ. Vẻ ngoài phi nhân tính của hình ảnh này có thể được giảm nhẹ đôi chút nhờ việc xem xét nhiều hơn đến các chi tiết của nó.
Cái mà Habermas đang xem xét bằng cách cầu đến hành động công cụ là vai trò của các hệ thống, và sự khác biệt giữa sự hội nhập xã hội/social integration và sự hội nhập hệ thống/system integration, trong phạm vi các xã hội phức hợp. Sự hội nhập xã hội, ở dạng một cách thức tổ chức và sắp đặt xã hội, sẽ đạt được thông qua năng lực giao tiếp. Các xã hội được hội nhập về mặt hệ thống ngay khi có nhiều ám hiệu (cue) được công nhận, thông qua các hàm chỉ này người ta có thể tổ chức hành động của họ mà không viện đến sự giao tiếp. Habermas xác định hai ám hiệu quan trọng hơn cả là tiền bạc/money và quyền lực/power. Chúng là những ví dụ của cái mà ông gọi là phương tiện điều hướng phi biểu trưng /non-symbolic steering media. Để giải thích điều này, chúng ta có thể xét một cái chợ đơn giản. Tôi đi dọc khu chợ và muốn mua những thực phẩm cho một tuần. Tôi nhìn qua các gian hàng khác nhau, và xem xét các sản phẩm có sẵn. Quan trọng hơn cả, tôi cũng nhìn giá các món hàng. Tôi sẽ mua những món hàng gây ấn tượng cho tôi như là những thứ có giá (tiền tệ) tốt nhất. Khi thực hiện việc mua hàng, tôi chỉ cần chỉ tay hoặc cầm lên những thứ rau quả tôi muốn, trả đủ tiền và chờ trả lại tiền thừa. Tôi không cần trao đổi một lời nào với các chủ gian hàng. Tôi không cần quan tâm tại sao họ thành chủ gian hàng và họ có thích công việc của họ không. Tương tự, họ không cần quan tâm tại sao tôi muốn quá nhiều quả kiwi, miễn là tôi trả đủ tiền. Những người chủ gian hàng và tôi phối hợp mỗi hành động của chúng tôi thông qua những phản ứng với ám hiệu mà giá trị tiền tệ mang đến cho chúng tôi và chúng tôi hành động theo cách có thể dự đoán được. Nhưng, cũng chú ý rằng, việc mua hàng của tôi không chỉ thành công trong việc phối hợp những hành động của tôi với các chủ gian hàng. Nếu các chủ gian hàng không trồng rau quả của chính họ thì tôi còn phối hợp hành động của tôi với nông dân, những người tôi không bao giờ gặp (họ có thể sống cách xa tôi hàng nghìn dặm, và nói một ngôn ngữ mà tôi không hiểu).
Chính trong cách mà tiền tệ làm cho nền kinh tế vận hành trôi chảy với tư cách là một hệ thống, khi ấy nó có thể phối hợp (thông qua những liên kết mà nó thiết lập giữa thị trường lao động, nguyên liệu và hàng hoá sản xuất) những dự án có độ phức hợp cao, bao gồm cả việc lên mặt trăng. Việc đưa người lên mặt trăng theo một chương trình được tổ chức và được cấp tiền bởi chính phủ cũng chẳng có gì khác. Nguyên liệu, linh kiện và những dịch vụ của các nhà khoa học và các nhà kỹ thuật vẫn phải đạt được thông qua các thị trường và trả theo giá hiện hành. Quyền lực cũng vận hành tương tự, trong chừng mực những người có quyền lực chính đáng có thể buộc những người khác cư xử theo một phương cách nhất định (dù đó là hình thức của những Pharaōn bắt những nô lệ xây dựng các kim tự tháp, hay những quan toà tuyên thời hạn tù cho những tội phạm bị kết án), đồng thời có thể giao quyền lực cho những người khác, vì thế bản thân những cấp dưới có thể kiểm soát những người khác nữa (như đại uý chỉ huy trung uý, và trung uý chỉ huy trung sĩ) (Habermas, 1987, 268–270). Mặt khác, sự giao tiếp là điều không cần đến, miễn là chuỗi quyền lực không bị chất vấn, và cấp dưới vẫn phục tùng trật tự như kỳ vọng.
