Attention
[VI] CHÚ Ý
[FR] Attention
[EN]
[VI] Mỗi lúc, con người tiếp nhận từ bên ngoài và bên trong rất nhiều tín hiệu khác nhau; để ứng phó trong các tình huống khác nhau, phải sàng lọc những tín hiệu nào khả dĩ nhận vào những bộ phận cần thiết cho việc thích ứng. Đó là hiện tượng chú ý. Đầu tiên là một phản ứng báo động chung, chuẩn bị cho một sự tập trung năng lực vào một loại tín hiệu nào đó, được ưu tiên, còn những tín hiệu khác bị gạt bỏ, hoặc cho “ra rìa”. Những tín hiệu gây chú ý thường mang tính bất ngờ, di động, có khi trái ngược với những cảm giác đi trước; không phải tính mạnh hay yếu tuyệt đối của mối kích thích là quan trọng, mà tính tương đối, so sánh với những cảm giác trước đó, hay cùng lúc, như một tiếng ồn ào cao hơn cái nền âm thanh trước đó, một đồ vật kích thước lớn ở trong một hàng đồ vật nhỏ, một động tác ngược chiều, hay trái ngược với chờ đợi. Tóm lại, nói theo tin học, đây là những mối kích động mang theo nhiều lượng thông tin nhất. Để xử lý thông tin ấy, không thể sử dụng những cách ứng phó đã được tập luyện hoặc phải lựa chọn giữa hai cách ứng phó mâu thuẫn với nhau. Những tín hiệu liên quan đến lợi ích của con người cũng dễ gây chú ý; thông qua những phản ứng sinh lý để phát hiện, người ta có thể nhận ra những loại tín hiệu nào để gây chú ý. Khi đã chú ý đến một tín hiệu nào, thì có những cơ chế ức chế làm cho nhiều tín hiệu khác không lọt vào các cơ quan tiếp nhận (không thấy, không nghe nữa, thường ngộ nhận là đãng trí). Và thời gian phản ứng- từ xuất hiện mối kích thích đến phản ứng – rút ngắn; đo thời gian này là một cách thử thường dùng trong khoa học lao động, tìm hiểu khả năng thích ứng với một nghề nhất định. Về cơ sở sinh lý xem Thức tỉnh.