Nhất thể/Nhất tính/Thống nhất (sự, tính) [Đức: Einheit; Anh: unity]
Xem thêm: Phạm trù, Khái niệm, Đống nhất (sự, tính), Đa tạp (cái), Lượng, Lý tính, Tương quan, Quy tắc, Giác tính,
Nhất thể là một khái niệm có mặt khắp nơi trong triết học của Kant, và vì vậy nó được sử dụng theo nghĩa riêng và nghĩa chung. Tuy thế, cách sử dụng của Kant về cơ bản tỏ ra là hàm hồ nước đôi trong định nghĩa về khái niệm này, giữa (a) nghĩa “siêu nghiệm” truyền thống về nhất thể và (b) nghĩa phê phán về nhất thể như là phạm trù đầu tiên trong các phạm trù về lượng. Chính Kant đã suy tư về hai nghĩa của nhất thể trong PPLTTT khi ông bàn về mệnh đề của triết học kinh viện rằng “hữu tính, nhất tính, chân tính, và thiện tính là có thể giao hoán với nhau” [quodlibet ens est unum, verum, bonum]” (B 113). Kant nhận thấy rằng các siêu nghiệm thể thuộc truyền thống được xem là những sự quy định vượt khỏi-phạm trù của tồn tại nhưng Kant mạnh dạn đề nghị hạ chúng xuống thành các phạm trù đơn thuần về lượng: “Các thuộc tính siêu nghiệm về sự vật bị hiểu một cách sai lầm này thực ra không gì khác hơn là các yêu cầu và các tiêu chuẩn logic của mọi nhận thức về sự vật nói chung và nền tảng thực sự của chúng chính là các phạm trù về Lượng, đó là Nhất thể, Đa thể và Toàn thể” (BI 14). Tuy khẳng định như thế, nhưng địa vị siêu nghiệm của nhất thể vẫn quay trở lại ám ảnh, dằn vặt Kant theo nhiều cách.
Trong HHTĐ, Kant đi theo nghĩa siêu nghiệm truyền thống của nhất thể, rút nó ra từ “một cơ sở trong hữu thể tối cao” (tr. 119, tr. 160) và xem nó như thấm đẫm “sự hoàn hảo tự nhiên”. Tuy nhiên, qua cuốn THTN, nhất thể - cùng với đại lượng, đa thể, không gian - trở thành một trong những khái niệm nền tảng, “không thể phân tích được” mà được rút ra sau này trong bảng các phạm trù (THTN tr. 280, tr. 252). Hai nghĩa của nhất thể cùng có trong LA, ở đó cả hai nghĩa được đặc trưng như sự nối kết chủ quan các hiện tượng, vừa như “hệ luận tất yếu của việc mọi bản thể đều phụ thuộc vào một hữu thể” (LA §20). Trong PPLTTT, hai nghĩa của nhất thể cũng cùng xuất hiện, mặc dù nghĩa vượt khỏi-phạm trù của thuật ngữ này đã mất đi màu sắc thần học của nó.
Trong PPLTTT, mặc dù Kant đã tìm cách quy giản nhất thể thành một phạm trù về lượng, ông nhấn mạnh sự phân biệt giữa nghĩa thuộc phạm trù và nghĩa vượt khỏi-phạm trù khi ông nhận xét rằng “sự thống nhất [nhất thể] này có trước một cách tiên nghiệm so với mọi khái niệm về sự nối kết, nên không phải là phạm trù nhất thể... vì mọi phạm trù là dựa vào các chức năng logic trong những phán đoán, nhưng trong những phán đoán thì sự nối kết, do đó, sự nhất thể của những khái niệm được cho vốn đã được suy tưởng” (PPLTTT B 131). Việc Kant gặp phải vấn đề này được trình bày rõ ràng nhất trong SL. Khi tìm cách rút ra bảng các phạm trù, Kant đã “tìm kiếm một hành vi của giác tính chứa đựng mọi phần còn lại và chỉ được dị biệt hóa bởi những sự biến thái hay các mô men khác nhau” (SL § 39). Kant đã tìm thấy điều này trong hành vi phán đoán mang “cái đa tạp của biểu tượng vào dưới tính thống nhất của tư tưởng nói chung” (SL § 39). Tuy nhiên, tính thống nhất đang được bàn đến không thể là phạm trù nhất thể vốn được cho là rút ra từ tính thống nhất của tư tưởng; do đó cái sau phải thuộc về một cấp bậc khác so với các phạm trù; hay nói khác đi, là “siêu nghiệm”.
Việc viện đến một nhất thể vượt khỏi-phạm trù đã đặt ra vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với triết học phê phán, nhưng không thể tránh được. Với Kant, cần thiết phải định đề hóa một “ý thức nguyên thủy thuần túy và bất biến” hay “thông giác siêu nghiệm” của “tính thống nhất về số lượng” của thông giác này làm “cổ sở tiên nghiệm cho mọi khái niệm” (PPLTTT A 107). Không có nó, toàn bộ triết học siêu nghiệm hẳn sẽ có nguy Cổ trở thành một tâm lý học thường nghiệm; tuy nhiên làm sao ông có thể biện minh sự sử dụng mập mờ nước đôi về [khái niệm] nhất thể như là một tổng hợp vừa thuộc phạm trù vừa vượt khỏi-phạm trù? “Một con đường mà Kant khảo sát là mô tả “tính thống nhất” vượt khỏi-phạm trù của chủ thể siêu nghiệm như một “sự đồng nhất” xuyên suốt “nhất thể” thuộc phạm trù: “Ý thức nguyên thủy và tất yếu về sự đồng nhất của chính nó đồng thời là một ý thức về sự thống nhất tổng hợp của mọi hiện tượng dựa theo các khái niệm...” (PPLTTT A 108). Con đường khác là định tính chất cho tính thống nhất dựa theo việc nó được nói đến trên phưong diện phạm trù hoặc siêu nghiệm hay không, như khi Kant đặt tựa một cách có cân nhắc về tính thống nhất của thông giác là “sự thống nhất siêu nghiệm của tự ý thức, để biểu thị khả thể của nhận thức tiên nghiệm ra đời từ sự thống nhất này (PPLTTT B 132, in nghiêng của Kant).
Phía trên sự phân biệt giữa sự thống nhất [nhất thể] thuộc phạm trù và nhất thể siêu nghiệm, Kant thêm vào sự thống nhất của giác tính và sự thống nhất của lý tính. Cái trước là sự thống nhất thuộc phạm trù trong khi cái sau liên quan đến việc “đưa sự thống nhất tổng hợp, được suy tưởng trong phạm trù, vưon tới cái Vô-điều kiện” (PPLTTT B 383). Sự thống nhất của lý tính khác với sự thống nhất siêu nghiệm ít nhất ở một phưong diện quan trọng. Sự thống nhất siêu nghiệm cho phép hành vi phán đoán diễn ra mà từ đó ta rút ra được các phạm trù như các phưong cách, trong khi sự thống nhất của lý tính là sự mở rộng của phạm trù “nhất thể’ đã được mang lại rồi vượt khỏi những ranh giới của giác quan thành cái vô-điều kiện.
Mai Sơn dịch