Đến chỗ này, miêu tả về mối quan hệ giữa hệ thống và thế giới đời sống tỏ ra có lợi. Thế giới đời sống mang lại những mối quan hệ phong phú và đầy ý nghĩa với một số ít người khác, trong khi hệ thống, nhìn chung mang đến cho ta những nguồn lực để tạo ra ý nghĩa cuộc sống, sẽ tạo ra khả năng to lớn cho chúng ta trong việc đơn giản hoá sự hiểu biết về hoàn cảnh hiện tại của mình, và bằng cách đó cho phép ta tham dự vào những hoạt động xã hội phức tạp. Vấn đề thuộc địa hoá thế giới đời sống xuất hiện khi hệ thống ngừng tồn tại một cách giản đơn như là phương tiện đạt mục đích, và vì vậy, như là cái gì kỳ cùng có thể được thế giới đời sống kiểm soát, trái lại, hệ thống trở thành một mục đích tự thân.
Hành động trong phạm vi một hệ thống bị chi phối bởi một bộ các quy tắc được so sánh tương đối đơn giản với các quy tắc chi phối hành động giao tiếp. Trong khi sự giao tiếp của tôi với một người bạn có thể bao phủ nhiều chủ đề, và thiết lập đủ loại quan hệ khác nhau giữa chúng tôi, thì quan hệ xã hội của tôi với ông chủ phần lớn bị hạn chế bởi những quy ước và quy tắc rõ ràng của hợp đồng lao động. Việc ông chủ có thể là bạn của tôi cũng không liên quan gì đến vấn đề này. Quyền lực chi phối quan hệ của tôi với ông chủ, ở tư cách là ông chủ của tôi, sẽ đơn giản hoá sự tương tác giữa chúng tôi. Điều này đưa đến việc các hệ thống, dù là hệ thống kinh tế hay chính trị, như các bộ phận hành chính hay các cơ quan chính phủ, sẽ được thiết lập bằng các quy tắc tương đối đơn giản vốn chi phối tác động qua lại giữa người dân với nhau. Các quy tắc chi phối hệ thống sẽ có độ nhất quán cao hơn, có nghĩa là người ta phần lớn sẽ cố kết với nhau, làm nảy sinh tương đối ít những mệnh lệnh xung đột với nhau cho những người tuân thủ chúng. Vì thế, hệ thống có logic của riêng nó. Nó thực thi các vấn đề theo một cách nhất định, và phù hợp với những nguyên lý rõ ràng. Chính vì chúng rộng lớn và phức hợp, những hệ thống lâu đời sẽ có một tính ì nhất định được truyền vào bên trong mình. Thật không dễ để thay đổi cách thức mà theo đó chúng thực hiện mọi sự. Đây thực sự là chỗ khởi sự các vấn đề. Một khi những xã hội phức hợp được tổ chức thông qua những hệ thống, logic tự trị của những hệ thống này sẽ bắt đầu chỉ đạo những gì có thể và làm sao để đạt được mọi sự ở trong phạm vi xã hội đó.
