Famille
[VI] GIA ĐÌNH
[FR] Famille
[EN]
[VI] Gồm bố mẹ, con, và có hay không một số người khác ở chung một nhà. Tính chất của gia đình thay đổi tùy theo biến động của xã hội. Phương thức sản xuất và các thể chế kỷ cương xã hội chi phối mạnh mẽ tâm lý của những thành viên trong gia đình. Nói chung trong các xã hội cổ truyền sống ở nông thôn, kỹ thuật nông nghiệp và thủ công còn thô sơ, thì gia đình là đơn vị sản xuất cơ sở; người mẹ sống với con cho đến lớn tuổi. Đồng thời gia đình gắn liền vào một cấu trúc xã hội chặt chẽ, sự vững bền của gia đình ít tùy thuộc vào tính tình hay ý muốn chủ quan của từng cá nhân. Bố mẹ quan hệ với nhau và nuôi dạy con với những phong tục, lễ nghi, tập quán, đạo lý được quy định rõ ràng. Trẻ em lớn lên suốt ngày bên cạnh bố mẹ, trong một môi trường quen thuộc ( nhà và vườn với những hoạt động sản xuất, lễ tiết được lặp đi lặp lại). Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa, tính chất gia đình khác hẳn. Gia đình không còn là đơn vị sản xuất cơ sở nữa, hằng ngày bố mẹ rồi con đi làm, trẻ em từ tấm bé phải rời mẹ được giao lại cho những người ngoài gia đình và sống trong một môi trường lúc đầu là xa lạ. Sự vững bền của gia đình ngày nay tùy thuộc chủ yếu vào tính tình và ý muốn chủ quan của những thành viên, đặc biệt của hai bố mẹ. Người mẹ ngày xưa không có tiền đồ sự nghiệp riêng, nên dễ toàn tâm toàn ý với chồng con, dễ làm người “mẹ hiền” (x. Mẹ hiền). Ngày nay người đàn bà có sự nghiệp riêng của mình, thường khó toàn tâm toàn ý với chồng con; cá tính của mỗi thành viên trong gia đình có điều kiện phát triển, nhưng tính tình cũng khó ổn định hơn, gia đình không còn được bền vững như xưa. Dù sao xưa và nay gia đình vẫn là nơi để cho mỗi thành viên có thể từ tấm bé bồi dưỡng về vật chất và tinh thần, là chỗ dựa khi cuộc sống ngoài xã hội gặp khó khăn, gia đình là “tổ ấm” (tiếng Pháp gọi là foyer tức là bếp lửa để nấu ăn và sưởi ấm cho cả nhà và thần bếp được mọi nền văn hóa thờ cúng) nhưng trong nhiều hoàn cảnh gia đình không còn là tổ ấm nữa, mà mâu thuẫn nội bộ biến gia đình thành “tổ nhím” gây ra những hiện tượng bệnh lý về thể chất cũng như về tâm lý. Đặc biệt đối với trẻ em, mỗi bệnh chứng tâm lý đều liên quan đến hoàn cảnh gia đình và tâm lý liệu pháp trẻ em thường phải tiến hành với liệu pháp gia đình (x. từ này)