Ý hệ [Đức: Ideologie; Anh: Ideology]
Trong phạm vi lý thuyết xã hội của học thuyết Marx, ý hệx là văn hoá thống trị của một xã hội phục vụ cho việc duy trì và hợp pháp hoá quyền lực của giai cấp thống trị. Khái niệm này vẫn còn quan trọng trong những công trình thời kỳ đầu của Habermas dù nó đã giảm dần ở các công trình thời kỳ sau. Tầm quan trọng của khái niệm này ở thời kỳ đầu một phần là do ảnh hưởng của những nhà tư tưởng thuộc Trường phái Frankfurt thế hệ đầu tiên đối với Habermas trẻ, cùng với ảnh hưởng của những nhà tư tưởng mới thuộc phái Marx luận theo xu hướng Hegel như György Lukács và Ernst Bloch. Công trình của họ có đặc điểm là quan tâm nhiều hơn tới văn hoá so với Marx hay những nhà Marx luận thế hệ trước. Theo Trường phái Frankfurt và những người đương thời với họ, văn hoá là địa điểm then chốt của cuộc tranh đấu và biểu đạt chính trị, và điều này dẫn đến một miêu tả tinh tế về bản chất của ý hệ.
Quan niệm nguyên thuỷ của học thuyết Marx về ý hệ có thể được tóm gọn bằng nhận định của Marx rằng những tư tưởng của giai cấp thống trị trong mọi thời đại là tư tưởng thống trị (Marx & Engels, 1977, tr. 64). Tức là, thông qua quyền kiểm soát những bộ phận quan trọng của văn hoá, như tôn giáo, giáo dục và sau này là các phương tiện truyền thông đại chúng, giai cấp thống trị có thể tuyên truyền về thế giới quan và tập các giá trị vốn phụng sự việc biện minh cho địa vị quyền lực của giai cấp họ. Vì thế, chẳng hạn, nhà thờ Âu châu trung đại có thể được xem như đã đưa ra miêu tả về thế giới xã hội (và thực tế là cả thế giới tự nhiên) như là hệ thống cấp bậc được Chúa trời định trước. Chúa ban cho mỗi cá nhân vị trí của họ, và thách thức vị trí này sẽ là hành động phản kháng không chỉ quyền uy trần thế, mà còn phản kháng cả quyền uy thần thánh.
Tuy nhiên, có một quan niệm tinh tế hơn có thể tìm thấy trong bình luận nổi tiếng (và có lẽ hiếm được thấu hiểu) của Marx rằng tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng (Marx, 1975b, tr. 244). Luận điểm ở đây không chỉ là tôn giáo cung cấp ‘ma túy’ như là tấm nệm chống lại những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống hàng ngày vốn có thể phục vụ cho việc kiềm chế tình trạng bất ổn chính trị (chẳng hạn, bằng việc hứa hẹn cho những người hiền lành và bị áp bức rằng họ sẽ được tưởng thưởng trên thiên đàng). Quan trọng hơn, thuốc phiện này khích lệ những ước mơ, và những uớc mơ về đời sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn thường cấu thành nên phần nội dung trọng yếu của các ý hệ. Vì vậy, chẳng hạn, Kitô giáo đưa ra những lời hứa hẹn cho những người giữ gìn hoà bình và những người chăm sóc cho người nghèo những hình ảnh mạnh mẽ về Phán xét Cuối cùng trong đó kẻ ác sẽ bị lên án. Là một ý hệ, nỗi nhức nhối chính trị được rút ra khỏi những ý niệm như vậy bằng việc liên kết chúng với cuộc sống kiếp sau. Sự tái diễn giải được chính trị hoá về ý hệ biến nó thành một đòi hỏi cần có sự thay đổi xã hội và công chính ngay tức thì. Cách đọc như vậy có vai trò quan trọng đối với công trình của Ernst Bloch (Habermas, 1983a, tr. 61–77). Bloch và các nhà Marx luận khác của thế kỷ XX đẩy sự diễn giải về ý hệ này đi xa hơn khi cho rằng, nội dung các ý hệ còn là triệu chứng nói lên các mối bận tâm của người bị áp bức. Tức là họ cho rằng các ý hệ có nội dung không tưởng, một lần nữa là ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, giống như nhà tâm phân học có thể tìm trong những giấc mơ của các bệnh nhân manh mối của chứng loạn thần kinh thì những giấc mơ này không được hiểu theo nghĩa đen của nó. Hầu hết những viễn kiến không tưởng thường là những chỗ gây khó chịu đến bất thường khi được sống trong đó. Tuy nhiên, khi xét chúng như các triệu chứng, chúng sẽ cung cấp manh mối quan trọng cho những hình thức mà sự áp bức đang được thực thi, và vì vậy cho biết cần phải làm gì để thay đổi sự áp bức đó. Cách tiếp cận này cho phép nhà phân tích theo Marx luận tìm thấy trong phạm vi văn hoá những mạch phức hợp của các viễn kiến, khát vọng và cảm hứng, khi những người bình được xem là sử dụng các nguồn lực văn hoá để đương đầu và tạo nên ý nghĩa cho đời sống của họ (hơn là chỉ chấp nhận một viễn kiến áp đặt từ các giai cấp thống trị) (xem phê phán ý hệ/ideology critique).
Trong những tác phẩm hậu kỳ của Marx, khái niệm ‘ý hệ’ bị loại bỏ để đổi lấy phân tích về điều mà ông gọi là ‘bái vật luận hàng hoá’ (commodity fetishism). Tức là, ông cho rằng, nhu cầu về một nền văn hoá công khai nhằm hợp thức hoá hoặc che giấu sự thống trị của giai cấp thống trị là thứ không còn cần thiết nữa trong chủ nghĩa tư bản/capitalism. Trong khi ở các hình thái trước đây của xã hội, nhóm thống trị về mặt chính trị trực tiếp điều khiển nền kinh tế (chẳng hạn qua việc chiếm hữu nô lệ hay hưởng lợi trực tiếp từ lao động của nông nô), ở chủ nghĩa tư bản, mối quan hệ giữa những người sở hữu tư bản (chẳng hạn những người sở hữu công xưởng) và những người được họ tuyển dụng dường như bình đẳng và công bằng. Đó là mối quan hệ được điều tiết thông qua thị trường lao động (và người lao động sẽ được trả một ngày lương sòng phẳng cho một ngày làm việc sòng phẳng). Không có sự bóc lột trực tiếp như đã diễn ra dưới thời chiếm hữu nô lệ hay phong kiến. Theo cách nói của Habermas, ngày nay, giai cấp thống trị có thể tự thuyết phục rằng, họ không phải đang thống trị (Habermas, 1976b, tr. 22). Luận điểm của Marx ở đây là cho thấy thành tựu văn hoá của trao đổi thị trường dẫn đến chỗ những người tham gia vào thị trường thấy điều ấy như thể là tiến trình tự nhiên. Trao đổi thị trường vì vậy là điều tất yếu, và những điều bất bình đẳng nảy sinh từ nó là thứ công bằng. Chính cách tiếp cận này được tiếp thu và khái quát hoá thành một lý thuyết về ý hệ, một lần nữa được những nhà Marx luận như Lukács và Trường phái Frankfurt sử dụng, dưới khái niệm vật hoá/reification.
Đọc thêm: Larrian, 1979