Ý THỨC HỆ
[VI] Ý THỨC HỆ
[FR] Idéologie
[EN]
[VI] Sống giữa xã hội, mỗi con người đều có một hệ tư tưởng (rõ nét hay không) nối kết bản thân và toàn bộ xã hội. Có thể đứng về góc độ xã hội hay tâm lý học mà nghiên cứu ý thức hệ. Ban đầu, Marx gắn với ý thức với khái niệm “ý thức giả hiệu” (fause conscience) của những xã hội bị tha hóa, như xã hội tư bản. Về sau, Marx dùng loại từ này chỉ các loại hình ý thức xã hội giúp cho mọi người sinh sống giữa xã hội và thế giới tự nhiên. Và ý thức hệ của một xã hội đôi khi cũng là ý thức của giai cấp thống trị. Những nhà tâm lý học, trong đó đặc biệt là Eric Fromm, tìm cách vận dụng phân tâm học vào vấn đề ý thức hệ. Fromm cho rằng Freud chỉ quan tâm đến bản năng sinh vật, bỏ quên cơ cấu xã hội. Theo Fromm, khi con người không hòa nhập được vào những cơ cấu xã hội, nẩy sinh mối lo hãi, con người tạo ra ý thức hệ, tìm cách giải tỏa mối lo hãi ấy, rồi ý thức hệ lại tác động lên hành vi xã hội, giúp vào việc cải tạo xã hội, rồi lại sinh ra những yêu cầu mới, lo hãi mới, từ đó nảy ra những ý thức mới. Xã hội hiện đại giải phóng con người khỏi những ràng buộc của xã hội cổ truyền, nhưng lại đẩy con người vào thế cô đơn, mâu thuẫn giữa hai nguyện vọng, một bên giành lấy tự do, một bên được bảo đảm an toàn (về vật chất và tâm lý) làm nền cho văn minh ngày nay.