Chúng ta có thể xem xét ví dụ sau. Một chính phủ quyết định rằng những tiêu chuẩn giáo dục trong các trường học đang xuống dốc. Quá nhiều trẻ em từ những nhóm bên lề xã hội đang rời trường học mà không có được những phẩm chất chuyên môn thích đáng. Điều gì đó phải được thực thi rõ ràng là một giải pháp tuyệt vời. Cứ cho rằng các trường học là một phần của hệ thống chính trị, dù thế nào thì việc làm đó phải được thực hiện thông qua những cấu trúc hành chính hiện hữu. Những cấu trúc này có thể được điều chỉnh ở một vài chỗ, nhưng cấu trúc tổng thể không thể được thiết kế lại từ con số không. Vì thế, chính phủ yêu cầu các lãnh đạo trường học hãy giám sát thành tích đạt được của những nhóm học sinh nhất định vốn nằm trong nhóm mục tiêu. Trong khi những nguồn lực sẽ được đổ thêm vào để hỗ trợ việc dạy những nhóm này, thì tư duy công cụ của hệ thống vốn luôn đòi hỏi những nguồn lực ấy phải được xem như được sử dụng có ích và có hiệu quả cao. Vì thế cần có sự giám sát thành tích. Nhưng ở đây cũng đã có nhiều vấn đề xảy ra.
Trước hết, dạy học lẽ ra phải là một ví dụ tốt nhất cho hành động giao tiếp, ở đó học sinh được khuyến khích tra hỏi về các ý tưởng, và biện minh cho những lập luận của bản thân bằng cách dựa vào lý trí. Như thế, lớp học là một nơi có sự tương tác xã hội phong phú và phức tạp, đầy những ý nghĩa và sắc thái tinh tế. Nhưng thật không may, cơ chế giám sát của bộ máy hành chính thường yêu cầu những dữ liệu được đơn giản hoá cao độ. Do hợp với một hệ thống rộng lớn được tổ chức thông qua những trung gian phi biểu trưng của quyền lực, trải nghiệm về lớp học ở mặt biểu trưng, phong phú theo lối định tính, hoặc có ý nghĩa lại bị phiên dịch thành những dữ liệu đơn giản hoá và thường được định lượng. Khả năng tranh cãi về những chương trình nguyên thuỷ của chính phủ đã đi đến chỗ phải thoả hiệp. Người ta bị đối diện bởi dữ liệu định lượng, được thiết kế cho sự đánh giá mang tính công cụ, không phải là những kinh nghiệm có ý nghĩa vốn có thể đóng góp cho sự thảo luận (xem: discourse/diễn ngôn).
Thứ hai, mặc dù chính sách nguyên thuỷ của chính phủ theo đuổi việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục, nhưng hệ thống giám sát vốn được du nhập vào nhà trường là cái mà giáo viên phải đáp ứng. Nhiệm vụ trước mắt của họ là có một bản báo cáo tốt. Bởi vì họ bị đối xử theo lối công cụ (trong chừng mực hệ thống giám sát buộc họ phải thay đổi phương pháp giảng dạy), bản thân sự giảng dạy của các giáo viên vì vậy có nguy cơ cũng trở nên có tính công cụ. Tương tác giao tiếp nguyên thuỷ giữa giáo viên và học sinh bị thay thế bởi hành vi thao túng của giáo viên đối với học sinh để đạt được kết quả tốt cho quá trình giám sát. Thảo luận bị thay thế bằng sự nhồi nhét. Những nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi thời gian và năng lượng bị thay thế bằng những nhiệm vụ tương đối đơn giản vốn được bảo đảm nhằm tạo nên những loại kết quả mà sự giám sát yêu cầu.
Trên đây là quan điểm cốt lõi của Habermas. Việc sử dụng các hệ thống trong xã hội hiện đại là cần thiết, và quả thực đạt đến cấp độ lợi ích cao. Nhưng, với tư cách là các hệ thống kinh tế và hành chính càng ngày càng xâm phạm vào đời sống thường nhật (ví dụ như khi chính phủ tăng cường điều tiết các hoạt động công và tư, và khi các giá trị kinh tế được đặt lên trên tất cả mọi hoạt động), thì thuyết công cụ vốn cố hữu trong hoạt động mang tính hệ thống bắt đầu xói mòn các kỹ năng giao tiếp vốn được đặt nền tảng trong thế giới đời sống, và phục vụ việc duy trì thế giới này. Những ý định tốt có thể bị thoái hoá bởi hệ thống, và khả năng thách thức hệ thống, thông qua giao tiếp hơn là thông qua lý tính công cụ, bị kiềm chế.
