Thế giới đời sống [Đức: Lebenswelt; Anh: Lifeworld]
Kho kỹ năng, năng lực và tri thức mà các thành viên thông thường của xã hội sử dụng để thương lượng theo cách của mình thông qua đời sống hàng ngày, để tương tác với những người khác và cuối cùng là để tạo nên và duy trì các mối quan hệ xã hội. Thuật ngữ này ban đầu được triết gia hiện tượng học người Đức Edmund Husserl đặt ra, và được học trò của ông là Alfred Schütz phát triển thành một khái niệm trong xã hội học. Habermas tiếp nhận khái niệm này từ họ ngay từ những tiểu luận đầu tiên của ông (1971b), nhưng chỉ phát triển đáng kể nó sau khi ông quan tâm đến lý thuyết hệ thống/systems theory vào những năm đầu 1970 (1976b; 1984; 1987).
Có thể coi Habermas sử dụng thuật ngữ thế giới đời sống lúc đầu để nhấn mạnh năng lực của người dân thông thường như là những tác nhân xã hội. Bằng cách làm này, ông hiệu chỉnh thiên kiến, hay ít nhất là lỗ hổng, trong lý thuyết xã hội của thế hệ tư tưởng gia đầu tiên của Trường phái Frankfurt, cũng như trong công trình của nhiều nhà xã hội học Mỹ thời kỳ này, những người có xu hướng nhấn mạnh sức mạnh cưỡng bức mà xã hội áp đặt lên cá nhân. Có lẽ điều này được gói gọn tốt nhất trong mô tả của Theodor Adorno về chủ nghĩa tư bản hiện đại như là ‘xã hội bị quản trị hoàn toàn’ hay ‘xã hội toàn quản’, tức là, xã hội trong đó mọi hành động của chúng ta, và thậm chí cả tư duy, phải phục tùng sự điều khiển hành chính. Trong khi, như chúng ta sẽ thấy, Habermas có những lo lắng của riêng mình về sự tác động của các bộ máy quan liêu và nền kinh tế tư bản lên sự tự do của người dân, thì ông đã chống lại những phần u ám nhất trong cách giải thích của Adorno. Ở cấp độ nào đó, xã hội phải được tạo nên và duy trì bởi các hành động của con người. Một lý thuyết xã hội không giải thích được điều đó là lý thuyết bị thiếu sót.
Thế giới đời sống trở thành thuật ngữ cốt lõi trong từ vựng của Habermas vào những năm 1970. Trong Legitimation Crisis /Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng, ông bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ giữa thế giới đời sống với điều mà ông gọi là hệ thống. Hệ thống về cơ bản là xã hội với tư cách sức mạnh cưỡng chế. Tuy nhiên, khái niệm của Habermas về ‘thế giới đời sống’ đã bắt đầu đạt được sự độc lập nhất định với khái niệm của Husserl và Schütz. Sự dịch chuyển quyết định của Habermas nằm trong sự phát triển của ông về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics, và do đó, trong sự thừa nhận vai trò của năng lực của người dân thông thường để giao tiếp với nhau, và để sử dụng ngôn ngữ, trong việc tạo nên và duy trì sự tương tác xã hội. Thế giới đời sống không chỉ là kho tài nguyên về văn hoá, mà còn là một phần trong tiến trình phức hợp của sự tương tác, thông qua đó ta sử dụng ngôn ngữ để thiết lập, duy trì và hiệu chỉnh các mối quan hệ xã hội với những người khác. Chẳng hạn, tôi đề nghị bạn lấy cho tôi một cốc bia. Bạn thách thức quyền đòi hỏi này của tôi (xem yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim). Bấy giờ tôi có thể bị buộc phải tự biện minh, và một phần sự biện minh của tôi sẽ nằm trong cách viện dẫn tới các tục lệ địa phương, được coi là hiển nhiên (và chúng là một phần của thế giới đời sống). Cho nên tôi chỉ ra rằng ở quanh đây nhiệm vụ của người mới đến là đi đem bia về. Bạn đáp lại rằng, vì là người mới đến, bạn không biết cửa hàng rượu bia gần nhất ở đâu, và sau đó, sau một hồi thương lượng nhất định có lẽ tôi đi đến chỗ nhận ra rằng việc để người mới đến đi mua bia là tục lệ ngớ ngẩn nhất (xem Habermas, 1987, tr. 121f). Thế giới đời sống vì thế không chỉ là tài nguyên mà tôi dùng đến, mà bản thân nó còn là những gì có thể được tranh luận. Nó uyển chuyển, và chú trọng đến sự thương lượng giữa những người dân cũng nhiều như chú trọng vào sự đồng thuận được coi là hiển nhiên. Habermas cho rằng, một hình thức mà sự phát triển của các xã hội có thể sử dụng là thông qua điều ông gọi là sự hợp lý hoá thế giới đời sống/rationalisation of lifeworld, ở đó nội dung của thế giới đời sống phục tùng những thách thức và sự biện minh hợp lý tính ngày càng gia tăng.
