“Phê phán Lý tính Thực hành”: Xuất bản năm 1788, cuốn Phê phán này là văn bản thứ hai trong bộ ba Phê phán và là cuốn thứ hai trong ba tác phẩm thời kỳ chín muồi trong triết học luân lý của Kant. Trước nó là cuốn Đặt cơ sở cho Siêu hình học vê Đức lý xuất bản năm 1785 và sau nó là cuốn Siêu hình học Đức lý xuất bản năm 1797. Như với cuốn PPTTTT, cuốn PPTTTH đi theo một phương pháp trình bày tổng hợp, đi từ các nguyên tắc luân lý qua quy luật luân lý đến sự tự do. Trong sự biện minh về các định đề về Thượng đế, Tự do và tính Bất tử, nó đưa ra một hứa hẹn được nói trong Tời tựa thứ hai cho cuốn PPTTTT “tôi phải dẹp bỏ nhận thức [sai lầm] đi để dành chỗ cho lòng tin” (PPTTTT B30). Cuốn này đi theo sự tổ chức của văn bản phê phán đã được Kant xác lập trong cuốn PPTTTT, với một “Học thuyết về các Yếu tố của Tý tính thuần túy thực hành”, theo sau bằng một “Học thuyết về Phương pháp của lý tính thuần túy thực hành”. Như trong cuốn PPLTTT, “Học thuyết về các Yếu tố” được phân thành một phân tích pháp và một biện chứng pháp. Cái đầu bắt đầu bằng việc định nghĩa về một nguyên tắc thực hành như một “sự quy định phổ biến đối với ý chí”, phân biệt như các châm ngôn, nếu có giá trị hiệu lực chủ quan, và như các quy luật nếu có giá trị hiệu lực khách quan.
Chương I [Phần I, Quyển I] của cuốn PPLTTH bắt đầu bằng 8 định lý xác lập bản tính của các nguyên tắc thực hành, khách quan bằng một sự luận chiến chống các nguyên tắc của phán đoán luân lý - tức, hạnh phúc, cảm xúc luân lý, sự hoàn hảo - vốn được các triết gia trước Kant ủng hộ. Sau khi xác lập cơ sở cho quy luật luân lý trong sự tự do, và mối quan hệ của nó với tính tự trị và mệnh lệnh nhất quyết, Kant tiến hành một diễn dịch về các nguyên tắc dựa vào tính nhân quả của quy luật luân lý “trong một thế giới khả niệm (tính nhân quả bằng Tự do)” (tr. 49, tr. 50). Trên cơ sở này, Kant trình bày một “bảng các phạm trù của sự tự do”, bảng này cũng được tổ chức dựa theo sơ đồ quen thuộc gồm Chất, Lượng, Tương quan và Tình thái (PPLTTT, tr. 66, tr. 68-69). Theo sau phần này là một mục thú vị bàn về “Điển hình luận của năng lực phán đoán thuần túy thực hành”, mục này tương ứng với mục bàn về thuyết niệm thức trong PPLTTT, rồi ông tiếp tục trình bày chương then chốt là “Về những động cơ của lý tính thuần túy thực hành”. Ở đây, Kant bàn về cảm xúc tôn kính quy luật luân lý như một phương cách tự-quy định của ý chí, và đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa hành động dựa theo bổn phận với hành động xuất phát từ bổn phận, xem cái sau như hành động với sự tôn kính quy luật.
Phần “Biện chứng pháp của lý tính thuần túy thực hành” tập trung vào những định nghĩa nghịch lý về sự thiện tối cao, được trình bày dựa theo sự đối lập giữa phái Epicure và phái Khắc kỷ. Điều này được biến thành những lập trường đối lập về việc liệu lòng ham muốn hạnh phúc có phải là động cơ cho các châm ngôn của đức hạnh hay không, hoặc các châm ngôn của đức hạnh có phải là nguyên nhân có hiệu lực cho hạnh phúc (PPLTTH, tr. 114, 117-118). Kant tách xa khỏi sự đối lập này bằng cách tuyên bố rằng cả hai nguyên tắc đều giả định “sự hiện hữu trong thế giới cảm tính là cách thức hiện hữu duy nhất của một hữu thể có lý tính” (tr. 114, 119). Sau đó, điều này dẫn đến mục “Về các định đề của lý tính thuần túy thực hành nói chung”, phần này nảy sinh từ sự hiện hữu của quy luật luân lý: các định đề gồm tính bất tử (cung cấp sự kéo dài [sự sống] cần thiết cho việc thực hiện trọn vẹn quy luật luân lý), sự tự do (đáp ứng các điều kiện cho sự độc lập với tính cảm giác và sự quy định trí tuệ của ý chí), và Thượng đế (như điều kiện cần cho một thế giới khả niệm và sự Thiện-tối cao) (tr. 132, tr. 137). Sau đó, các định đề được cho là thỏa mãn trên phưong diện thực hành các đòi hỏi của lý tính mà sự mở rộng tư biện của nó đã bị “Biện chứng pháp siêu nghiệm” của cuốn PPLTTT hạn chế nghiêm ngặt. Văn bản này được hoàn tất trong học thuyết về phưong pháp bằng một số bình luận về sự mở rộng ảnh hưởng của lý tính thực hành, hay “biến lý tính thực hành khách quan thành lý tính thực hành chủ quan” (tr. 151, tr. 155).
Từ rất nhiều phê phán và bình giải về PPTTTH, tôi chọn ra một đoạn văn cực kỳ có tính gợi ý và rất có sức thuyết phục từ cuốn The Gay Science [Khoa học Vui tươi] của Nietzsche:
Và, bạn tôi ổi, lúc này đừng nói với tôi về Mệnh lệnh nhất quyết! - Chữ này cù vào tai tôi, và tôi phải bật cười to, dẫu có mặt một người nghiêm chỉnh như bạn: [bởi] qua đó tôi nhớ đến lão già Kant, người đã - cũng lại là một điều rất nực cười nữa! - giành được “vật tự thân” bằng mưu ma chước quỷ, và như một hình phạt cho điều ấy, “mệnh lệnh nhất quyết” đã rón rén đi vào trong trái tim lão, khiến lão quay trở lại với “Thượng đê”, “Tinh hồn”, “Tự do” và “tính Bất tử”, giống như một con cáo đi lạc trở lại vào cái cũi của mình: - dẫu nó vốn đã có đủ sức mạnh và sự tinh khôn để phá tung cái cũi ấy!” (Nietzsche, 1882 )