Đọc thêm: Ingram, 1987; White, 1987; Brand, 1990; Honneth & Joas 1991; Hahn, 2000, tr. 1–172; Heath 2001
Hợp lý hoá thế giới đời sống (sự) [Đức: Rationalisierung der Lebenswelt; Anh: Rationalisation of the lifeworld]
Tiến trình xem xét lại và biện minh một cách phê phán các niềm tin và kỹ năng hàng ngày mà những người bình thường cho là điều hiển nhiên. Sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được xem như bộ phận cấu thành của sự tiến hoá xã hội/social evolution, khi các thành viên của xã hội phản ứng với những thách thức hoặc là tác động đến riêng cá nhân họ, hoặc là tác động đến xã hội như là toàn bộ, và theo cách ấy kích thích tiến trình học hỏi làm tăng năng lực giải quyết các vấn đề của họ. Trong khi phần nào đó của ý tưởng này bắt đầu xuất hiện trong Legitimation Crisis (Habermas, 1976b/ Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng, thì Habermas sẽ phát triển nó một cách đầy đủ trong The Theory of Communicative Action (198a, tr. 143–271; 1987, tr. 113–197/ Lý thuyết về hành động giao tiếp.
Ý tưởng cơ bản đằng sau sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được hiểu thông qua quy chiếu đến thuyết dụng hành/pragmatism. Trong khi phát triển triết học dụng hành của mình, Charles Peirce đã cho rằng con người học hỏi không chỉ thông qua sự phản tư trừu tượng (như các triết gia kể từ René Descartes ở thế kỷ XVII đã tưởng), mà đúng ra là thông qua việc phản ứng với những vấn đề cụ thể. Tôi dựng hàng rào gỗ. Tôi cố nện búa, nhưng những chiếc đinh tôi sử dụng lại bị cong. Tôi đang phải đối mặt với vấn đề thực tế, và phải dừng lại và suy nghĩ để giải quyết nó. Có thể kỹ thuật đóng đinh của tôi bị sai. Có thể chiếc búa của tôi quá nặng, hay những chiếc đinh quá yếu hay gỗ quá cứng. Chuỗi các thử nghiệm thực tế với các kỹ thuật, những cây búa và những chiếc đinh khác nhau hy vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề. Một khi giải quyết xong, tôi sẽ học được điều gì đó mới mẻ. Tôi sẽ được trang bị tốt hơn một chút để giải quyết những vấn đề trong tương lai. Nhưng, quan trọng là thí dụ nhỏ này chỉ ra rằng tôi thường học những điều mới mẻ bởi vì tôi cần đến nó. Tôi học hỏi trong các tình huống cụ thể, và trong sự phản ứng với các vấn đề cấp bách. Kỳ cùng, tôi học bằng cách tra vấn một số niềm tin (chẳng hạn, về những kỹ năng của tôi với tư cách thợ đập búa, về những chiếc búa, những chiếc đinh và gỗ) mà tôi cho là điều hiển nhiên trước đó. Đến nay những niềm tin được cho là hiển nhiên đã phục vụ tôi khá tốt, và do đó tôi không phải bận tâm về chúng. Tôi chỉ suy nghĩ về chúng khi chúng dường như bỏ rơi tôi.