Mối căng bức giữa thế giới đời sống và hệ thống là điều trọng tâm trong cách hiểu của Habermas về xã hội đương đại. Luận điểm của Habermas là, vì các xã hội ngày càng có quy mô lớn hơn và phức tạp hơn nên các nguồn lực của thế giới đời sống bị căng ra đến điểm phá vỡ (‘quá tải’) bởi các yêu cầu của việc tổ chức sự tương tác xã hội. Chúng ta sử dụng các năng lực trong thế giới đời sống của mình, một cách điển hình, để duy trì các mối quan hệ của chúng ta với những người chúng ta biết. Các tương tác này liên quan đến đòi hỏi là chúng ta chia sẻ viễn tượng về cách thức thế giới vận hành, về những gì có giá trị trong nó, và đưa các hành động tương ứng của chúng ta vào những loại phối hợp nào đó (chẳng hạn, người nào đó đi ra ngoài và mua bia về). Nhưng các xã hội quy mô lớn đòi hỏi sự phối hợp của không chỉ vài người hay thậm chí vài tá người mà là của hàng nghìn hay hàng triệu người. Theo Habermas sự phối hợp như vậy không thể đạt được thông qua cách thiết lập các ý nghĩa thông thường và những sự tương tác thông thường cũng như cách sử dụng các nguồn lực của thế giới đời sống. Thay vì vậy, chúng ta phải tuân theo các ký hiệu ít nhiều vô nghĩa. Chúng ta đáp lại với quyền lực được thực thi bởi bộ máy quan liêu hay viên chức cảnh sát, hay việc đổi tiền ở cửa hàng. Trong khi các năng lực nhất định của thế giới đời sống sẽ vẫn là hiển nhiên, chẳng hạn năng lực để nhận ra viên cảnh sát hay tờ giấy bạc 10 euro, thì bối cảnh xã hội đã được đơn giản hoá một cách sâu sắc. Tôi không còn cần tra hỏi các động cơ của viên chức hay cách hiểu về tình huống nữa, hay cả cách chúng có mặt trong tôi. Nhân viên bán hàng không cần dò hỏi những gì tôi định làm với món hàng tôi mua. Mọi thứ tôi cần là biết được cá nhân đó sẽ phản ứng với hành động của tôi như thế nào. Sự tương tác giữa chúng ta vì vậy là chuỗi nối tiếp các hành động và phản ứng phần lớn có thể dự đoán được. Mặc dù việc sử dụng các quy tắc có tính hệ thống này gỡ bỏ gánh nặng đặt lên thế giới đời sống, và cho phép sự tổ chức xã hội quy mô lớn, nhưng nó cũng đặt ra mối nguy hiểm. Chính vì các hệ thống xã hội dựa vào các hình thức tương tác nghèo nàn, khi chúng xâm nhập sâu hơn vào đời sống hàng ngày (chẳng hạn, khi bộ máy quan liêu của nhà nước, thông qua hoạt động của các dịch vụ sức khỏe, giáo dục và xã hội, đi đến chỗ can thiệp nhiều hơn vào địa vị và cấu trúc của gia đình), thì chúng sẽ làm xói mòn các ý nghĩa văn hoá phức tạp của thế giới đời sống, và phá hoại dần sự tự do vốn có của người dân thông thường. Xã hội bị quản trị hoàn toàn của Adorno vì thế giữ nguyên mối đe dọa vốn có thể không bao giờ được hiện thực hoá hoàn toàn, nhưng nó vẫn biểu trưng cho sự xói mòn các phẩm tính quan trọng của con người. Đó chính là mối đe dọa mà Habermas phân tích như là sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld.