Loisir
[VI] NHÀN
[FR] Loisir
[EN] Leisure
[VI] Thời gian nhàn hạ, nhàn rỗi đối lập với thời gian làm việc. Theo Dumazedier, nhàn rỗi giúp cho con người: giải mệt, giải trí, giải phóng nhân cách. Có thể nói những người lao động nông thôn không hề nghĩ đến thời gian nhàn rỗi, và nói chung trong xã hội xưa, chữ nhàn hàm ngụ sự lười biếng và “nhàn cư” là “vi bất thiện”. Công nghiệp hóa càng cao, thời gian nhàn rỗi của con người, của mọi tầng lớp chứ không phải riêng cho một số thiểu số ngày càng được nới rộng (mặc dù với đa số, ngoài giờ làm việc ở xí nghiệp, cơ quan, thời gian dành cho việc đi lại và việc nhà chiếm một số giờ không nhỏ); nghỉ chủ nhật, nghỉ hè. Việc tăng thời gian nhàn hạ này vừa là một phúc lợi, vừa là một sự bắt buộc trong một xã hội phát triển; vì lao động cơ giới cao bề ngoài trông vào thì giảm mệt mỏi, nhưng đó chỉ là mệt mỏi cơ bắp, trái lại so với lao động thủ công, lại tăng mệt mỏi về thần kinh. Ngủ một giấc thì hết mệt mỏi cơ bắp, còn mệt mỏi về thần kinh lại gây ra khó ngủ, và ở các xã hội phát triển để chống loại mệt mỏi này, đa số dùng đến các chất kích thích hay làm dịu thần kinh: thuốc lá, chè, cà phê, thuốc an thần, ma túy. Một bên là lao lực, một bên là lao tâm. Nhàn không có nghĩa là không làm gì, mà chính là làm gì khác với lao động hàng ngày, thoát khỏi sự chi phối của cuộc sống ngày ngày lặp đi lặp lại, đi du lịch, thay đổi công việc: tùy trình độ văn hoá và thói quen, thời gian nhàn hạ có thể sử dụng vào những việc bổ ích hay theo hướng tiêu cực. Sử dụng thời gian nhàn hạ trở thành vấn đề tâm lý xã hội quan trọng.