Những niềm tin được cho là hiển nhiên về các kỹ thuật xây dựng là một phần của thế giới đời sống/lifeworld của tôi, cùng với nhiều năng lực thực hành khác cho phép tôi điều hướng thế giới xã hội một cách an toàn (chẳng hạn, làm thế nào để mở cửa, tuân theo đèn giao thông, nộp thuế phí); cùng với các giá trị đạo đức, chính trị và thẩm mỹ; và cùng với những niềm tin, sự ưa thích và cảm thức về bản sắc của chính mình. Sự hợp lý hoá thế giới đời sống diễn ra khi những niềm tin này phải chịu tra vấn, và cho dù những cá nhân sẽ thực hiện việc tra vấn này, thì sự hợp lý hoá thế giới đời sống vẫn rõ ràng ở cấp độ của nền văn hoá (và vì thế ở cấp độ rộng rãi của những niềm tin và năng lực khả dụng đối với những người có khả năng xã hội hoá cao và có năng lực trong xã hội đặc thù ấy).
Điểm cốt lõi của Habermas là việc tra vấn những niềm tin được cho là hiển nhiên không chỉ là tiến trình đơn thuần ngẫu nhiên hay vô tổ chức. Sự hợp lý hoá có xu hướng rõ ràng là hướng tới sự trừu tượng được gia tăng, và tới sự dị biệt hoá/differentiation của các loại vấn đề và năng lực đặc thù. Ở đây, một phần Habermas tiếp thu, và sửa đổi rất nhiều, các luận cứ của nhà xã hội học Đức Max Weber về những gì được ông xem như là các quá trình toàn cầu của sự hợp lý hoá và ‘sự giải mị’ (Entzauberung / disenchantment). Theo Weber, tính ưu việt của văn hoá phương Tây nằm ở chỗ nó có tính hợp lý lớn hơn. Điều này một phần được thể hiện trong sự sử dụng nhiều hơn và nhất quán hơn lý tính công cụ/instrumental reason, không chỉ thông qua nền công nghệ có hiệu quả cao mà còn thông qua hiệu quả quản trị và tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp và đạo đức hợp lý nhất quán và thậm chí cả nền nghệ thuật hợp lý (Weber 1976: 13-23). Khi là quá trình ‘giải mị’, điều này dẫn đến chỗ các xã hội phương Tây hiện đại càng ngày càng ít tin tưởng vào ma thuật, tôn giáo và các niềm tin và giá trị truyền thống khác. Trong khi Habermas đồng ý với Weber một phần nào đó khái niệm sự giải mị, ít nhất trong chừng mực sự hợp lý hoá dẫn đến việc tra vấn các nội dung được cho là hiển nhiên về thế giới đời sống, thì ông bất đồng với Weber ở hai điểm chính. Thứ nhất, các nội dung của thế giới đời sống có thể không bao giờ hoàn toàn bị xói mòn. Trong khi các niềm tin và các giá trị thế tục có thể chiếm ưu thế khi các xã hội trở nên hợp lý hơn, tất cả các loại niềm tin và giá trị vẫn quan trọng trong việc thúc đẩy người dân và mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của họ. (Phần nào đó của điều này thực sự được thừa nhận trong khái niệm của Weber về ‘tính hợp lý của giá trị’ (value rationality), ở đó các hành động của ta được thực hiện nhất quán với tập các giá trị căn bản). Thứ hai, Weber có xu hướng tập trung vào tính hợp lý công cụ. Theo Habermas, tất cả sự phát triển quan trọng nằm ở sự tinh lọc lý tính giao tiếp/communicative reason, và trong sự thừa nhận rằng các quá trình hợp lý hoá thích hợp cho việc phản tư và thách thức những niềm tin trong khoa học và công nghệ là không giống với những gì thích hợp cho các vấn đề đạo đức và luật pháp, hay cho các câu hỏi về tự nhận thức.
