Publicité
[VI] QUẢNG CÁO
[FR] Publicité
[EN]
[VI] Sản xuất công nghiệp hàng luật làm gián đoạn quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ, sản xuất ra còn phải bán cho hết, vì vậy quảng cáo trở nên cần thiết. Ngoài những vấn đề kinh tế - xã hội được đặt ra, có cả một môn tâm lý học quảng cáo. Quảng cáo được xem như một thứ ngôn ngữ nhằm tạo ra hay tăng cường lòng ham mua một sản phẩm hay yêu cầu một dịch vụ. Tức là tìm cách tác động lên tình cảm, thái độ, tin tưởng của người mua; mỗi câu, mỗi lời, mỗi hình ảnh, cách làm quảng cáo thường được các nhà tâm lý học nghiên cứu kỹ trước lúc đưa ra. Trước hết là những luận điểm được nêu lên: cần tiến hành những phỏng vấn, trao đổi, điều tra, thăm dò ý kiến của các nhóm xã hội, tìm hiểu yêu cầu và mơ tưởng của họ. Nhiều khi dùng test (trắc nghiệm) phóng chiếu. Rồi đến phương tiện thông báo (media): báo, phát thanh, vô tuyến, phim ảnh… Cách trình bày diễn đạt cũng được nghiên cứu kỹ. Ở các nước phương Tây, các học thuyết tâm lý khác nhau đều được vận dụng trong nghệ thuật quảng cáo (ứng xử, Freud, thuyết nhóm, thuyết Gestalt…). Quảng cáo tạo ra một cái “mác” (image de marque) , một hình tượng nào đó về một sản phẩm, một hãng trong tâm lý quần chúng, làm cho nhiều người gắn liền sản phẩm hay tên hãng ấy với những ý nghĩ sang - hèn, già – trẻ, nam – nữ, cũ – mới, văn hóa cao – thấp…; quảng cáo góp phần không nhỏ trong việc hình thành tâm lý chung của một xã hội. Tác động của quảng cáo đối với việc bán chạy hay không hẳn là có, nhưng xác định được ảnh hưởng đến mức nào tới xu thế mua của khách hàng thì chưa có thể khẳng định một cách chính xác.