Vì thế sự hợp lý hoá thế giới đời sống có thể được xem như dẫn đến sự dị biệt hoá các yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claims. Tức là khi sự hợp lý hoá diễn ra, người dân trong phạm vi nền văn hoá càng ngày càng nhận thức sự khác biệt giữa những câu hỏi về chân lý của các niềm tin của họ, những câu hỏi về đạo đức và sự công chính, với những tra vấn về sự tự biểu hiện của họ. Habermas đề nghị chúng ta tưởng tượng về một xã hội quy mô nhỏ bị thống trị bởi một tôn giáo duy nhất hoặc thế giới quan ma thuật (1987, tr. 87ff). Ông cho rằng, trong xã hội như vậy, thế giới quan sẽ trả lời mọi câu hỏi vốn thường có thể gây rắc rối cho các tín đồ của nó. Vũ trụ luận sẽ giải thích nguồn gốc và bản chất của các thế giới vật lý và xã hội (do đó giải đáp tra vấn về chân lý); nó sẽ giải thích tại sao thế giới hiện hữu và người ta nên giữ vai trò gì trong đó (và vì thế giải quyết các vấn đề về đạo đức); và cuối cùng nó sẽ nói với những người này, họ là ai (như những người trung thành với hệ thống niềm tin đó và có lẽ như những người nối dõi của những vị thần đặc thù này). Khi xã hội phát triển phức tạp hơn, và khi nó đối mặt với nhiều thách thức khắt khe hơn, những câu trả lời này ngày càng bị lộ ra là không thoả đáng. Sẽ không còn thoả đáng để biện minh cho việc sử dụng một công nghệ nhất định bằng cách nói rằng đó là cách tiền nhân đã dạy cho chúng ta. Tiếp tục sử dụng công nghệ không phù hợp có thể dẫn đến sự đói nghèo của cả nhóm. Một cách tương tự, khi xã hội phát triển về kích cỡ và bao gồm những người càng ngày càng đa dạng, những tra vấn về đạo đức và công lý càng trở nên cấp bách hơn. Các phương thức thực hành truyền thống của phán xử và hình phạt sẽ một lần nữa đòi hỏi sự biện minh, chẳng hạn bằng tính nhất quán của chúng (tất cả mọi người có được đối xử như nhau hay không?) và tính hiệu quả (và liệu điều này có thực sự tạo nên xã hội hoà bình và an toàn hơn). Sự viện dẫn tới các ý tưởng và các nguyên tắc thế tục chung ngày càng tăng, chẳng hạn như các ý tưởng và nguyên tắc về nhân quyền và vai trò của hiến pháp chính trị được sự đồng thuận của tất cả, dần dần đi đến chỗ thay thế những sự viện dẫn đến những tự sự mang tính thần thoại, tôn giáo hay thậm chí dân tộc chủ nghĩa trong việc biện minh cho luật pháp và đạo đức. Sau cùng, một xã hội phức tạp có thể phần nào được đặc trưng bởi tính đa dạng của người dân thuộc về nó. Khi người dân ngày càng nhận thức về sự khác biệt cá nhân nhiều hơn, sự biện minh cho các ý kiến và sự ưa thích của họ có thể không dựa vào sự viện dẫn đến tập các niềm tin hay tự sự chung nữa.
Tóm lại, sự hợp lý hoá thế giới đời sống là quá trình tiến hoá xã hội, qua đó xã hội gia tăng năng lực giải quyết vấn đề bằng cách phản tư về những niềm tin và năng lực hiện có, và khi cần thiết thay thế chúng bởi những niềm tin và năng lực có thể được biện minh bằng các điều kiện ngày càng tổng quát, nghĩa là ngày càng trừu tượng. Thực ra, nó là quá trình qua đó cả xã hội và các cá nhân trong xã hội đó gia tăng cơ hội hành động tự do và tự trị. Tuy thế, Habermas cũng bổ sung cho bức tranh lạc quan tổng quát về tiến bộ xã hội này bằng cách buộc nó với giải thích bi quan hơn về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld, giải thích làm thế nào sự thay đổi xã hội cũng dẫn đến việc làm tổn hại sự tự do và sự mất ý nghĩa của đời sống con người.
Đọc thêm: White 1987; Honneth và Joas 1991